Câu chuyện về mấy chú khỉ

Thỉnh thoảng tôi thấy những clip trên mạng về những chú khỉ quậy khách tưng bừng, không biết ở đâu, nhưng nhìn cách chúng hung hăng giật đồ – từ túi xách, balô, nón, kiếng, điện thoại đến kéo quần, kéo áo, giật váy…rồi cách chúng phản ứng khi khách cố giành lại. Y như phe hiếu chiến trong phim Hành tinh Khỉ!

Việt Nam có Cần Giờ với đảo khỉ. Chúng cũng giật đồ ăn, nón…nhưng có vẻ nhẹ nhàng hơn một tý, hù là sợ. Tôi đến đó lâu rồi, không biết giờ chúng có tiến hoá theo chúng ta không, thông minh và táo bạo hơn! Bên thiên đường Bali cũng có, lũ khỉ như được thần nhập, vô cùng chuyên nghiệp, tôi chứng kiến bao cảnh, dở khóc dở cười!

Chuồng khỉ nổi tiếng nhất trong sở thú ở Sài Gòn

Sở thú ở Sài Gòn, cũng lắm khỉ, những chú khỉ chẳng bao giờ chịu sống yên trong chuồng, thân hình gầy gò giúp chúng dể dàng lách qua mấy song sắt rồi ngồi vất vưởng đâu đó, lúc tận trên nóc chuồng, lúc tuốt trên cành cao, hay vắt vẻo dọc hàng rào, mắt nhìn theo khách…Chúng không hiếu động, ngồi im, cho thì lấy, nhiều khi chê, có lẽ cuộc sống xa rừng hoang khiến chúng chỉ thèm chút tự do bên ngoài! Còn ăn đã có bao người lo!

Những chú khỉ yêu chuộng tự do

Cuối Thu năm ngoái tôi đi Nhật, thăm những chú khỉ nổi tiếng trong bộ phim tài liệu của National Geographic, tôi xem từ lâu. Hình ảnh những chú khỉ, đầu phủ đầy tuyết, ngồi co ro trong làn suối nóng, hơi nước bốc lên chung quanh, trong khá ảo. Tôi hiếu kỳ muốn thấy chúng, vô tình sao, trong chuyến du hành quanh các thành phố miền Trung nước Nhật, tôi có 2 ngày ở gần khu của mấy chú khỉ này.

Chú khỉ tuyết ở Jigokudani

Nói gần, chứ lúc tìm đường đến chúng, cũng khá xa! Đã thế, đến nơi tôi nghĩ giỏi lắm đi thêm vài trăm mét là gặp, ai dè sau một chuyến xe buýt chừng 15 phút, tôi còn phải lội bộ gần 15-20 phút để vào tới cổng. Tới cổng vẫn chưa, vì cổng đó chỉ là cổng vào khu du lịch sinh thái với nhà hàng, khách sạn, quán ăn bao quanh, đi một chập mới tới cổng thứ hai. Lúc đó mới chào mừng bạn đến khu công viên khỉ tuyết hoang dã Jigokudani, trong thung lũng sông Yokoyu, thuộc khu bảo tồn quốc gia.

Cổng vào khu bảo tồn đường dài gần 2km

Từ cổng chánh vào khu vực khỉ sinh sống gần suối nước nóng chỉ hơn một tiếng trekking theo con đường ven rừng gần 2km, một bên thung lũng, một bên lúc rừng, lúc núi. Đường phủ đầy lá mục, chúng nằm đó từ bao giờ, nhưng chắc đủ lâu để thành một tấm thảm dày, lúc mưa cứ như lội bùn, lúc tuyết rơi nhiều không biết đâu là đường! Khá trơn trợt, sau chuyến đi, đôi giày thể thao đen của tôi chuyển màu, may mà thời tiết khá tốt, chỉ lất phất lúc mưa lúc tuyết!

