Từ Điện Kremlin đến Mona Lisa của nước Nga

Ngày đầu tiên ở Moscow tôi chỉ đi lòng vòng trong metro, đến những ga tàu nổi tiếng với kiến trúc như cung điện, hệ thống metro ở đây dày đặc, nằm sâu gần cả trăm mét dưới lòng đất, bao nhiêu câu chuyện được thêu dệt lên về chiều sâu này, nhưng thật chất vẫn là do địa hình đặc biệt ở đây!

Những tuyến tàu toả khắp các hướng, được các tuyến vòng tròn đan kết lại với nhau. Vòng tròn đầu tiên ngay tâm là nơi hội tụ nhiều ga tàu đẹp nhất.Tôi nhớ tuyến này vì có lúc nhóm 4 người chúng tôi đi thi Olympic tiếng Nga, ngồi chờ Leonid (*) tại đây, hình ảnh 4 đứa đến từ 4 quốc gia khác nhau, kẻ đứng, người ngồi, kẻ đi tới đi lui trên sân ga, còn sáng trong ký ức tôi, như chuyện của ngày hôm qua.

Ga Komsomolskaya – theo kiểu kiến trúc Stalinist

Tàu điện ngầm ở Moscow được xây dựng vào những năm 50, một thời gian sau khi đệ nhị thế chiến kết thúc. Trong những năm đó – thời hoàng kim của Liên Xô, bất chấp cuộc chiến tranh lạnh kéo dài hàng thập kỷ, bất chấp bị tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của thế giới, cả nước Nga hừng hực như một công trường với những đại công trình thế kỷ, trong đó hệ thống metro – một trong những dự án trọng điểm, bộ mặt của đất nước, niềm tự hào của chế độ.

Biểu tượng quen thuộc dưới thời Liên Xô

Các ga điện ngầm được xây theo nhiều trường phái kiến trúc khác nhau, tiêu biểu nhất – kiến trúc Stalinist, những ga tàu hoành tráng, choáng ngợp với hàng cột đá hoa cương, những chùm đèn treo nặng trĩu, những hoa văn, phù điêu cầu kỳ mang hình ảnh, thông điệp tuyên truyền cách mạng khắp mọi nơi, rồi sau đó nhiều ga theo phong cách khác nhau như Art Deco, Neo Classical

Một thời anh em kề vai sát cánh – Nga và Ukraine

Hơn 70 năm trôi qua, những vách đá năm nào giờ đã ố vàng, những phù điêu nhiều chỗ nham nhở, những cây đèn chùm vẫn ngự trên cao, nhưng lu dần, thêm mấy hạ tầng tạm thời – toilét dã chiến, ray kéo hành lý được gắn thêm trên các bậc thang, trông thật chênh vênh! Nơi đây, trong các ga tàu – từng ghi dấu thời kỳ son sắc, ôm ấp tình cảm mặn nồng, sự đoàn kết tưởng như bền chặt của các dân tộc trong Liên bang Xô Viết…giờ tất cả đều ra đi, khác gì các đoàn tàu rời xa bến.

Một cổng vào Quảng trường Đỏ

Từ khách sạn tôi ở đến Quảng trường đỏ, chỉ đi mấy bến, tưởng gần nhưng hoá xa do đường đi bộ khá dài trong hầm đến đúng “exit” ra quảng trường. Tôi đi khi trời chưa sáng, ga tàu còn vắng, trong hầm đôi khi chỉ vang lên tiếng chân của chính mình. Trời lạnh, âm gần 10oC, tôi cố đi nhanh, lần theo bảng hướng dẫn tới đúng cửa ra quảng trường, nơi mà hầu như ai đến Moscow, đều muốn tới!

GUM trung tâm thương mại cổ nhì trên thế giới – 130 tuổi!

Vừa bước qua cổng, cả một khu rộng lớn như hội chợ Giáng Sinh, rực sáng các ánh đèn màu lấp lánh, vòng đu quay, các gian hàng…ập vào mắt tôi. Chút ngỡ ngàng vì nhớ Giáng Sinh hay Năm Mới qua lâu rồi, hoá ra GUM, khu thương mại lớn, sang trọng bậc nhất thủ đô và của cả nước, kỷ niệm 130 năm tồn tại, một trong những “shopping mall” cổ nhất của thế giới! Vậy mà tôi vẫn chưa có dịp đặt chân vào!

Thánh đường Vasily bên cạnh Điện Kremlin và Lăng Lenin bên góc phải

Khu hội chợ lung linh ánh đèn trong khi thánh đường Vasily lại chìm trong bóng đêm, dãy tường thành điện Kremlin cũng khá mờ nhạt, dù vậy hai công trình kiến trúc này và ngay cả toà nhà màu đỏ, viện bảo tàng lịch sử quốc gia, vẫn nổi bật nhờ nét kiến trúc độc đáo, khu lăng mộ Lênin có phần khiêm nhường, lặng lẽ khép bên vách điện Kremlin, tôi suýt nữa không để ý khi đi ngang qua, do tiệp màu lại thêm trong cái ánh sáng mờ mờ ảo ảo mùa Đông.

