Tôi đi Sơn Đoòng…chuyện tôi cũng không ngờ vì sau một buổi tối “trà dư tửu hậu” với đám cháu, tôi như bị “thách” đi đi chú…và thế là tôi đi thật ! Đúng ra định kế hoạch cho năm kế tiếp, nhưng sau khi điền vào một số giấy tờ liên quan đến sức khoẻ, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi bên Oxalis, báo cho tôi biết còn một chỗ trống vào đầu mùa năm nay, đi được không? Tôi gật đầu ngay mà chưa biết cái gì đang chờ mình phía trước trong hành trình này!
Và thế là đến ngày lên đường bay tới Quãng Bình, tôi được công ty ra đón, cùng với 2 khách khác là Sakira từ Perth và Asa một nhà báo Mỹ đang làm việc ở Trung Đông, ngày sau tôi còn gặp 2 cặp vợ chồng, Charlie và Kate, Victor và Lan Lợi, cùng với David, người Úc gốc Chile. Chúng tôi còn nguyên một ngày rảnh rỗi nên Sarika, Asa, David và tôi mua thêm một tour đạp xe vòng Phong Nha, đi đò, tắm sông với trâu và ăn gà nướng vĩ lồng quạt!

Nhắc tới khâu chuẩn bị cho hành trình này, ngoài việc tài chính và bảo hiểm, tôi tất bật lo đồ đi, quan trọng nhất là giầy và quần áo vì sau khi đọc rất kỹ hướng dẫn của Oxalis, nào là giầy phải thoát nước dể dàng mau khô, quần áo cũng vậy, còn mấy thứ linh tinh như bình nước, găng tay, balô, thuốc men…quan trọng nhất là giầy tôi mua trên Amazon nên cũng rất nhanh! À, còn phải đi mượn thêm pin cho máy chụp vì vào hang lấy đâu mà xạc, còn flash, tripod, còn kỹ thuật chụp trong hang, tôi chưa hề biết, mày mò google việc chụp trong hang như thế nào, nhưng thú thật – cuối cùng tôi không cần gì cả, từ tripod đến flash, từ kỹ thuật đến các kiến thức chụp hình khác…vì chuyện lo cho bản thân đã quá quá mệt!

Xe công ty Oxalis chở chúng tôi đến điểm khởi hàng, nằm sát con đường nhựa trong khu bảo tồn, sát đó có ngôi nhà tranh xiêu vẹo, chẳng ai để ý, ai cũng phấn khích với chuyến mạo hiểm sắt bắt đầu. Trên người tôi chỉ có 1 balô nhỏ cho máy ảnh, một bình nước, thật nhẹ nhàng… Nhưng không, do dốc đi xuống rất đứng, chúng tôi như lao xuống, cộng thêm cái nóng tháng 4 ở miền Trung, máy ảnh và bình nước như thành rất nặng đối với tôi…và từ lúc đó Uý, được phân công giúp tôi “cầm” máy và bình nước! Cùng lúc đó tôi bắt đầu cảm thấy các ngón chân cứ nóng hẳn lên…đi chậm dần, về sau ông chuyên gia người Anh nói với tôi, nếu xuống dưới thung lũng, thấy tôi không ổn sẽ gửi về…May sao, điều đó đã không xảy ra, và ông ta cũng không mong chuyện đó!

Sau hơn nữa tiếng đi xuống dốc vào thung lũng, tôi biết mình đã “lỡ” leo lưng cọp – dốc từ con đường nhựa xuống thung lũng rất đứng, đi cứ như lao, khoảng trống giữa ngón chân và mũi giầy chính là điểm yếu đầu tiên, do dốc chúi xuống, mấy ngón chân liên tục chĩa vào mũi giầy và chỉ cần đến trưa các đầu ngón chân bắt đã ê ẩm, hai tuần sau chuyến đi, hai móng chân cái đều thâm tím, chết dần và thay móng!
Sau này có ai nói cứ nhét bông kín vào khoảng trống đó…nhưng chưa, còn vụ nước vào giầy, do nhiều đoạn phải lội suối, tuy mùa khô nhưng nước nhiều lúc tới gần gối, còn tôi ngây thơ cứ thích đi vào nước mát lạnh vì cảm thấy chân bớt đau nhưng đó lại là điểm yếu thứ hai – chân dầm trong nước quá lâu, mang giầy ẩm, vớ ướt thì đến chiều tối lại là một nổi đau khác!


