Quay lại Siem reap thăm đền Angkor (Phần 1)

Chuyện đi Siem reap không có trong kế hoạch “đi chơi” của tôi, đặc biệt là vào những ngày cận Tết, tuy vậy nhưng trong tâm, đền Angkor luôn là một trong những di tích mà tôi thật sự ngưỡng mộ, một trong những kỳ quan độc nhất vô nhị của thế giới, mà tôi muốn quay lại…

Đi thăm đền từ sáng sớm để đón bình minh

Thời còn đi làm, tôi đi Campuchia khá thường, chỉ là những chuyến bay qua buổi sáng, về buổi trưa…lúc đó nghe nhiều về Angkor nhưng chưa bao giờ sắp xếp được thời gian đến thăm, giờ tôi có phần tiếc, nếu được lúc đó, chắc sẽ có nhiều cái để thấy, thú vị hơn, chí ít là cảm nhận được sự kiêu ngạo của con người trước sự tàn bạo của thời gian và thiên nhiên ở mức độ hoang sơ nhất, số phận kỳ bí của một vương triều đã mất cùng bao nhiêu câu chuyện hấp dẫn khác!

Bình minh
Rất nhiều khách kiên trì và chọn đúng chỗ để có hình đẹp

Lần đầu tôi đi Angkor cũng hơn chục năm, cùng với những người bạn, đi xe buýt từ Sài Gòn qua Phnom-Penh, nghĩ một đêm, rồi sáng sau đi Siem reap. Mất cả ngày hơn. Siem reap lúc đó rất vắng, thật tình tôi cũng không nhớ gì nhiều về thành phố này.

Sau bao nhiêu năm đất nước bạn thay đổi nhiều, rất nhiều, cuộc sống phồn vinh hơn, tiện nghi hơn, sân bay Siem reap vừa khai trương hơn 4 tháng, rất đẹp, đậm chất truyền thống với những mái vòm cong cong, những hoa văn, tượng Phật.

Ngày xưa tôi nhớ máy bay hạ cánh, khách xuống thang và thế cứ đi bộ vào nhà ga, chỉ chừng trăm mét hơn, sân bay đó ở Phnom Penh, còn đơn sơ nhưng bên trong nhà ga nét thiết kế thể hiện rỏ văn hoá Khmer. Sân bay ở Siem reap, mới khai trương được coi là sân bay lớn nhất, hiện đại nhất nước, do Trung Quốc tài trợ 100% kinh phí và xây dựng, nhìn rất hoành tráng, tuy vắng, nhưng nhân viên làm việc lại khá chậm, đôi lúc lúng túng trong việc xử lý.

Di tích những hồ nước trong đền Angkor

Quay lại Angkor kỳ này, tôi đi cùng đứa em, mê chụp ảnh “tự sướng”. May sao, đi cùng chúng tôi có cậu tài xế địa phương, Vanthay, nói tiếng Anh tốt và rất nhiệt tình trong việc chụp hình! Cả ba chúng tôi đến Angkor khoảng gần 6g sáng, trời nhá nhem tối, nhưng khách rất đông, nghe đâu đền mở cửa từ 5g sáng. Được một lát, chúng tôi lạc nhau, đứa em và cậu tài xế biến mất giữa rừng người! Điện thoại tôi lại không có internet và cũng không gọi được! Thôi mạnh ai nấy đi, chút tính sau!

Có ai chóng mặt không?

Đi quanh đền một hồi, tôi đến phần đền có thang leo lên, thời trước khi được lắp đặt thang, chuyện leo lên là cả một thử thách không dể vượt qua khi những bậc thang cao và rất hẹp. Tôi chỉ đứng nhìn, nhưng lần này có thang, tôi dể dàng leo lên, nói vậy chứ cũng không dể lắm, vì độ dốc gần như thẳng đứng may có tay vịn nên cũng đỡ “lạnh” chân!