Không được đánh đèn nổi bật trong đêm…
nhưng khi trời sáng như một điểm nhấn sinh động trên khu quảng trường 600 năm tuổi

Tôi loanh quanh trên quảng trường, lúc chụp góc này, lúc góc kia, tôi cứ tiếc sao lại không có đèn, trong khi chung quanh lại sáng rực nhất là đoạn đường qua cầu trên sông Moskva. Đột nhiên tiếng chuông điện Kremlin vang lên, điểm đúng 7g sáng, trời vẫn tối, rất lạnh, tay tôi cóng lại, chụp vội tấm hình, tôi lại bỏ máy vào túi xách, đút tay vào túi áo.

Giờ tôi lại tiếc không ghi lại được tiếng chuông điện Kremlin vang lên sáng sớm hôm đó trên Quảng trường Đỏ. Suốt bao nhiêu năm tháng ở đại học, sáng nào đám chúng tôi đều nghe nó như tiếng chuông báo thức, một âm thanh quen thuộc đến mức khó quên.

Còn quá sớm, chưa 8g, tôi cảm thấy chụp đã đủ và cũng đủ lạnh để tôi đi đâu đó, các tiệm cà phê vẫn chưa mở cửa, trong đầu có thoáng qua ý nghĩ sao không đến Nhà hát lớn Bolshoi, vì không xa gì mấy, chỉ cách một bến metro, tôi có phần chần chừ, cái lạnh ở đây như níu chân tôi lại, tôi nhanh chóng quên đi ý nghĩ đó, thế là quay về khách sạn, vì trưa tôi còn phải đến Gallery Tretyakovskaya.

Đi bảo tàng như bắt đầu một câu chuyện khác trong hành trình quay lại nước Nga. Nga có rất nhiều viện bảo tàng, lớn có nhỏ có, nguyên cung điện với trăm phòng hay vỏn vẹn vài ba phòng trong căn hộ cũ xưa, từ những tuyệt tác nghệ thuật đến những thứ làm rợn gáy người xem. Tôi gần như lớn lên với những bức tranh của các danh hoạ Nga, bắt đầu từ những câu chuyện kể của bà giáo năm xưa.

Bến metro đến Gallery Tretyakovskaya, bến khá sâu do địa hình

Thời sinh viên, tôi hay đi bảo tàng, nhiều khi đi chỉ vì không biết đi đâu, đi trốn cái lạnh mùa Đông, vì không muốn về phòng, tôi cũng hay đi xem phim, lựa phim 2 tập càng tốt, vì sẽ đánh một giấc dài trong phòng chiếu vắng hoe. Tôi không biết về mấy trường phái hội hoạ hay hoạ sĩ thay đổi phong cách ra sao theo từng giai đoạn, nhưng tôi “mê” những câu chuyện nằm trong bức tranh, tôi tò mò muốn biết những ẩn ý đằng sau nét vẽ, hay sâu trong tâm trí người hoạ sĩ.

Lần đầu được bà giáo giải thích ý nghĩa từng chi tiết trên một bức tranh, tôi ngẩn người ra, thì ra khi vẽ, hoạ sĩ phác hoạ lên cả một không gian sống, trong đó thời gian có thể sẽ kéo dài, hoàn cảnh sống, tâm lý và số phận người trong tranh, đôi lúc hoạ sĩ kể cho người xem câu chuyện của chính mình.

Gallery Tretyakovskaya – mang tên người sáng lập và nhà sưu tầm tranh Pavel Tretyakov

Đối với tôi, cậu sinh viên năm nhất, đang chập chững làm quen với thế giới, khác gì được “nghe và thấy” những câu chuyện mê hoặc. Tôi vẫn không quên cảm giác lạ lùng đến khó tả khi đứng sát bức tranh, chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc vô hồn, nhưng từ từ bước ra xa, như phép màu, cả một thế giới hiện lên trước mắt tôi, từ những cảnh thiên nhiên hùng vĩ đến những con người và cuộc đời của họ.

Vừa mới bước vào viện bảo tàng tranh nổi tiếng bậc nhất, thấy lại hình ảnh quen thuộc từ việc gửi áo lấy số, đến những nhân viên, toàn là nữ đứng tuổi, ngồi yên trong một góc phòng, lặng lẽ quan sát, khi cần vô cùng nhanh nhẹn đến gần khách nhắc không được chạm tay vào hiện vật hay trả lời ngắn gọn những câu hỏi của bất kỳ ai.

