Một lần nữa tạm biệt xứ bạch dương!

Sau 2 ngày ở Moscow, tôi về lại St Peters. Khách sạn nằm ngay trong nhà ga, nên tôi trả phòng sát giờ tàu khởi hành, chưa đến giờ cho hành khách lên tàu, nên tôi nán ngồi lại trong lobby cho ấm. Ngoài trời lạnh, tuyết rơi, phủ trắng đường tàu, thấy mấy chàng trai gốc Ấn háo hức cởi áo khoác, khăn choàng, đứng chụp hình giữa trời, tôi nhớ ngày xưa, mấy sinh viên Việt Nam mới qua cũng thế, tự hào với sức trẻ, phanh áo giữa mùa Đông, đi tắm băng, cuối cùng đều vào bệnh viện!

Phải mất mấy chục năm tôi mới được thấy ngôi nhà thờ này

Chuyến đi này giúp tôi giải toả được nhiều thứ trong tâm – từ sự ấm ức, đắn đo, đến cảm giác tiếc nuối và cả sự “chênh vênh” (*) trong suy nghĩ. Thế là tôi đã quay về nơi cất giữ điểm khởi đầu thanh xuân của mình, đi lại trên những con đường xưa, thấy lại chốn cũ…vào đúng mùa tuyết trắng, được co ro đi khắp các phố, được hà hơi ra khói, được sống lại cái tuổi 18, cái thời cầm cây kem ăn giữa cái buốt âm 30oC!

Những cột quảng cáo gần khách sạn

Tôi vui nhưng tiếc, tiếc vì nhiều thứ tôi chưa làm được, tiếc khi mình không còn đủ mạnh về sức khoẻ để vượt qua cái lạnh, mạnh về lý trí để chiến thắng cái lười, tính thụ động của người bắt đầu có tuổi, để đi nhiều hơn, thấy nhiều hơn. Nhưng tôi cũng tự khen mình, vì bao nhiêu hôm khi trời còn tối đêm, tôi một mình đi khắp nơi, trong giá rét, cứ đi chẳng màng đường đó đưa tôi đến đâu…

Bao nhiêu hôm khi trời tối đêm, tôi một mình đi khắp nơi, chẳng màng đường đó đưa tôi đến đâu…

Trong suốt hành trình, có ngày tôi ở trong phòng, ngồi sofa, nhắm mắt thả hồn quay ngược về quá khứ, bới những chuyện xưa. Có chuyện làm tôi bật cười vì đúng chỉ có tuổi trẻ mới dám làm – từ trò múa “Con thiên nga” ở câu lạc bộ sinh viên, múa “Champa” trong mùa hè lao động ở nông trang đến những trò đùa tinh nghịch của tuổi trẻ.

Co ro trong cái lạnh, nhìn từng bước chân đi , tôi như quay lại thời cắp sách đến trường

Rồi bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười với “ông bạn” (**) Nga cùng phòng, nổi tiếng khó chịu, “dằn mặt” tôi từ ngày đầu, khi quẹt ngón tay lên nóc kệ cao xem có bụi không, nhưng sau đó ông thân tình đưa tôi về nhà người chị ruột, một bà mẹ đơn thân, với 2 cô con gái nhỏ để cùng ăn tối, cho thấy cuộc sống thật sự của người dân Nga ở ngoại thành.

Quảng trường Cung điện với cổng Khải Hoàn Môn

Hè đến sinh viên chúng tôi thường kiếm việc làm thêm, tôi cũng không ngoại lệ. Chịu khó đi làm một tháng, để tháng sau có tiền đi chơi. Đi xin việc cũng vui, cứ lang thang dọc các phố thấy nhà máy nào hay hay, ghé vào xin việc, chỗ từ chối, chỗ “ngạc nhiên” nhận vào, thủ tục vô cùng đơn giản. Có lần háo hức với nhà máy bánh kẹo, nhưng không có giấy khám sức khoẻ của bác sĩ nên đành qua nhà máy in.

Công việc ở nhà máy in đơn giản, khá nhàm chán, vậy mà sáng nào tôi cũng lo dậy sớm, đón metro, tới bến còn phải đi bộ thêm một đoạn mới tới nhà máy. Nhờ vậy mà tôi biết thêm được cuộc sống bên ngoài, những con phố lạ, những người Nga bình dị, rất tốt trong đời thường.

Cột Alexander nặng hơn 600 tấn được 3000 công nhân dựng lên trong vòng 2 tiếng

Tôi không bao giờ quên chuyến đi nông trang trong đội lao động xung phong của sinh viên, được tổ chức rất quy mô mỗi khi hè về. Đó là một chuyến đi xa về miền Nam bằng xe lữa, sống tập thể cả tháng trời với sinh viên đến từ khắp nơi. Đó là những ngày thu hoạch bắp cải trên cánh đồng dài bất tận, những bữa ăn trên đồng ngon đến lạ lùng dù chỉ có bánh mỳ và súp, là những tiếng cười hay lúc ngã người nghỉ trưa giữa những luống bắp cải thơm mùi tươi rói.

St Peters có nhiều cầu đẹp

Đó là khi chiều về, lúc cả bọn ngồi trên đống bắp cải trong khoang xe tải, tưng lên tưng xuống mỗi khi qua đám ổ gà, ổ voi trong nông trang, ai nấy đều cười to thích thú. Đó là khi cả nhóm leo núi, cột lại với nhau thành một xâu, sợ có người bị bỏ lại sau, để mừng sinh nhật vài người trong đó có tôi, dưới ánh hoàng hôn.

