Tôi và nước Nga (Phần 3)

Để qua một bên những vướng mắc do cấm vận trong ngày đầu, sau đó mọi thứ đều thông suốt, tuy có vài thay đổi nhỏ. Sau 3 đêm ở Grand Hotel Europe ông bạn tôi đề nghị chuyển sang homestay. Phòng rộng hơn, giá chỉ bằng 1/3, nhưng tôi cần phải nói chuyện với Wynwood, khách sạn tôi book cho 3 đêm kế tiếp, gần sát Metro Đại lộ Nievsky. Đến đó tôi mới phát hiện mình chỉ thích Wynwood qua hình 😀 (1) Sau khi nói chuyện, khách sạn đồng ý huỷ, vào lúc đó lại có vụ cháy nhỏ ngay tại đó!

Wynwood nằm trong sân sau của toà nhà, lúc tôi đến đó huỷ việc đặt phòng có sự cố cháy trong bếp

Chuyện “tiền tiêu vặt” thì lòng vòng một chút – vòng nữa trái đất thôi! Tiền tôi đem theo đổi ra rúp cho vào thẻ debit “Mir” ở Nga, nếu cần thêm tôi dùng app VCB chuyển tiền cho người nhận ở Việt Nam, sau đó họ chuyển vào tài khoản ông bạn tôi ở Nga bằng tiền rúp! Mọi thứ diễn ra trong vòng vài phút! Nga như Trung Quốc, khuyến khích thanh toán bằng thẻ, ngay cả mua vài chiếc bánh rán dọc đường! Thẻ ngân hàng bên Nga còn sử dụng được như thẻ đi metro!

Căn homestay nằm bên trong ngôi nhà cổ trên con đường quen thuộc
Phòng rộng, để vào phòng phải đi qua 3 cửa – cửa toà nhà, cửa căn hộ và cửa phòng!
Góc bếp và bàn ăn

Nhờ ở homestay tôi biết thêm một khía cạnh khác của cuộc sống bên đây, cách người ta lắp đặt thang máy trong các ngôi nhà cổ, nhìn nó gượng ép, không đẹp, nhưng hữu ích cho người lớn tuổi! Và ngay cả cách người Nga biến căn hộ rộng lớn ngày xưa thành “homestay” tiện nghi và luôn cả cách họ né thuế!

Căn homestay nằm ngay trên con đường, tôi đi đến trường mỗi sáng. Tiệm bánh rán quen thuộc ngay góc, lớp tôi ai cũng từng ghé vào. Một phần bánh ngon, vừa chiên ra nóng hổi, làm ấm bụng khi trời lập Đông, phần quan trọng hơn – chỉ có 10 xu một bánh, bữa ăn sáng rẻ nhất của đời sinh viên, có điều…bước ra là áo ám mùi dầu chiên!

Bữa sáng ở Nga không thể thiếu bánh mỳ đen

Tiệm vẫn còn đó nhưng bên trong thay đổi nhiều, thành tiệm bánh mỳ kèm thức uống, không chuyên bánh rán như xưa. Mấy ngày sau tôi có dịp mua lại bánh rán (2) dọc đường về lại nơi ở cũ và trong siêu thị, hương vị xưa chỉ còn thoang thoảng! Bánh nhìn to nhưng ít nhân, khá rỗng ruột!

Chiếc bánh rán mua trên đường về chỗ ở cũ, dù nóng nhưng hương vị khác xưa

Quay trở lại với nước Nga. Nước Nga ngày hôm nay dĩ nhiên khác cái thời tôi còn “tung tăng vác sách đến trường!”. Khác trong cuộc sống, trong cảnh vật, trong con người và cả ngôn ngữ! Khác rất nhiều! Ông bạn như muốn giúp tôi nhớ lại thời sinh viên nên cho tôi ăn kolbasa, giống xúc xích nhưng to hơn nhiều, và cả hộp cá sốt cà, một thời ngự trị trong các cửa hàng đồ hộp (ngự trị vì trong cả cửa hàng chỉ có duy nhất một hay hai loại!). Cửa hàng đồ hộp (консервы) giờ được thay thế bằng các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi.

