Tôi đi Hà Giang – cung đường Đồng Văn (Phần 2)

Sau một ngày dài đi xe từ Hà Nội lên Đồng Văn, tôi có một đêm ngủ ngon, nhất là sau khi đánh một vòng chợ đêm ngay sát khách sạn. Về khuya Đồng Văn khá lạnh, nhiệt độ xuống 13, đã gần nữa đêm, quá muộn để ăn tối đối với tôi, nhưng muốn cho gì đó nóng vào bụng cho ấm. Tôi kêu một chén tàu phớ, hay theo cách gọi trong Nam – tàu hủ nước đường, tiếc là trong nước đường không nhiều gừng như ở Sài Gòn, để ấm bụng, theo lời cô bán, gừng nhiều quá sẽ át đi mùi đậu! Trời lạnh, dù được ủ trong những chiếc chăn, tàu phớ cũng không còn nóng lắm.

Hai kẻ đi phượt trên một cung đường ở Đồng Văn

Sáng hôm sau chúng tôi ăn sáng cũng ngay tại chợ đêm, chỉ có hai hàng đông khách là bánh cuốn và phở. Bánh cuốn Đồng Văn không khác Hà Nội, bánh ngon, nhưng tôi vẫn thích vị đậm đà của nước chấm trong Sài Gòn. Ngồi sát hàng bánh cuốn, nhìn người bán cuốn bánh, tôi nhớ đến hàng bánh cuốn của tuổi thơ, tôi từng mãi mê đứng xem, ngạc nhiên nhìn lớp bánh mỏng tanh trên lớp vải trắng, trong làn hơi bốc lên mù mịt, tôi thích thú nhìn bà cụ cuốn bánh với chiếc đũa dài, rồi mùi thơm của nhân thịt, của nước chấm đủ vị – mặn, ngọt và cay cay!

Ít nhiều gợi nhớ đến quày bánh cuốn ngày xưa

Ăn xong chúng tôi lên đường ngay! Nói đi phượt bằng xe máy, nhưng thực tế tôi chỉ là hành khách độc nhất trên chiếc xe hai bánh. Bạn tôi, người quá quen với những hành trình liên tỉnh ở khu vực phía Bắc chịu trách nhiệm cầm lái, còn tôi – cầm máy! Vài phút đầu, tôi hơi giật mình với những cua quẹo lên dốc khá gắt, tự hỏi nếu cứ như thế mãi, thì thật tội cho chiếc xe! May sao, xe rất tốt trong suốt hai ngày dong ruổi trên những cung đường khó, nhất là đoạn xuống dòng sông Nho Quế! So ra cung đường Đồng Văn dể chịu hơn cung Mèo Vạc rất nhiều!

những đoạn đường thênh thang
những cua quẹo không gắt

Tôi có tật hay “xem thường” tiết lạnh ở Việt Nam, cứ nghĩ mình đã qua bao mùa Đông lạnh giá khắc nghiệt, nên lười mang đồ lạnh, chính vì thế tôi đã phải mấy lần mua thêm áo khoác. Lần này, may sao đồ “tương đối” đủ ấm không đến nổi như kỳ đi Huế đầu năm. Sáng trời lạnh mù sương nhưng khi mặt trời lên cao, ấm lên hẳn.

Thỉnh thoảng chúng tôi dừng lại dọc đường khi đi ngang qua những ruộng bậc thang ẩn hiện từ xa trong lớp sương mai, những cánh đồi, những hàng cây, con đường đất đỏ gập ghềnh đầy đá và những người dân tộc, lúc nào cũng gùi trên lưng những bó cũi, bó lá thật to. Họ lầm lũi đi, yên lặng, đôi khi họ bất ngờ xuất hiện sau những vách đá, từ những con đường khá dốc trên những cánh đồi.

