Một sáng cuối Thu ở Oslo

Trong hành trình đi “săn Bắc cực quang”, tôi ghé Oslo vài ngày, đúng vào cuối tuần và cũng cuối tháng 10, biết được khu vườn thực vật không xa nơi tôi ở, tôi quyết định đi bộ đến đó. Như một thói quen khi đến thành phố khác, có thời gian tôi hay tìm đến những khu vườn như vậy, những “botanic garden”, một phần thích không gian xanh trong đó, thích ngắm các cây, một phần như ôn lại thời đi học được bà giáo lần đầu đưa đến vườn, cho xem những kỳ hoa dị thảo…Tôi đến khá nhiều vườn, ấn tượng nhất chắc ở vùng về phía Nam bán cầu…thực vật nơi đó khá lạ và to khác thường!

Con đường dọc Botanic Garden, hàng rào của vườn bên trái

Đường không xa, đi thẳng một hồi gặp hàng rào của vườn, quẹo phải là gặp ngay cổng vào. Sáng chủ nhật đó, đường vắng, không khí se lạnh…lá rụng nhiều vì đã vào cuối Thu. Sống ở Sài Gòn khái niệm về mùa Thu đối với tôi không như ai sống trên phương Bắc, vì trời Sài Gòn có lúc nào se se, lá có lúc nào vàng…mà mưa thì xối xã, không như mưa Thu, lất phất! Nói vậy, chứ thời sinh viên tôi lại được sống trong xứ sở của mùa Thu Vàng. Lúc đó Thu có tới, sinh viên chúng tôi cũng chỉ vui vào những ngày cuối tuần, đi ra ngoại ô thì mới thấy Thu đẹp, Thu lộng lẩy…chỉ ghét cái vụ mưa dai dẳng, thấm giầy…cái ướt làm khó chịu! Cũng giống như sự háo hức ban đầu với mùa Đông khi có “Tuyết đầu mùa”!

Con đường chính trong vườn

Bao nhiêu hình ảnh của mùa Thu trong thơ ca, nhạc, phim ảnh, hội hoạ…nhưng nhớ nhất với tôi chắc là bài “nhìn những mùa Thu đi, em nghe sầu lên trong nắng…” của Trịnh Công Sơn, ca từ của ông thật tuyệt vời, nghe nao cả lòng. Nói thế, chứ lúc nhỏ tôi không biết nhạc Trịnh! Mùa Thu trong ký ức tôi chắc bắt đầu từ nhạc phim “Mùa Thu lá bay” khi tôi tò mò đọc những tiểu thuyết ngôn tình của Quỳnh Dao. Nói tò mò, vì sách nào tôi cũng đọc!

Nhà kính trong vườn, nhìn qua mái kính tôi không thấy gì đặc biệt!

Đến giờ tôi vẫn không nhớ mình biết đọc Quỳnh Dao từ khi nào, lúc mấy tuổi, chỉ biết còn nhỏ tôi đọc nhiều lắm, từ truyện tranh đến tiểu thuyết, từ hai cuốn tự điển bách khoa toàn thư Pháp-Việt ấn bản từ 1950s, to và dày đến cả gang tay tôi, cho đến Larousse, rồi tự điển văn học, ca dao gì đó rất hay. Tiếc là nhà không giữ được những bộ sách quý đó. Ở tuổi thiếu niên tôi có Thiếu Nhi, Tuổi Hoa với hoa màu đỏ, xanh, tím tuỳ theo độ tuổi, tôi ít để ý đến màu tím cho tuổi mới lớn, mà lại ham lôi tạp chí của ba tôi ra đọc, Bách Khoa, với những bài xã luận, mạn đàm văn học, phê bình, nghiên cứu! Sau này ba mua cho Tây Du Ký, rồi tự biết đi mướn Kim Dung, Z28…thế là chết mê chết mệt!

Tấm thảm vàng dưới gốc cây đỏ rực dưới ánh nắng ban mai
Vườn vắng, chỉ vài khách đi dạo với con trẻ và bầy vịt trời dầm mình dưới ao

Quay lại với mùa Thu, tôi không biết mình thích mùa nào, mùa nào cũng đẹp! Thu đẹp với lá vàng rơi, với sắc màu lạ mà các văn hào thi sĩ gọi đó là Thu Vàng (vàng ở đây ví von như loại vàng quý hiếm), Đông cũng đẹp với tuyết trắng, với những cây “pha lê” (*) lấp lánh dưới ánh mặt trời…nhưng lại hồi hộp khi đi đường do băng trơn dể trợt! Mãi về sau tôi mới học được cách đi sao ít bị trợt, bước lên chỗ nào còn vụn tuyết chưa tan và chưa kịp đóng băng! Xuân thì ấm áp, nhưng đầu Xuân tuyết tan, đường đi lầy lội. Tại thành phố tôi học có khu vườn nổi tiếng tên “Vườn mùa Hè”, rất nhiều tượng đẹp, nhưng tôi chỉ thấy nó đẹp vào mùa Thu! Lại tha thẫn với các mùa rồi!