Đường vào khu công viên Jigokudani

Từ xa khi thấy vách núi sừng sững phía trước, khu rừng thông và hơi nước nóng ngùn ngụt bốc lên, mùi diêm sinh phảng phất trong gió, tôi biết mình đã tới. Những con khỉ đã ngồi ven đường, chúng chẳng màng gì đến khách, khá dửng dưng, không đu bám, tôi yên tâm hơn vì biết chúng không quậy phá mình!

Hai mẹ con khỉ chẳng màng gì đến khách bao quanh

Tôi còn phải leo lên một thang cao dọc sườn núi, đi một đoạn không xa, mới đến nơi bán vé cũng là nơi cửa vào khu sinh hoạt của bầy khỉ. Phòng bán vé vừa bán quà lưu niệm, vừa quán cà phê cho khách nghĩ chân, cảnh quan chung quanh khá đẹp. Cầm tấm vé trên tay, cô nhân viên dặn dò mọi người tuyệt đối không cho khỉ ăn, không đụng hay chọc phá, làm phiền chúng.

Có lẽ nhờ vậy nên lũ khỉ chẳng quan tâm đến khách, mặc bao nhiêu ống kính chĩa vào chúng, chụp quay, đứng gần, đứng sát bên, chúng cũng chỉ hoặc làm ngơ, hoặc bỏ đi, đôi lúc tò mò nhìn lại, một cách lạnh lùng. Tôi thấy nhiều chú khỉ con, cố bám theo mẹ, theo bầy, nhưng có nhóc, như lạc mẹ, ngồi chong ngóc một mình, mắt ưu tư, không biết chúng đang nghĩ gì…

Chú nhóc với đôi mắt khá biểu cảm

Công viên khỉ tuyết Jigokudani, “Thung lũng địa ngục”, không biết cái tên kinh dị này từ đâu ra, có lẽ từ hình ảnh ảm đạm xám xịt của mùa đông lạnh giá, khi hơi nước mù mịt bốc lên từ dòng suối nóng làm mờ mờ ảo ảo một một góc rừng bên cạnh vách núi cao sừng sững với rừng cây dày đặc bao quanh.Từ mấy chục năm nay, những chú khỉ truyền miệng nhau, nếu ngâm mình dưới suối, sẽ giúp chúng dể dàng qua được mùa Đông khắc nghiệt.

Thật ra không dể thấy hàng trăm con khỉ vây quanh suối, chúng chỉ tụ về đây vào đúng giữa mùa đông, khi nhiệt độ xuống âm, thức ăn trong rừng trở nên khan hiếm và khó tìm, chúng đến đây để sưởi ấm dưới dòng suối, về sau nhân viên kiểm lâm cho chúng ăn, theo thời gian thành thói quen, cứ đến mùa tuyết rơi chúng lại kéo về…

Tiết trời cuối Thu chưa đủ lạnh để kéo chúng xuống nước

Tôi thích cách chúng xử sự, hoàn toàn không làm phiền tới khách, tôi cũng nghe vài ba câu chuyện về những vị khách nghịch ngợm nhưng có lẽ theo thói quen chúng chỉ bỏ đi, hoặc trừng mắt nhìn lại, ánh mắt hung dữ làm khách cũng chùn tay.

Đừng có mà đụng đến tui
Nhốn nháo tìm thức ăn

Tôi loay hoay chụp hình chúng, xem chúng quậy phá, chơi đùa với nhau cũng mất hơn nữa ngày. Đặc biệt, khi nhân viên trong khu bảo tồn dùng còi kêu chúng về ăn, cả khu trở nên náo loạn, tiếng chúng kêu nhau, hàng trăm con từ trong rừng kéo ra, đu bám trên cây, chạy dọc những vách núi, phóng qua suối…nhanh chóng xuống khu vực để đồ ăn, nhìn cảnh tượng đó khách cũng muốn nhốn nháo theo! Xem mà vui!

Leave a comment