Đi Sở Thú…

Ai ở Sài Gòn lâu năm chắc không lạ gì với Thảo Cầm Viên. Mới năm ngoái đây báo chí liên tục đưa tin kêu gọi cứu giúp bầy thú nuôi khi suốt mấy tháng liền Thảo cầm viên không được mở cửa đón khách, tiền không có và thú đói! Buồn thật khi những bầy thú hoang vốn sinh trưởng nơi rừng xanh hoang dã giờ bị giam cầm tù túng sau những song sắt, thành cao…lại còn không có gì ăn!

Tôi không thích giam cầm thú hoang, mô hình “safari” rộng rãi có lẽ phù hợp hơn nếu việc nuôi dưỡng bảo tồn là cần thiết! Qua 2021, tình cảnh đó lặp lại một lần nữa với mấy tháng giãn cách. Tôi tự hỏi khi vắng khách, thú có vui hơn khi sống trong sự yên tịnh quen thuộc ở rừng xanh hay buồn vì phần ăn ít nhiều bị ảnh hưởng và nhớ tiếng cười của lũ trẻ con!

Viện bảo tàng ngay cổng từng bị đồn có ma

Lâu lắm rồi tôi không đến Sở Thú, cách gọi thân thuộc của Thảo Cầm Viên ngày xưa, lần cuối chắc cũng hơn chục năm, khi đó một người bạn đạo diễn có ý định tìm nơi tổ chức buổi ra mắt sản phẩm cho công ty. Tôi cùng với anh đi quanh một vòng nhưng thú thật tôi thờ ơ, khi không còn nhận ra một Sở thú tôi từng biết, có phần nham nhở với những hoạt động giải trí buôn bán trong khuôn viên! Và cuộc viếng thăm ngắn ngủi chấm dứt ở đó mãi cho đến sáng nay, tôi quay lại đây cùng với người bạn, tò mò xem thử Sở Thú giờ ra sao!

Xưa nhiều người hay chụp với đôi rồng trước Đền hay với tượng voi của Vua Thái tặng
Khu chuồng đẹp nhất và chắc cũng xưa nhất của Sở Thú

Ít ai để ý Sở Thú đã thọ gần 160 tuổi, một trong những sở thú lâu đời nhất thế giới, để hình dung Sở Thú thời tôi còn bé như thế nào, tôi phải lục lội trong đống ký ức của mình những hình ảnh, những thước phim ít ỏi nhạt nhoà của một đứa bé chưa lên 10! Hình ảnh tôi nhớ mãi có lẽ là chuồng khỉ to nhất ở đó, vòm thật cao, như cả một bầu trời gói trọn trong khung sắt, vậy mà bao giờ cũng có vài con khỉ vắt vẻo trên nóc chuồng…ở ngoài song! Loài khỉ, như người, thích ung dung tự toại, muốn tận hưởng chút tự do dù ở đâu! Hôm qua, tôi gặp chúng hờ hững ngồi ngay trên hàng rào trước mặt!

Rất hững hờ không chút háo hức
Bình thản như vẩn ở trong chuồng

Rồi gần đó có dãy chuồng khá lớn nuôi các loài chim quý, có vài chuồng độc lập như những kioks bán báo nhỏ nhỏ ở góc…tôi vẫn hình dung được không gian thoáng đãng lúc đó. Nhớ khu đồi nhỏ có đồng hồ với các loại hoa nở theo giờ , nhớ khu vườn với những cổng hoa hình vuông liên tiếp với nhau…

Những hình ảnh ngày xưa đan xen nhau không rỏ ràng, dù cảm được không gian thời đó, nhưng hình ảnh lại khá mờ nhạt trong tâm trí tôi, chỉ đọng lại những kỷ niệm khó quên – như buổi cắm trại hướng đạo, rồi màn múa “Sur le pond d’Avignon” của bọn trẻ sói con chúng tôi! Nhớ hình ảnh người bán đội mâm mía ghim bung ra như một chiếc dù, nhớ những chùm bong bóng vẽ sơn đủ màu.

Chiếc đồng hồ Hoa năm xưa
Một chuồng kiosk ngày xưa còn lại nhưng đã thành trụ thông tin

Tôi đi cùng người bạn lâu rồi cũng chưa vào Sở Thú, mỗi người trong chúng tôi có những hoài niệm riêng, những suy nghĩ khác nhau. Tôi khá thích thú khi Sở Thú, sau hơn một thế kỷ tồn tại giờ đã có dáng vóc của một khu rừng nhiệt đới, những hàng cây cổ thụ lâu đời, những lối đi phủ một màu xanh, khu chuồng khỉ ngày xưa vẫn còn đó nhưng đã hoen gỉ, cằn cỗi theo thời gian. Nhìn nó tôi bao nhiêu cảm xúc ùa về và tôi tự hỏi bao nhiêu lứa thú đã sống, sinh ra và chết ở đây, chúng mãi mãi không bao giờ trở lại với rừng xanh!