Cảm giác lạ lẫm khi nằm trên thảm lá và nghe tiếng lá xào xạc dưới và quanh mình
Ba mẹ con chơi trong vườn (?)
Chú mèo đen lẽo đẽo theo tôi một lúc, sau lạc nhau khi chú thấy bày vịt trong ao

Quay lại sáng hôm đó ở Oslo. Đã cuối Thu chiếc áo vàng rực rỡ trên cây đã đan thành tấm thảm vàng khô, héo giòn dưới đất. Đi lòng vòng trong vườn, lúc thấy bà mẹ chơi với hai con gần gốc cây, một đứa chun vào bọng cây ngồi…ai lúc bé cũng thích núp mình trong hang trong xó! Chủ nhật nên mấy nhà kính đóng cửa, nhìn qua mái kính mờ tôi không thấy gì nhiều, chắc vườn đang chuẩn bị ươm hoa trồng Xuân. Đi loanh quanh một hồi, làm bạn với tôi có chú mèo đen lửng thững đi quanh, được một hồi là lạc nhau. Các nhà kính ươm cây cũng đóng cửa, rồi viện bảo tàng thực vật gần đó cũng vậy…tiệm cà phê sát bên chỉ có vài khách…tôi đứng nhìn quanh, tận hưởng cái nắng ban mai se lạnh trong một không gian thoáng đản!

Nhà kính trong vườn
Sáng chủ nhật khá vắng khách đến vườn, vắng ngay cả ở tiệm cà phê – ăn sáng
Viện bảo tàng cũng đóng cửa

Tôi ra khỏi công viên bằng một cổng khác, chắc là cổng chính, băng qua con đường không một bóng xe…và tôi vô tình lạc vào một không gian rộng mở, có con đường nhỏ lượn quanh, có những cây cổ thụ trơ cành, lạc lõng, trên vài gốc cây còn sót lại thấy tấm áp phích quảng cáo cho một buổi biểu diễn nào đó, thỉnh thoảng vài người chạy bộ vượt qua, rồi từ xa tôi đưa mắt theo người đạp xe trong nắng..! Tôi thích văn hoá xe đạp ở Châu Âu, nếu ở Amsterdam có quá nhiều do đất toàn kênh, ở mấy xứ Bắc Âu hình như ít hơn nhiều!

Tôi vẫn chưa kịp biết khu gì đây, ngay trước Botanic Garden, khu trường đại học hay dân cư…
Tôi đưa ánh mắt dõi theo người đạp xe trong ánh nắng sớm…
Thích những con đường nhỏ lượn quanh các cây…giờ đã trơ cành nhưng vẫn còn lại vóc dáng kiêu sa…
Màu sắc đối lập báo hiệu Đông gần kề mà Thu vẫn còn luyến lưu…

Sáng hôm sau, giã từ Oslo, tôi đón tàu lên vùng cực Bắc của Thuỵ Điển, Abisko, cho chuyến đi “săn lùng” Bắc cực quang, dọc đường đi tuyết đã rơi…Thời gian ở Oslo quá ngắn, không biết gì nhiều, nhưng tôi cũng kịp để lại một phần kỹ niệm kế ngay …”thùng rác” – chiếc valy kéo, còn tốt nhưng bánh xe đã già, làm trì bước chân tôi, tôi mua nó từ thời lâu lắm ở Hawaii, để rồi sau đó tôi nhanh chóng kết bạn với một valy khác cùng hiệu, chuẩn bị cho chuyến đi dài ngày trước mắt! Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng một bài thơ nổi tiếng của Alexander Pushkin “Thu Vàng”, qua bản dịch của Hồ Quốc Vĩ

Thu buồn, – cặp mắt đắm say, 
Tôi yêu sắc đẹp em ngày chia phôi. 
Thiên nhiên tàn úa bỗng tươi, 
Rừng thay áo mới, cả trời vàng au. 
Ồn ào hơi gió thở mau, 
Bầu trời gợn sóng như màu khói sương. 
Vài tia nắng hiếm nhớ thương, 
Sợ mùa đông sớm quen đường đến nhanh. 
“Đắm trong yên tĩnh ngọt lành, 
Tôi quên thế giới thức thành tiếng thơ. 

Tâm hồn xáo động ngẩn ngơ, 
Tơ lòng run rẩy, mộng chờ đợi ai.
” (**)

Унылая пора! Очей очарованье!
Приятна мне твоя прощальная краса —
Люблю я пышное природы увяданье,
В багрец и золото одетые леса.
В их сенях ветра шум и свежее дыханье,
И мглой волнистою покрыты небеса,
И редкий солнца луч, и первые морозы…
И отдалённые седой зимы угрозы…

Bài dịch rất hay, toát lên được ý nguyên tác, nhưng có đọc được nguyên tác mới cảm nhận được nét đẹp trong cách mô tả thiên nhiên của một thi sĩ lớn, một biểu tượng cho dòng thơ ca lãng mạn và là cha đẻ của nền văn học hiện đại NgaAlexander Pushkin!

Buổi sáng ở nhà ga Oslo, tôi tiếp tục hành trình lên vùng cực Bắc Abisko, đi tìm ánh sáng hảo huyền của Bắc Cực Quang!

(*) Cây pha lê : hiện tượng xảy ra khi tuyết bám trên các cành cây, nhiệt độ ấm lên tuyết đang tan thì nhiệt độ lại hạ xuống nhanh, tuyết đang tan trên cây bị đóng băng, tạo nên một lớp bao bọc các cành trong suốt và lấp lánh dưới ánh sáng trời như pha lê!

(**) Bốn câu thơ cuối được người dịch thêm vào dựa trên ý từ một bài thơ dài khác của nhà thơ Pushkin (?!)

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s