Bánh rán trong siêu thị ngày nay…nguội lạnh và không ngon!

Tôi ăn “kolbasa” cảm thấy còn chút mùi vị xưa, nhưng mềm và dai “hơi lạ”, bao bì nhìn rất bắt mắt, còn cá hộp sốt cà ngọt quá 😀 Chắc thịt và cá vẫn vậy, có tôi đã thay đổi! Thời sinh viên không có nhiều chọn lựa, điều kiện hạn chế, gì cũng thấy ngon, bây giờ thì…hư rồi!

Kotleti – thịt bằm vo viên nay có thêm khoai tây, vẫn không ngon!

Tôi thử luôn “kotleti” loại thịt bằm vo viên, sinh viên hay mua vì rẻ, thật ra nhiều người lúc đó đã chê! Thời gian đó tôi không biết nấu nướng gì nhiều, chỉ biết làm gì đó với nó để ăn cơm, no là được! Hôm vừa đến, ông bạn dắt ra ngoài, đi một vòng, dưới trời âm 5 -10oC, quá lạnh, tôi thấy đói, ông cho vào ngay “stalovaia” No1, thấy kotleti, tôi hiếu kỳ lấy 2 cái, nhưng hình như vào không đúng chỗ, ăn không đúng bữa …nên nó vẫn “dở” ngay cả trong nhà ăn No1! (3)

Ăn xong đến mặc! Người Nga ăn bận đẹp hơn, sang hơn. Giờ thời đại của thông tin, cả thế giới trên một mặt phẳng, dù nước Nga vẫn đóng băng với phần còn lại, mọi xu hướng thời trang vẫn dể dàng bắt kịp nhau, St Petersburg lại là thành phố “sang chảnh” nhất của Nga, nên không lạ! Trước 1991, thời trang Nga ưa chuộng đến chủ yếu từ Đông Đức và Tiệp Khắc. Milan hay Paris, hiếm hoi, chắc chỉ dành cho giới “siêu giàu”!

Những chiếc áo khoác lông đen xù xì như lông con gấu hay thấy vào mùa Đông giờ đã biến mất! Nhớ có lần đi metro vào giờ cao điểm, chen chúc nhau trong toa tàu, tôi bị áp sát mặt vào bộ lông đó, cái áo qua bao nhiêu năm chưa giặt, thêm mùi “đặc trưng” của chủ nhân nó, tôi như “chết ngạt”!

Tôi đi ngang cửa hàng DLT ( ai còn nhớ nguyên tên – ДЛТ ? Дом Ленинградской Торговли, trung tâm thương mại lâu đời nhất của St Petersburg, mở cửa từ những năm 1909, hơn 115 năm tồn tại!), hình dáng thời bao cấp đã biến mất, thay vào đó một mall sang trọng, những window display bắt mắt. DLT làm tôi nhớ lại thời mới qua, nơi sinh viên nước ngoài được “tài trợ” mua quần áo ấm tại đây. Một lần duy nhất trong suốt mấy năm học.

Nhà sách quen thuộc, giờ vừa là tiệm sách, tiệm cà phê và khách sạn

Người dẫn chúng tôi đi mua năm đó, như quá quen, đưa chúng tôi lướt nhanh khu người lớn, vào ngay khu “dành cho trẻ em” (do vóc dáng nhỏ bé của người Châu Á).Tôi nhớ chiếc áo khoác màu nâu nhạt có hai sọc ngang trắng xanh trên ngực dành cho mùa Thu và chiếc “bành tô” mùa Đông, carô nâu sậm có mũ!