Hang Én là điểm dừng đầu tiên, hang rộng phải leo qua dốc đá mới vào được hang, từ trên dốc đá nhìn xuống, thấy người thật nhỏ thì biết hang to thế nào! Hang Én có hồ nước hai màu ở giữa, bên lạnh bên ấm, gọi là Én vì tối về là én bay về tổ đầy trên trần hang, đâu đó vẫn còn giàn dáo lấy tổ chim rồi chiều tối chim làm bậy thả bom là chuyện thường vì hang nặng mùi phân chim, chẳng ai quan tâm, ai cũng mệt chỉ muốn ăn và nghĩ sớm hay chụp hình đâu đó.




Để phục vụ nhóm chúng tôi gồm 8 khách có 30 thanh niên địa phương lúc nào cũng thoăn thắt trên mọi địa hình với 20-30 ký hàng hoá trên lưng, lo việc hậu cần, lều trại…cho cả đoàn, hai chuyên gia hang động người Anh cùng với nhóm trưởng người Việt chịu trách nhiệm an toàn, sức khoẻ cho khách và nhân viên kiểm lâm đi cùng.
Sáng hôm sau, chúng tôi rời hang Én đi vào một trong những thung lũng đẹp nhất, với suối mát lạnh, trong veo, với hàng ngàn bướm trắng, bướm vàng bay theo, đoạn từ hang Én đi ra đã xuất hiện trong vài phim bom tấn của Hollywood. Trong mấy ngày đi Sơn Đoong, đây là cung đường tôi thích thứ hai sau con đường đi vào Bức tường vĩ đại của Việt Nam.



Đến trưa chúng tôi có điểm nghĩ dùng bữa và chuẩn bị vào hang, lúc này các chuyên gia hang động người Anh bắt đầu cho chúng tôi mang dây an toàn, hướng dẫn cách leo vào hang, cách đan ngón tay vào nhau khi cần sự trợ giúp, lúc này ai cũng im lặng có phần căng thẳng. Thật tình lúc đó tôi cứ tự trấn an mình, ai làm sao mình cố làm vậy, chậm nhưng chắc, không vội đâu cả…



Vậy mà căng thẳng xuất hiện ngay từ những phút đầu, ngay miệng hang, làn hơi lạnh có phần âm u trong hang như hất vào mặt chúng tôi, cảm giác rờn rợn như có gì đó không an tâm. Charlie, anh chàng người Mỹ, leo bao nhiêu núi, đã không dám xuống hang, anh chùn bước ngay ở phút đầu tiên, trong khi đó Kate, vợ anh, đã xuống đầu tiên. Tôi cùng Sarika, hai người luôn đi chót, không để ý vì mãi lo chụp hình chung quanh, chờ thấy lâu cũng không thắc mắc!

Đến khi Sarika nói với tôi Charlie từ chối leo xuống…tôi khựng lại! Lúc này tôi mới quan sát đường vào hang, nhìn lên lúc nào cũng có làn mây sương mờ lơ lững che mất trần hang, dưới thì đen thâm thẩm không thấy đáy, tôi chỉ còn một chọn lựa – đi tới! Khá căng thẳng và chút chật vật những phút đầu, khi tôi phải bám vào tay 1 trong 4 chuyên gia đứng giúp từng khách dọc đường leo xuống, đoạn leo xuống không dài nhưng ai cũng đi rất chậm, cuối cùng tôi cũng đứng vững trên nền hang! Sau này Sakira có nói với tôi, Charlie cuối cùng đành leo xuống vì vợ anh ta đã ở dưới hang, nếu không, chưa chắc!