Suốt ngày hôm đó, toàn những trò chơi, bài hát vang lên đến khi màn đêm buông xuống, chúng tôi lại buông người trên những phiến đá, ngắm sao trời đến tận khuya, sau đó lại lần xuống núi, đi theo dấu mật thư tìm đường về trại, đến nổi bị “an ninh địa phương” nghi ngờ theo dõi!

và những con kênh đóng băng

Tôi nhớ những chuyến đi chơi trường tổ chức cho sinh viên nước ngoài vào những kỳ nghỉ đông hay hè, chuyến đi đầu tiên của tôi đến thành phố bên dòng sông Volga nổi tiếng, với tượng đài bà mẹ anh hùng cực kỳ ấn tượng vươn lên nền tuyết trắng phau, đâu đó văng vẵng tiếng nhạc và giọng nói gợi nhớ về thời kỳ hào hùng của dân tộc Nga.Tôi vô tình gặp lại người bạn cùng lớp khoá dự bị, hai đứa chụp chung tấm hình, sau lần đó chúng tôi chưa bao giờ gặp lại nhau, tôi cũng quên luôn tên và quê bạn đó ở đâu.

Hè năm đầu, tôi được đến vùng biển Đen nổi tiếng với thành phố nghỉ dưỡng Sochi, nhớ những buổi sáng cả đám, đủ quốc tịch, đứng dàn ngang cầm tay nhảy sóng, ngã lên ngã xuống, nước biển vào miệng, vào mắt…vậy mà cứ chơi không biết mệt, rồi ham vui tham gia cuộc thi sáng tác áp phích “bảo vệ hoà bình thế giới”, với cái hình thời con nít – đôi cánh chim câu từ vỏ bom hạt nhân, đến những khám phá của tuổi mới lớn khi đi tìm bãi tắm 18+ hay cùng cả nhóm mạo hiểm lội suối ven núi…

Mùa hè năm 2 tôi có chuyến đi chơi vòng quanh Ukraina, ghé các thành phố mà giờ đây chắc bị tàn phá hết trong cuộc chiến với Nga. Những thành phố một thời tràn ngập màu xanh mùa hè, những con đường rậm bóng cây dưới ánh nắng ấm áp miền Nam, cuộc sống yên ả, thanh bình. Giờ không còn gì!

Trong chuyến đi năm đó, chúng tôi được vào thăm nông trang trồng anh đào, cây lùn mà lắm trái, đám sinh viên tha hồ vừa hái vừa ăn.Tất cả những tháng ngày vui vẻ đó như ùa về, tôi mĩm cười với ký ức thời sinh viên, song có lúc băn khoăn tự hỏi mình đã sống trọn vẹn chưa? Tôi không biết trả lời thế nào cho vừa lòng mình!

Jio chú chó corgi rất thích chơi với tuyết

Hai ngày cuối, tôi ở nhà anh bạn, người đón tôi ở phi trường và giúp tôi rất nhiều trong chuyến đi. Anh gốc Nha Trang, học trên tôi một năm, ở trường điện, sau khi tốt nghiệp anh chọn ở lại, lấy nước Nga làm quê hương thứ hai. Hai vợ chồng sống trong một căn hộ nhỏ, cùng với Jio, chú chó corgi cực ngoan, của cô con dâu người Nga gửi lại vì theo chồng, con trai của anh, về Việt Nam sinh sống.

Cây bạch dương sát hồ đã đóng băng

Ngày cuối anh chở tôi ra ngoại ô, trong đầu tôi hơi thắc mắc sao anh không đưa đến những nơi tôi có lần gợi ý, hay quá xa, nhưng không nói ra. À, chắc anh nhớ tôi muốn chụp hình rừng bạch dương…Đêm cuối, cả hai vợ chồng đưa tôi ra sân bay, chuyến bay 2 giờ sáng, anh dặn dò đủ điều, từ việc công an cửa khẩu có thể hỏi này nọ, đến việc gói tí thức ăn đem theo, cho tôi tí tiền rúp bỏ túi để mua nước uống trong khi chờ…Cảm ơn hai vợ chồng rất nhiều và hẹn gặp lại nhau!

Tôi không biết có quay lại nước Nga nữa hay không? Dù trong đầu ấp ủ một hành trình khác – đi xuyên Siberi bằng xe lữa, qua những thảo nguyên, ghé hồ Baikal nổi tiếng sâu nhất, cổ nhất và tinh khiết nhất hành tinh (***) trong mùa Đông giá lạnh. Tôi rất hào hứng với hành trình này, vì nghĩ về nó từ rất lâu. Một lần nữa tạm biệt xứ bạch dương!

—————————

(*) Càng có tuổi, tôi hay có những ý nghĩ lo lắng đôi lúc làm chùn chân trong những chuyến đi

(**) Ông bạn Nga cùng phòng là quân nhân xuất ngũ, lớn tuổi hơn tôi và nhìn rất đứng tuổi nên bị tụi sinh viên cùng khoá kêu “ông già”

(***) Hồ Baikal có chiều sâu hơn 1600m, 25 triệu năm tuổi và hồ chứa nước sạch nhất hành tinh, một trong những nguyên nhân nhờ vào loại giáp xác sống trong nước hồ, có khả năng lọc hàng ngàn kilomet khối nước hàng năm và cứ mỗi 23 năm là toàn bộ nước trong hồ Baikal được lọc sạch.

Leave a comment