Luôn cả đôi giày Đông ấm áp, trời lạnh lắm tôi mới chịu đi nó, vậy mà nó cũng hư trước hạn! Ngày tôi trả phòng, trước khi ra cửa, nhìn chiếc áo lặng lẽ trên móc treo trong góc, tôi lấy tay vuốt nhẹ lên nó, chúng ta không còn sưởi ấm cho nhau nữa rồi!

Có bạn từ thành phố khác tới chơi, tôi đều đưa ra đây chụp hình – quảng trường Cung điện

Tiếng Nga. Ai chưa biết tiếng Nga, nhìn vào chữ viết chắc sẽ lắc đầu. Ngay cả tôi, ngày đầu tôi cũng thấy nó lạ! Tiếng Nga rất đẹp! Có lẽ tôi may mắn được học đúng nơi, đúng thầy nên biết nó đẹp như thế nào. Tôi nhớ mãi hình ảnh bà giáo dạy văn chương Nga, dáng cao, phải 1m7 hơn, mắt bà sáng, trong veo, đôi lúc như mở to nhìn chúng tôi với vẻ ngạc nhiên, thích thú, qua cặp kính cận, chúng tôi như những đứa trẻ trong mắt bà. Giọng bà hơi khào khào nhưng nhẹ, điệu đàng do đôi bàn tay hay khẽ múa khi bà nói, đôi lúc phảng phất mùi thuốc lá thơm.

Có những chiều tôi đi dọc con đường này đến rạp phim, giờ không thấy rạp nào

Tôi mê mẫn khi bà giảng về lối hành văn của nhà văn nổi tiếng người Nga Anton Tchekhov, cái đẹp trong cách viết, trong cách tả cảnh, trong từng từ ông chọn…mọi thứ hoà quyện với nhau tạo nên một bức tranh vô cùng sinh động đầy màu sắc và âm thanh trong các tác phẩm của ông. Nhờ bà, tôi mới thấm được cái hay trong văn chương Nga, yêu nó trong một thời gian dài.

Ký túc xá – thành phố sinh viên, chỉ biết nhìn từ xa

Nhưng người đưa tôi đến gần với cuộc sống Nga, con người Nga lại là một bà giáo khác, bà gần gũi với chúng tôi hơn, đưa chúng tôi đi xem phim, xem kịch, làm quen với mọi thứ trong cuộc sống mới, cùng đi ăn trưa ở nhà ăn của trường hay đến thăm chúng tôi ở ký túc xá. Dẫn chúng tôi vào mấy viện bảo tàng, giải thích ý nghĩa mấy bức tranh, kể những câu chuyện bên lề cuộc sống…

Tất cả những thứ đó ảnh hưởng lên tôi trong những năm đầu tôi đi dạy. Bà cũng khơi trong tôi ý thích viết văn, cả trí tưởng tượng, tiếc là sự nghiệp làm thầy của tôi không dài! Thỉnh thoảng về sau, tôi vẫn xem lại những bộ phim hay của điện ảnh Xô Viết như “Matscơva không tin vào những giọt nước mắt”, “Bản tình ca nghiệt ngã”

Cảnh cuối Đông trước viện bảo tàng Nga

Riêng cách nhìn tiếng Nga như một ngôn ngữ sống, phát triển và thay đổi theo thời gian, tôi học từ một bà giáo khác, đây là người muốn tôi ở lại để học cao hơn, nhưng duyên tôi với nước Nga, tiếng Nga chỉ đến thế, không kéo dài hơn! Quay lại Nga kỳ này, đi dọc trên những con đường, thấy những từ như “кэшбэк”, “скидка”…hay gần gũi nhất “с собой”. Đó là cash-back, discount và take-way! Khi thấy кофе с собой là tôi biết ngay, nhưng “скидка” thì chịu! Ít ai biết từ bistro quen thuộc bên Tây lại có gốc từ tiếng Nga, và cả câu chuyện dài sau nó!