Bayon – nổi tiếng với 216 khuôn mặt khổng lồ khắc trên đá

Sau gần 2 tiếng loanh quanh, tôi phải nhờ một hướng dẫn viên “share” internet để truy tìm dấu vết đứa em, vì sau Angkor wat, chúng tôi còn đi đền Bayon, Ta Prohm, Victory Gate…May sao vừa có internet, tôi nhận được ngay tin nhắn trên Messenger “where are you?” “Let’s meet at the main entrance at 9:00”. Tôi không biết từ chỗ tôi đang đứng ra cổng mất bao lâu vì đồng hồ trên tay tôi lúc đó đã 8:55 😀 😀

Một trong 216 khuôn mặt ở đền Bayon

Cuối cùng tôi cũng tìm ra đứa em thất lạc và Vanthay, cậu tài xế, may là chỗ ngồi chờ có public internet, chứ không cũng khó liên lạc với nhau! Giờ mới thấy chỉ vài tiếng không mạng, thế giới như quay ngược về thời xưa, kêu nhau í ới trong sự hoảng hốt!

Chúng tôi vội tìm chỗ ăn sáng, không còn xe hàng quán cốc lom com bao quanh khu di tích mà nguyên một cụm nhà hàng, dịch vụ công cộng vô cùng khang trang, sạch sẽ. Quá đói vì sáng chưa có tí gì trong bụng, chúng tôi kêu ngay một con gà nướng và hủ tiếu. Hủ tiếu bên đây khá lạ, như sự pha trộn giữa phở, cháo lòng và…hủ tiếu!

được cho là của một người với những biểu cảm khác nhau

Sáng sớm trời ở Siem reap còn mát, nhưng qua 10 giờ nắng lên, mọi thứ trở nên oi bức hơn, đi đến đền Bayon, khách đông, cậu tài xế như thổ địa, dẫn chúng tôi đi vòng, len qua những ngóc ngách trong đền, ngồi nghĩ chút trên những phiến đá lăn lóc trong những hành lang tăm tối nhưng mát lạnh, cậu chỉ cho thấy một giếng khá sâu, nghe đâu đó chính là lối thoát khẩn cấp cho vua phòng khi bị tấn công…

Vanthay đang giải thích hình ảnh được khắc trên vách
Những gốc cây với bộ rể khổng lồ bám lấy đền
nhiều bộ rể trông không khác những con khủng long
đa số cây ở Bayon là cây sung và gòn
với những bộ rể khổng lồ hình thành sau gần cả ngàn năm
ôm lấy ngôi đền, như vừa muốn nuốt chững
như vừa muốn giữ lấy cho riêng mình – kỳ quan của nhân loại

Cậu tài xế cũng nói nhiều về những khuôn mặt khác nhau trên những toà tháp, riêng trên toà tháp cao nhất, 23m, khuôn mặt được cho là của vị Vua trị vì lúc đó, Javavarman VII, người ra lệnh xây dựng đền từ những năm cuối của thế kỷ 12, cũng có nghiên cứu lại cho tất cả các khuôn mặt đều của những Boddhisattva.

Boddhisattva – những vị sư như Bồ Tát đã giác ngộ nhưng trì hoãn nhập Niết Bàn, ở lại trần gian giúp người đời hướng đến sự cứu rỗi. Hoặc những câu chuyện về cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của những chiến binh… được khắc hoạ qua những hoa văn trên tường.

Ở Bayon quá đông khách, mọi người chờ nhau trong cái nóng oi giữa trưa, để được chụp hình dưới những gốc cây sau ngần ấy thời gian, hình thành những bộ rể khổng lồ, như những con quái thú muốn nuốt chững ngôi đền. Đứa em, mất kiên nhẫn, tỏ ý muốn quay lại đền sáng sớm hôm sau, muốn có những bức hình “tự nhiên” hơn, thay vì phải vội vàng đứng trước mắt bao nhiêu người lạ cũng đang nóng lòng chờ đợi.

Bánh bò thốt nốt trên đường từ thác về

Tôi không quay lại Bayon ngày hôm sau vì thích ra chợ xem có gì hay, phần muốn mua cá khô biển Hồ cực kỳ nổi tiếng, sau đó mọi người sẽ lại gặp nhau đi thăm thác trên núi, và ngâm mình trong dòng nước trong vắt nhưng lạnh như nước đá!

Leave a comment