Những giây phút đầu tiên trong hang tôi cảm thấy hơi ngỡ ngàng, có gì đó không như tôi hình dung trong đầu, nó không quá to, không quá hùng vĩ, vài thân cây to nằm vất vưởng dọc hang, do mùa nước cao đưa vào. Tôi vẫn còn ở sát miệng hang, sau càng vào sâu, tôi không còn biết mình ở đâu, choáng ngợp với mọi thứ – khi mà nhìn lên không còn thấy trời mà chỉ là màn sương mờ, nhìn xuống – một màu đen sâu hút, không biết đâu là đáy!
Rồi những âm thanh lạ lùng trong cái không gian rất tỉnh mịch – nhịp tim đập và hơi thở của tôi chưa bao giờ nghe rõ như vậy. Vì choáng với cảnh vật, vì lo cho từng bước đi, tôi quên cả chụp hình cho đến khi “phụ tá” Uý (*) nhắc tôi, anh muốn chụp không, thì đưa máy ảnh cho tôi. Và tôi cứ chụp bừa, tay đầy đất đá cũng kệ, miễn có bấm, hình sao cũng được, cái tôi lo hơn trong lúc này là đi sao không trượt, bám sao không té!


Đêm thứ hai trong Sơn Đoòng – tôi đã cảm thấy người mệt nhừ, hai chân rã rời, nhóm rũ đi xuống sâu dưới hang tắm suối ngầm, tôi không đi, vì thật tình lúc đó tôi đi không nổi nữa, chân tôi đau, nặng trĩu, nhấc lên đã khó huống hồ phải leo lên leo xuống, tôi cần nghĩ dành sức cho ngày mai nhưng tôi cũng cần tắm vì người rất dơ, mồ hôi, đất bám đầy người, áo quần ướt sũng…may sao tôi tìm thấy một hố nước đọng gần đó, tôi lau sơ mình, nước khá lạnh, xong về lều thay đồ và tìm nơi hong khô giày cho ngày mai. Lần đó tôi đem theo nhiều khăn giấy ướt, khá hữu dụng cho việc tắm “khô”!

Đêm đầu tiên trong Sơn Đoòng (không tính đêm ở hang Én) sau bữa tối rất ngon, mọi người lúc đầu chia nhóm đánh bài, sau tụ lại chơi chung và ca hát đến…6-7g “khuya”, mọi người đều lo về lều nghĩ dưỡng sức cho ngày hôm sau. Còn lại mình tôi, đi lững thững chung quanh, cố chụp vài tấm với cái tripod nặng cả ký, để rồi sau đó tôi không thèm đụng tới nó luôn, cho đoàn mượn làm giá treo đèn!



Sáng hôm sau tôi dậy sớm, ló đầu ra khỏi lều thì đã thấy vài người đã thức, ngồi ngay cửa lều, chăm chú lắng nghe những âm thanh trong hang, tận hưởng cái không gian tưởng như u mịch mà không phải, cái âm thanh lạ tai, như tiếng lất phất của cây, của gió, rồi làn sương trắng mờ kỳ bí cứ lẫn quẫn quanh miệng hang, thêm cái lạnh âm u toát ra từ những vách thạch nhũ triệu năm tuổi sừng sửng vây quanh chúng tôi. Tất cả như khiêu khích nổi đau, lòng tự ái của tôi, một đứa ham vui liều mạng, giờ chỉ mong tới ngày về thật nhanh! Nhưng tôi đã sai! Đến giờ nghĩ lại tôi cảm thấy thật may mắn vì đã có thời gian ở trong hang lâu hơn nhiều so với các bạn đi tour sau này!


Sau bữa sáng chúng tôi tiếp tục hành trình và được báo trước đây là đoạn đường khó…Ngày hôm trước, do tôi và Sarika là hai người bị bỏ lại sau cùng, nên có Uý, nhóm phó hộ tống chúng tôi, bất chấp ai đi trước cứ đi, chúng tôi vừa đi, vừa nhìn cảnh, mệt thì ngồi nghĩ…có một đoạn cả ba ngồi nhìn ngắm về mỏm thạch nhũ gì đó mà tôi quên tên cao ngất ngưỡng giữa hang…đang ngồi tận hưởng trong không gian kỳ bí, thì bất chợt không biết Uý hay Sarika hay tôi nói về vụ sụp hang, mắc kẹt…thế là cả ba như được tiếp liều thuốc tiên, vội đứng bật dậy, bước nhanh cho kịp với đoàn.