Vị Sa hoàng cuối cùng của đế quốc Nga – Nicholas II, của danh hoạ Valentine Serov

Valentin Serov, một trong những nghệ sĩ tài hoa bậc nhất của nền mỹ thuật Nga cuối thế kỷ 19, triển lãm tranh của ông gần đây từng thu hút hàng ngàn người đứng xếp hàng chờ ngoài trời, giữa Đông, hàng dài đến nổi viện bảo tàng phải cung cấp thức ăn nóng cho khách…

Bức tranh Hoàng đế cuối cùng Nicholas II (**) được danh hoạ chăm chút vào đôi mắt. Đôi mắt như nhìn thẳng vào người đối diện, nữa cười, nữa như muốn nói… Nhân viên bảo tàng kể khi trời tối trong ánh đèn mờ, mắt ông vẫn sáng, ai đi ngang qua, đều có cảm giác ông nhìn theo, làm lạnh cả gáy. Ông cùng vợ và 5 người con bị xử tử vào năm 1918, gần 80 năm sau, ông và gia đình mới được nhà thờ chính thống Nga phong Thánh tử vì đạo.

Chân dung Mara Lopukhina hay Mona Lisa nước Nga, Vladimir Borovikovsky (1797)

Tôi còn tìm thấy nhiều bức tranh của vài danh hoạ quen thuộc, chân dung Maria Lopukhina của danh hoạ Vladimir Borovikovsky, sáng tác vào những năm cuối của thế kỷ 18, được so sánh như Mona Lisa nước Nga, qua ánh mắt, bàn tay…Thời kỳ này vẽ chân dung với phong cảnh và một số đồ vật khá phổ biến. Từ phong cảnh đến đồ vật, trang phục… đều được tác giả gửi gắm những ẩn ý đằng sau.

Thân cây bạch dương, những bông lúa mỳ bên góc trái – hình ảnh quen thuộc của nước Nga, bông hoa héo tàn bên góc phải tiệp màu với khăn choàng nhưng lại tương phản với đôi má ửng hồng. Maria Lopukhina vốn dòng dõi quý tộc, chị cả trong gia đình có 5 cô con gái, kết hôn sớm nhưng số phận lại nghiệt ngã khi qua đời ở tuổi đôi mươi.

“Sa Hoàng Alexander III đón các quan chức địa phương trong sân điện Petrovsky” của Ilya Repin (1886)

Tôi thích hình ảnh cha mẹ, đôi khi ông bà đưa con hay cháu đến viện bảo tàng từ nhỏ, nhìn cách bà mẹ ân cần giải thích, đó thường là những bài học về lịch sử, về nhân vật trong tranh…hoặc cũng có thể những giải thích đến từng chi tiết nhỏ nhất, chỉ “thánh soi” mới thấy được, nhưng làm bức tranh sống động và vô cùng thú vị với khách xem tranh tí hon!

Bức tranh nổi tiếng “Cô gái và những trái đào” của Valentin Serov (1887)

Tôi đứng nhìn một cậu bé đứng khá lâu trước một bức tranh, dáng vẻ “trầm ngâm”, đó như cả một thế giới mới đối với cậu, hay cậu bé chỉ tò mò về những “man’s best friend” đang làm gì trong tranh!? Tôi gặp khá nhiều trẻ em đi xem tranh, vẫn có những bé thích ngồi chơi game, nhưng đa số đứng xem tranh hay tò mò đọc những lời dẫn được ghi đâu đó.

Tôi có thể chưa đi hết các phòng tranh, lướt qua nhanh những phòng tôi ít quan tâm, vậy mà cũng hơn 3 tiếng đồng hồ. Tôi vui vì tìm lại được cảm giác xưa, những ngày ít giờ học hay cuối tuần, nhất là vào mùa Đông, tôi hay vào bảo tàng, để rồi khi chiều tối lại lội tuyết về trong cái rét căm.

“Những kẻ chiến thắng” của Vasily Vereshchagin (1872)

Tôi thích cách người Nga trân trọng và bảo tồn các giá trị nghệ thuật văn hoá của họ, dù qua bao nhiêu sóng gió. Không biết thực hư thế nào, nhưng một trong nhiều lý do đưa đến cuộc chiến hiện tại, khi các tượng đài của các đại văn hào, thi hào, biểu tượng cho nền văn hoá Nga, đều bị kéo đổ ở Ukraine 😦 😦 😦

(*) Xem bài trước có nhắc đến Leonid, người bạn Belorus

(**) Nicholas II là em họ của Vua George V, ông nội của nữ hoàng Anh, rất giống nhau như hai anh em sinh đôi. Về vai vế, Nữ hoàng Elizabeth II kêu vị hoàng đế cuối cùng của nước Nga là “Ông chú”, mấy tin đồn về người con gái thoát chết đều thất thiệt, không một kiểm chứng ADN nào được xác nhận!

Leave a comment