Hành lang bên ngoài khu trung tâm thương mại nổi tiếng Gostiny Dvor

Có lúc tôi nghĩ về những ông giáo bà giáo của tôi, tự hỏi họ giờ ra sao? làm gì? ở đâu? Đoán không ít người đã đi xa, nhưng hình ảnh những thầy cô đó in sâu trong tâm trí, tôi nhớ từng người, hình dung ra từng cử chỉ ánh mắt của họ, cứ như mới gặp họ hôm qua.

Giọng nói trầm ấm của thầy dạy môn lịch sử Đảng, ông có nét hao hao Lênin! Dáng vẽ phong trần, bất cần đời của thầy dạy Triết “bô trai”, tôi nhớ ông giảng và cho ví dụ về “Thuyết tương đối”, cô sinh viên Mông Cổ cùng lớp cứng đầu không chịu hiểu! Rồi ông thầy dạy Tâm lý, tình cảm nhất, gợi nhớ đến một diễn viên trong bộ phim Nga nổi tiếng “Tình yêu nơi công sở”.

Điện Kremlin, sau 1 tuần ở St Peters, tôi đi Moscow

Tôi đôi lúc nghĩ đường đời ai nấy đi, cho dù giao nhau một chỗ, chưa chắc sẽ gặp lại nhau. Tôi may mắn gặp họ vào thời khắc quan trọng nhất của đời mình, họ giúp tôi đứng lên và bước đi. Mỗi người thầy, mỗi nhân cách! Nước Nga sống qua nhiều thăng trầm, con người Nga sống trong sự cô lập kéo dài hàng thập kỷ. Nhưng họ luôn tự hào về đất nước vĩ đại, về lịch sử, văn hoá và truyền thống của mình.

Tôi không dùng tiếng Nga trong phần lớn sự nghiệp, nhưng chính nó làm nền tảng giúp tôi thấy được, thấu hiểu được cái đẹp, sự tự hào, tính dân tộc…Mấy hôm nay tôi nghe lại Quốc ca Nga, đọc từng từ, tôi có phần xúc động, khó lòng cho đất nước này cúi đầu khuất phục trước bất kỳ thế lực nào!

Một bến metro tại Moscow

Sau đúng một tuần ở St Petersburg, tôi đi tàu lên Moscow và ở lại đó 2 đêm. Tôi chưa bao giờ thích thủ đô này, một phần vì nó quá lớn, mạng lưới metro dày đặc và rắc rồi, và nó lại lạnh hơn St Peters! Tuy không thích Moscow và rất ít đến đây, nhưng tôi cũng có những kỷ niệm đẹp thời sinh viên khi được đi thi Olympic tiếng Nga 😀 Ngoài ra Moscow có những bến Metro lộng lẩy như lâu đài! Hẹn mọi người lần sau ở thủ đô nước Nga!

————————————————–

(1) Khách sạn Wynwood nằm trong sân sau của toà nhà nhìn ra Canal Griboedova, gần bến Metro Đại lộ Nievsky, theo phong cách hiện đại, nhưng phòng khá hẹp. Sau khi tôi nói chuyện về thanh toán bằng thẻ nước ngoài không được, khách sạn đồng ý huỷ , không phạt dù sát ngày. Ngay lúc đó, có báo động cháy, khói mịt mù, vài phút sau xe cứu hoả tới và dập tắt lữa trong khu vực bếp khách sạn.

(2) Bánh rán hay piroski tựa bánh bao chiên ở Việt Nam, nhưng nhân khác, thường là nhân thịt, bắp cải và trứng. Một thời rất phổ biến vì hợp túi tiền, giờ ít thấy hơn trong thành phố.

(3) Nhà ăn No 1 hay Stalovaia No 1 thương hiệu chuỗi tiệm ăn bình dân, dạng buffet đơn giản kèm cà phê và bánh ngọt.

Leave a comment