Đoạn đường từ hố sụp thứ nhất sang hố sụp thứ hai, khi được Uý thông báo mình sẽ đi như vậy đó nha anh, nhìn theo ngón tay Uý chỉ , tôi chỉ muốn khóc…vì nó cao vút lưng chừng vách núi. Vậy mà tôi lại vượt qua khá dể dàng. Không biết tôi có sai không, chứ tôi có cảm giác đi lên dể hơn. Mệt thì nghĩ còn khi đi xuống…mệt cũng theo quán tính lao xuống, lao xuống, mà vậy thì ngón chân lại nhói đau! Leo lên các đầu ngón chân tôi không bị hành hạ!




Điễm dừng kế tiếp trong hang khá kỳ lạ với bãi cát trắng mịn, lúc đó tôi được giãi thích do nước dâng dưa cát vào hang, và cát ở lại tạo thành một bãi dài độc đáo! Cũng từ điểm dừng này ngày hôm sau chúng tôi đi vào “Bức tường vĩ đại của Việt Nam”, là đoạn đường đem đến cho tôi nhiều cảm xúc nhất – vừa thích thú với cái âm u rờn rợn trong bóng đêm, vừa cẩn thận vì đứng là té, bước là té do quá trơn trợt, vừa phấn khích vì cảnh quan quá ư lạ lùng! Tiếc là không được mang máy chụp hình vào vì…lý do “an toàn” cho máy, không ai mà không té trên đường đi này! Tôi cùng mọi người đua nhau té, đứng yên cũng té, bước đi nhẹ cũng té…mặc dầu không đau nhưng té nhiều quá cũng ê bàn toạ! Lúc sau chúng tôi cứ ngồi mà trượt vì chán té quá rồi!

Đoạn đường mà tôi ấn tượng nhất chính là con đường dẫn vào The great wall of Vietnam, trong cái không gian ẩm ướt tạo từ hàng triệu năm, đoạn đường rộng chừng 30-40 cm bề ngang, ngập trong nước cao quá mắt cá chân và hai bên là sừng sững những ụ cát khổng lồ như những kim tự tháp đứng đó từ bao nhiêu triệu năm, tôi đưa tay lên sờ, ướt lạnh, tường cát cứng vô cùng.

Bước vào cung đường đi vào The great wall of Vietnam, là cung đường đặc biệt nhất vì chúng tôi đi trong bóng tối hoàn toàn (dĩ nhiên nhờ đèn trên đầu), khi ánh đèn tắt đi, tôi chìm vào bóng đêm tuyệt đối, tiếc là không phải mùa nước cao, nên chúng tôi không đi thuyền được trong hang, nếu được sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời và quan trọng hơn cả, chúng tôi sẽ được cầm theo máy ảnh, còn riêng tôi chắc cũng cứu được chiếc quần rách đáy vì do té liên tục, tôi quyết định ngồi trượt cho nhanh – hậu quả là quần rách – một chiếc quần jeans khá dầy!




Hành trình khám phá hang động lớn nhất thế giới, 5 đêm trong hang, cuối cùng cũng kết thúc như tôi mong đợi, nhưng đến lúc này tôi lại mong có thêm được những khoảng khắc trong hang, lâu hơn, để thở thật sâu cái không khí lạ lẫm trong hang, để nhìn kỹ hơn những cột thạch nhũ quái lạ hình thành cách đây triệu năm, để lắng nghe âm thanh kỳ lạ như tiếng rì rào của gió, của đá, của nước qua hàng bao thiên niên kỷ vẫn còn quay quắt đâu đó trong hang. Người tôi rã rời, tay chân nặng chịch, tôi vẫn nhớ ngày đầu ở nhà, đi lên vài bậc thang là rêm cả người, vậy mà giờ đây tôi chỉ mong một lần quay lại, sống lại những khoảng khắc đó!
______________________
(*) Uý được các chuyên gia an toàn phân công bám sát tôi và Sarika, hai người lúc nào cũng ở chót đoàn! Sau này tour vào hang được thiết kế lại, thay vì quay đầu và ra từ hang Én, khách được leo bức tường vĩ đại và ra khỏi hang, tour ngắn ngày hơn, ít mệt hơn…và khi viết lại hành trình này cũng để tưởng nhớ đến Kate, vợ của Charlie, gốc Nga, một cô gái vô cùng năng động, đã qua đời sau đó một năm khi mắc kẹt trong trận bảo tuyết trong lúc leo núi một mình gần New York!