Ngày của Mẹ

Ngày của Mẹ…mẹ đã xa tôi hơn 6 năm, cho nên ngày này như thoáng qua, may là ngày giỗ cũng gần, nhắc tôi làm gì đó. Nghĩ đến ngày giỗ kỵ ở Việt Nam, con cháu tất bật chuẩn bị bao nhiêu món ngon vật lạ, chỉ để tưởng nhớ người đã khuất, nhưng cuối cùng như ít nhiều thoả mãn sự “ăn uống” của người còn sống. Giỗ mẹ tôi thường làm những món bà hay ăn khi sinh thời, nhưng đôi lúc nhà có gì nấu đấy! Ba tôi còn dể hơn, trong di chúc để lại cho mẹ, mà nhiều lần tôi không dám đọc, vì mỗi lần đọc lại thấy nghẹn lòng. Trước khi mất, khi còn tỉnh táo, ba tôi gửi anh tôi cho “nhà nước”, tôi cho mẹ và nhắn mẹ chỉ cần cúng ba nải chuối vào ngày giỗ.

Cầu Cổ Luỹ bắc ngang sông Trà Khúc, nơi tôi để mẹ về lại với dòng sông tuổi thơ

Có những lúc tôi nghĩ mình sẽ ra sao khi không còn cha mẹ. Ba tôi mất sớm khi tôi còn nhỏ, khi mẹ ra đi, lúc tôi đã dừng hết mọi việc, sự nghiệp quay về con số không. Cảm giác không còn ai lúc đó làm tôi lắm lúc chênh vênh trong suy nghĩ, hành động. Mẹ tôi ảnh hưởng lên tôi rất nhiều, có những điều tôi vẫn làm theo cách bà dạy tôi đến tận bây giờ. Nhiều khi đọc tin những em nhỏ mồ côi cả hai, tôi tự hỏi ở tuổi lên 5,6 hay chưa quá 10, nỗi đau của các em sẽ ra sao? Chỉ là sự thiếu vắng tình thương, chăm sóc, dạy dỗ hay các em đã cảm được sự trống vắng, lạc lõng, chơi vơi trong suốt đoạn đường đời còn lại.

Kế bên là ngôi chùa với tượng Phật Bà cao nhất Việt Nam

Mùa Hè năm nay Sài Gòn quá nóng, thay vì cúng ở nhà, tôi quyết định đi về quê mẹ, Quảng Ngãi, ở đó không quá nữa ngày, vì tôi chỉ muốn đứng trên cầu Cổ Luỹ bắc ngang sông Trà Khúc, đoạn ngay cửa biển, nơi tôi rải tro cốt xuống năm nào. Tôi tự hỏi tro cốt bà còn đó không, hay đã theo dòng nước ra biển để đến với ba tôi. Tôi gửi đôi lời theo gió, mong mẹ tôi nghe được, hiểu được đứa con này, tôi để lại những cành hồng, hoa bà ưa thích, mặc chúng trôi theo dòng nước…

Những bông hồng Mẹ tôi ưa thích trôi theo dòng nước sông Trà

Cảnh vật chung quanh cầu thật đẹp, nước sông Trà năm nay như cao hơn, những đụn cát như ít hơn, ngôi chùa trên núi sau mấy năm vẫn chưa xong, kế chùa là tượng Phật Bà sừng sững vươn cao, quá cao, như không cân xứng, nghe đâu cao nhất Việt Nam, vẫn chưa hoàn thiện. Ngày tôi đưa cốt mẹ tôi về đây, để bà lại dưới làn nước trong mát của dòng sông gắn liền với tuổi thơ, mong bà sẽ nghe tiếng chuông chùa, tiếng kinh…để an lòng trong cuộc sống khác cõi.

Bếp bánh bèo nằm xa thành phố, thơm mùi khói củi

Quảng Ngãi, sau bao nhiêu năm dù thay đổi nhiều, nhưng vẫn không có được một hạ tầng tốt phục vụ cho du lịch, vẫn là nơi mọi khách đi ngang qua, ít ghé, dù cũng có biển đẹp, có sông xanh, có núi, có món ngon…nhưng chưa đủ sức giữ chân khách lại. Tôi tiếc cho cây cầu tre năm xưa, rất đẹp giờ không còn, nghe đâu thay vào đó – một cầu bê tông vô hồn.