Sương mai vẫn lẫn quẫn dù mặt trời lên khá cao
Đẹp như một bức tranh lúc chớm Thu

Trong lúc chúng tôi dừng chân, ngắm cảnh, một phụ nữ dân tộc lớn tuổi gùi trên lưng bó lá rất to, bà bất ngờ xuất hiện từ con đường mòn lỏm chỏm đá, khá dốc, bà chậm rãi tiến lại gần, nở một nụ cười nhẹ, khi nghe hai tiếng “Chào bà!”. Giờ ngồi nhớ lại, tôi tiếc mãi vì đã không chụp hình một bà cụ khác, gùi rau đi bán ở cột cờ Lũng Cú, một bó cải to, tươi rói, với giá 5 ngàn đồng Tôi còn nhớ như in khuôn mặt bà, đầy những nếp nhăn tuổi tác, bà thật đôn hậu, hiền hoà, nhẹ nhàng đi ngang tôi với ánh mắt như cười hỏi “Mua giúp bà không ?”.

Tôi cười nhẹ từ chối, bà lại bước tiếp, những bước chậm, xuống từng bậc thang với chiếc gậy trong tay. Bà đi rồi, tôi vẫn không biết tại sao không dừng bà lại, xin chụp hình bà, cho bà chút tiền. Tôi có một thói quen, chỉ thích chụp người từ xa, để họ tự nhiên, không biết bị chụp. Mà như vậy khác gì chụp lén, không xin phép, nhưng tôi lại không thích khi ai đó đứng trước ống kính, hoặc ngượng ngùng cười hoặc thích tạo dáng này nọ, miệng thì cứ hối chụp chưa chụp chưa!

Bà bất ngờ xuất hiện từ con đường mòn sau vách núi

Chạy một lúc chúng tôi lạc vào những cánh đồng hoa Tam giác mạch. Lần đầu tiên tôi thấy hoa này, lúc chỉ một ít ven đường, lúc cả nguyên cánh đồng. Hoa Tam giác mạch màu hồng nhạt lẫn tí sậm, nghe đâu ở vùng khác hoa đậm màu hơn. Tôi và người bạn có lúc dừng chân uống nước, ăn lựu bên cả một cánh đồng hoa, trải dài từ trên đồi xuống. Hoa dùng làm bánh hay rượu gì đó, tôi có ăn thử bánh nhưng chẳng có vị gì đặc biệt!

Bà cụ ở cánh đồng hoa Tam giác mạch
bên cánh đồng hoa
dưới ánh nắng chói chan ban sáng
Hoa tam giác mạch trải dài từ ven đồi xuồng thung lũng
Người giữ vườn hoa Tam giác mạch

Trong sáng đầu tiên chúng tôi đi đủ hết những điểm cần đi, từ cánh đồng hoa, qua cao nguyên đá, rồi cột cờ Lũng Cú và nhà Vua Mèo. Tôi thắc mắc không biết cao nguyên đá ra sao, dọc đường đi, thấy nhiều nơi, trên những sườn núi, đầy những phiến đá đen lỏm chỏm, có phải đó hay không?

Tôi vẫn thắc mắc phải cao nguyên đá trước mặt
Lể thượng kỳ trên cột cờ Lũng Cú
Cứ mới tuần là một cờ mới được thay do sức gió rất mạnh hay làm rách cờ
Đối diện cột cờ Lũng Cú – một công trình chùa đang xây dựng
Ngôi nhà nhỏ xa xa thuộc Trung Quốc

Khu vực quanh cột cờ Lũng Cú như mới được mở rộng, một con đường thật to với cổng chào hoành tráng, bên cạnh những cánh đồng sau mùa gặt trơ rạ, Tôi chưa bao giờ may mắn thấy những cánh đồng chín vàng. Lần đi Pù Luông, đúng mùa lúa chín, nhưng tới đó mới biết, lúa ở vùng này, khác người, phải vài tuần nữa mới ươm vàng!

Cánh đồng trơ rạ ngay sát cột cờ Lũng Cú

Cột cờ Lũng Cú, tuy nhìn không cao, nhưng leo lên không dể, 839 bậc thang, lại thêm túi máy trĩu nặng! Tôi vừa đi, vừa nhìn chung quanh như để lấy sức leo tiếp! Vừa lên tới chưa kịp ngắm thì các sĩ quan quân đội, trong lể phục, yêu cầu khách tham quan xếp hàng chuẩn bị cho lể thượng kỳ. Buổi lể diễn ra nhanh chóng, trang nghiêm, sau đó mọi người đồng thanh hát quốc ca!