Tuổi thơ như ập về…nhìn chuồng buồn làm sao
Người buồn thú sao vui
Góc nào cũng thấy khu chuồng này

Tôi bổng thương những chú khỉ, vượn sống trong khu chuồng đó, chúng như đang ở trong một lâu đài hoang phế, tàn tạ theo năm tháng, nhìn chúng treo mình trên song sắt nhìn ra ngoài, chú nào thoát ra ngoài được thì thoát, còn lại thì treo mình trên song, trông chúng dạn dĩ đến bất cần, hững hờ đến lạnh nhạt, chúng ngồi đó như bất cần đời!

Đường vào nơi ở của Chúa Sơn Lâm…
Hồ sen năm nào…

Sở thú như xanh hơn nhiều, qua một mùa mưa, có những lúc tôi có cảm giác mình lạc vào khu rừng nhỏ, lá xanh chen cả lối đi, không khí trong lành dù lọt thỏm giữa những toà cao ốc. Tôi tiếc hồ sen đã quá mùa ra hoa, lá héo nhiều mà không được chăm sóc để đẹp hơn, tôi bổng sực nhớ ngày xưa như đã thấy những chiếc lá sen to như nón quai thao che phủ một góc hồ thì phải! Rồi từ lá sen to làm tôi sực nhớ lúc bé có lần tôi hồn nhiên bước lên một thảm cỏ xanh ven hồ, ai ngờ đó là đám bèo li ti, dày đặc mà tôi cứ ngỡ là cỏ, may chỉ bị hụt chân nhẹ không té xuống hồ!

Như trong khu rừng nhỏ
Chuồng gấu đầy ấp màu xanh
Chú rái cá thích thú vui đùa

Ngày xưa Sở Thú không có nhiều thú như bây giờ, qua bao nhiêu năm việc nuôi thú hoang dã có vẽ dể dàng hơn, giờ Sài Gòn có cả Sở Thú tư nhân của một đại gia tăm tiếng ở Bình Dương, tôi có dịp ghé vào những ngày đầu, rồi nghe ngoài Phú Quốc cũng có…chuyện mua bán động vật hoang dã ai cũng biết, xấu nhiều hơn tốt, ác nhiều hơn thiện! Ngày xưa chỉ có voi có gấu, giờ có cả hươu cao cổ, có cả hà mã, đười ươi…

Hươu có cao đến đâu cũng chịu thua những toà nhà chung quanh
Tôi mất khá lâu mới thấy được mặt chú này
Cảm giác sao sao khi thấy voi sống giữa những toà nhà…

Hình ảnh voi hay hươu cao cổ dù ở trong Sở Thú tràn ngập màu xanh nhưng những chung cư, toà cao ốc vẫn bao quanh, làm tôi nhớ lại Thái Lan, một thời đi dọc trên con đường đông khách du lịch ở Bangkok, vẫn thường bắt gặp nài voi dắt chú voi con đi xin tiền du khách. Sau này bên Thái bắt đầu kiểm soát việc này rồi sự ra đời của những tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, giải cứu chúng đưa về khu bảo tồn.

Tôi chưa nghe tin gì về dự án Safari của Sài Gòn dành cho Sở Thú, việc di dời và bảo tồn vuờn thực vật quý hiếm tại đây ra sao! Thành phố ngày càng phát triển, đó là quy luật, rồi 100 năm nữa Sở Thú chắc sẽ không còn tại nơi đây, nhưng hy vọng vẫn giữ lại được khu rừng xanh vô cùng hiếm hoi này cho Sài Gòn!

Tôi sẽ còn quay lại Sở Thú, khi cuộc sống ít nhiều bình thường hơn, sau cơn đại dịch. Vẫn còn nhiều thứ tôi chưa kịp xem, ngôi bảo tàng ngay cổng vào một thời bị đồn có ma, hay đền Hùng đối diện với đôi rồng trước cổng đền, hình như không còn đẹp như xưa, rồi tượng Voi được Quốc vương Thái Lan gửi tặng từ rất lâu, ngay cả bức tượng của ông Tây Louis Pièrre, giám đốc Sở Thú đầu tiên từ 1864-1877…Tấm hình cuối cho ngày đi thăm lại Sở Thú sau bao nhiêu năm là chú đười ươi đăm chiêu, chú ngồi đó hàng giờ và vẫn chưa biết số phận mình ra sao, sau tấm kinh dày…

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s