Bánh bèo chén, đặc sản đất Quảng

Hay vùng đất Quảng này thiếu những góc đẹp để cho tuổi trẻ bây giờ có những phút sống “ảo”, ngay cả món bánh bèo chén, món don đặc trưng nơi đây, cũng nằm xa xa thành phố, cùng với góc bếp ám mùi khói thơm đến lạ. Khách phương xa sao biết đường tìm? Tiếc cho một vùng đất dường như có tất cả mà lại không được gì…

Ngay sau viếng mẹ tôi trên cầu Cổ Luỹ, tôi đi về Đà Nẵng, đứa cháu nói đi “xe ghép” đi chú, đừng đi tàu. Giờ nào cũng có xe, tôi tò mò vì thật tình chưa đi xe ra Đà Nẵng bao giờ. Nói là xe ghép nhưng thật ra là xe khách đời mới của tư nhân, đưa đón khách tận nơi, khá tiện, xe ngồi thoải mái, chạy cao tốc nên 2 tiếng là tới. Cao tốc vắng hoe, thêm vụ camera tốc độ, nên tài xế chạy vừa phải, an toàn. Tôi xin lỗi vì kỳ này không ghé ai ở Quảng Ngãi, thật ra có nhớ đến ông anh họ con ông cậu, nhưng đi với đứa cháu lát sau lại quên mất! Hẹn anh lần sau vậy! Mong anh vẫn khoẻ!

Cầu tre năm xưa giờ nghe đâu không còn nữa

Đà Nẵng. Hội An. Tôi lại ghé qua…tôi vẫn chưa quên hai nơi này ở lần đến thăm đầu tiên cùng đoàn phim Úc. Lâu lắm rồi. Giờ quay lại mới thấy khi có tiềm năng du lịch tốt, biết cách làm, thì đúng như một bước lên mây. Vậy mà không biết sao, tôi cảm thấy khó “gắn bó” với Đà Nẵng dù biết nơi này có nhiều điều hay, điều tốt, nhiều chỗ đáng đến, nhiều món đáng thử. Hội An cũng thế, nét duyên xưa của phố cổ giờ như đã nhạt bớt, tính cách người Hội An có còn đó không, vì tôi nhớ mãi sự hiếu khách, niềm nở thân thiện năm nào…có lẽ khi nhiều khách quá, chủ nhà cũng mệt!

Cuối cùng Rồng sông Hàn cũng phun mưa
Một góc Hội An

Trên đường ra Hội An, tôi đi ngang khách sạn Furama, giờ nhớ lại không tưởng được Đà Nẵng đã thay da đổi thịt nhanh đến chóng mặt như thế nào. Thời cả văn phòng tôi ra đó họp, chung quanh Furama chỉ là đồng không, những con đường quê lấm bùn đất. Bà Nà lúc đó cũng chẳng có gì, ngoài vài ba biệt thự ven đường. Đi cáp treo lên đỉnh, tới nơi, điều cũng làm ai thích thú là khí hậu, vô cùng trong lành, mát lạnh…còn lại là một bãi đất trống, vài mái tranh làm nơi nghĩ chân bán nước cho khách. Giờ thì thôi, như một góc trời Âu trên đó, tôi cũng chưa quay lại, chỉ nghe và thấy hình trên mạng!

Bánh xèo bà Dưởng
Bún mắm nêm chợ Bắc Mỹ An

Cuối cùng tôi cũng ăn được bánh mỳ Phượng, vài món đặc trưng của sông Hàn, bánh xèo bà Dưỡng, bánh cuốn thịt heo hai đầu da Mậu, biết thêm chợ Cồn với món xôi gà cực ngon, chợ Bắc Mỹ An với bún mắm nêm…và cũng có thời gian đi xem Lật mặt 7, cũng về Mẹ, rồi tối lại xem Rồng phun lữa, phun mưa!

Món xôi gà, gà nhiều hơn xôi, ngon đặc biệt ở chợ Cồn

Bất ngờ khám phá thêm khu vui chơi trên núi Thần Tài, dù không thích cách làm onsen nhưng bù lại với một công viên nước trên núi, cảnh quan tuyệt vời, không khí trong lành trong một mùa hè nóng đến uể oải, cũng đáng tận hưởng!

Onsen, có 3 hồ với 3 nhiệt độ khác nhau, nhìn sao sao
Hồ bơi trong khu suối khoáng nóng trên núi Thần tài

Lần này đi tôi vẫn chưa được tắm biển, hy vọng lần sau sẽ tắm được bãi tắm đẹp nhất miền Trung, theo như lời cậu tài xế nói!

Leave a comment