Chỉ nghe tên cột cờ Lũng Cú, không ấn tượng gì lắm, nếu chưa biết ngay tại cột cờ là điểm cao nhất của cực Bắc Việt Nam, cột được xây dưới thời Lý Thường Kiệt và qua hàng thế kỷ đã được trùng tu, xây lại nhiều lần. Đồn biên phòng chỉ cách cột cờ vài trăm mét, có nhiệm vụ bảo vệ cột cờ và đường biên giới dài hơn 25 km giáp với Trung Quốc.

Giọng cô HDV nghe rất hay đang kể về gia đình họ Vương

Từ Lũng Cú qua nhà Vua Mèo khá xa, nhưng đường đi không khó, nhà Vua Mèo hay dinh thự họ Vương được xây dựng từ thế kỷ 19, một sự pha trộn giữa ba nét kiến trúc khác nhau, Tàu, Tây và H’Mong. Có nhiều truyền thuyết về dinh thự họ Vương, nào là xây đúng ngay long mạch nên việc buôn bán thuốc phiện phất lên, rồi sau đó lại bị bùa ém hay long mạch bị phá, gia tộc lại lụi tàn.

Tôi bổng nhớ đến truyện đọc hồi nhỏ về các thầy địa lý, phong thuỷ của Tàu, việc tìm những long mạch, phép điểm huyệt, ém bùa trấn áp, như truyện kinh dị, nhất là khi tìm nơi an táng cho người chết, không đúng chỗ, những oan hồn sẽ sống vất vưởng, theo quấy rầy người thân! Dinh thự họ Vương có 4 gian ngang, 6 gian dọc và rất nhiều phòng, hành lang khuất. Màn đêm buông xuống, không gian sẽ rất ma mị. Một tour “nhát ma” chắc chắn thu hút các tín đồ thích cảm giác mạnh! Tại Châu Âu những tour nữa đêm như vầy rất đắt khách!

Dinh thự với nhiều hành lang ngang dọc khá âm u
Lan can sắt với những hoa văn rất Tây và tháp canh
Bốn gian ngang sáu gian dọc và rất nhiều phòng
Lổ châu mai từ tháp canh

Cung đường Đồng Văn đi qua nhiều cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đẹp như tranh, mùa hoa Tam giác mạch khó nói đẹp hút hồn, nhưng mang lại cho Đồng Văn những nét rất thơ, nhất là dưới ánh nắng ban mai, nhưng ước gì nếu mình làm tốt hơn trong quản lý, quy hoạch, biết cách gìn giữ văn hoá, kiến trúc đặc thù của khu vực, Đồng Văn sẽ không có những công trình nhìn như nhà phố trần trụi, vô hồn giữa những thung lũng xanh, dọc những triền núi, Đồng Văn đã đẹp nhưng sẽ đẹp hơn rất nhiều nếu đó là những ngôi nhà truyền thống.

những công trình không đẹp ít nhiều ảnh hưởng đến cảnh quan

Khởi hành từ lúc 8 giờ sáng, dinh thự Vua Mèo là điểm đến cuối cùng trong ngày đầu dong ruổi trên những cung đường uốn lượn ở Đồng Văn, chúng tôi quay lại phố gần chiều. Cả hai đều đói meo vì từ sáng đến chiều ngoài dĩa bánh cuốn nhỏ sáng sớm, cả hai chỉ cho thêm vào bụng cái bánh bao, vỏ nhiều nhân ít ở Lũng Cú. Giờ tôi thèm có được mâm cơm nóng!

Sông Nho Quế và hẻm vực Tu sản

Ngày thứ hai sẽ là cung đường Mèo Vạc, với đèo Mã Pì Lèng, vua của những cung đèo, với dòng sông Nho Quế…Bạn tôi có phần e ngại độ khó của đường đi, nhất là đoạn xuống sông, đường xấu, định thuê xe. Nhưng sau bữa cơm chiều no nê, sức khoẻ như được phục hồi, tinh thần phấn chấn hơn, chúng tôi lại quyết phượt tiếp bằng xe máy. Và đúng vậy, Mèo Vạc không xa nhưng đường khó, nhiều đoạn đang được mở rộng. Hẹn mọi người trên dòng sông Nho Quế!

One thought

Leave a comment