Bánh Trung Thu. Ôi, cái bánh nhiều người mê – từ con nít cho đến người lớn, nít mê ăn, lớn mê làm rồi mê cho, cho đi cho lại! Có câu truyện cười quay quanh hộp bánh Trung Thu năm xưa, khi quà biếu mấy ngày này không thể quên được! Hộp bánh qua bao nhiêu tay, cuối cùng quay lại người được tặng đầu tiên! Còn đối với tôi, bánh Trung Thu gợi nhớ nhiều về những ký ức vụn vặt từ khi còn là cậu bé, 5-6 tuổi, cho đến tuổi thiếu niên và cả về sau này, khi đã bước qua tuổi trung niên!
Thật tình khi còn nhỏ, tôi không nhớ mình có thích bánh Trung Thu không, có ăn chưa, trong đầu tôi chỉ giữ lại hình ảnh hai thứ của Trung Thu ngày ấy: con gióng và lồng đèn. Ba mẹ tôi ngày xưa có căn nhà ở đường Phan Đình Phùng, số nhà 441/32, tôi không bao giờ quên những con số này. Ngay góc đường có tiệm giò chả Thanh Hương, lúc nào cũng sáng ánh đèn, bán các loại chả, bánh dày, bánh chưng…tôi mê nhất bánh dày, giờ cũng còn mê! Hình ảnh bà chủ người Bắc 54, người nhỏ thó, lúc nào cũng chiếc áo trắng, quấn khăn vành, lúc nào cũng tươi cười, khoe hàm răng đen, bà chắc mất đã lâu. Tiệm vẫn còn đó, vẫn giữ tên xưa nhưng mọi thứ khác đi rất nhiều, một thời đã qua.
Tôi mê những con gióng ngày xưa, màu sắc thật sặc sở, với những chiếc lông nhuộm đủ màu, rồng, phượng, lân hay con gì đó tôi không biết, chỉ biết đứng ngắm nhìn nó qua tủ kính một cách say sưa, mỗi khi được mẹ dẫn ra mua gì đó. Lúc đó tôi còn quá nhỏ để chơi lồng đèn, chỉ biết nhìn những chiếc đèn cá chép thật to, đèn bươm bướm có viền lông trắng với những nút bạc, đèn tàu thuỷ, máy bay hay đèn kéo quân! Có một loại đèn, lâu rồi không thấy ai làm là đèn gồm ba hình tròn nối cạnh nhau, rẻ nhất trong các loại đèn và chắc khó cháy nhất! À còn đèn giấy xếp hình trụ, hình bí rợ tròn và những cây nến nhỏ đủ màu!

Sau này khi gia đình chuyển về nhà mới ở Nguyễn Trãi, tôi không còn cơ hội đến những tiệm như tiệm giò chả ngày xưa. Tôi hầu như không nhớ những mùa Trung Thu ở Nguyễn Trãi trong những năm đầu, không biết tại sao, nó như không hề tồn tại trong ký ức tôi…hoặc nếu có, tôi lại sợ lẫn lộn vời thời sau này – đó là vài cái lồng đèn hình tròn ba mua cho tôi treo dọc theo khung cửa sổ, nó nhắc lại câu chuyện buồn xuất phát từ căn bệnh của ba tôi.
Nhưng sau 1975 là một chuỗi những ký ức khá còn sống động – Trung Thu không đèn lồng giấy kính đỏ, thay vào đó là hai lon sữa bò gác lên nhau, đèn quay mòng mòng khi được đẩy đi, ánh nến cũng nhảy múa theo vòng quay, không còn đèn cầy đủ màu, rồi đâu ra trò nấu sáp đổ vào vỏ sò hay tinh nghịch bắt cả ốc sên bỏ vô sáp nóng, nhỏ sáp nóng lên tay. Vẫn bài hát “Tết Trung Thu đốt đèn đi chơi, em đốt đèn đi khắp phố phường…”. Tôi thích thú mỗi khi được tụ 3 tụ 4 chuẩn bị lon sữa bò kê trên mấy viên gạch để nấu sáp, xen lẫn đâu đó cảm giác hồi hộp ngồi trong bóng đêm với ánh đèn cầy!



Và bánh Trung Thu, lúc này tôi đã có khái niệm bánh Trung Thu là gì khi nhà cô Tiến hàng xóm sát bên, một gia đình gốc Bắc di cư từ 1954, vẫn hay làm bánh, tôi thì hay đứng bên nhà nhìn trộm qua ô hoa văn trên tường sát cầu thang lộ thiên từ nhà tôi. Tôi nhớ cô hay bà cụ, mẹ cô Tiến, ve những viên tròn tròn, nhớ cái khuôn gỗ, đập một cái ra bánh. Cô Tiến thỉnh thoảng đem qua cho 1, 2 bánh cúng ông bà. Tôi không nhớ mình có được ăn và bánh có ngon không. Thời gian đó, sau 75, cuộc sống ở Sài Gòn có nhiều khó khăn, gia đình cô Tiến vẫn làm bánh, nhưng ít hơn và hiếm cho ai trong xóm, còn mẹ tôi có lần đem về những cái bánh Trung Thu nhỏ xíu, 4 cái trong 1 gói giấy nhỏ chưa bằng một cái to! Tôi được cả 4 cái bánh tí hon!
Sau này khi đi làm, tôi được cho không biết bao nhiêu là bánh, thời mà Như Lan, Đồng Khánh, Đông Hưng Viên đi đâu cũng gặp! Lúc này tôi không còn muốn đụng đến bánh, không ăn luôn, cái thời giữ eo! Có bao nhiêu bánh tôi cho hết, rồi hôm sau tôi lại nhận thêm vài hộp y chang hôm trước! Những năm sau này, ít nhiều có thay đổi, thiên hạ sính ngoại hơn, thích những bánh từ Hồng Kông, Mã Lai, Singapore…bánh nhỏ toàn nhân đậu xanh, đậu đỏ, trà xanh, tiramisu…rồi đến các khách sạn sang trọng ở Sài Gòn cũng tham gia vào thị trường bánh Trung Thu, chú ý nhiều đến hình thức với những hộp bánh cầu kỳ (giá hộp bánh chắc cũng bằng hay cao hơn giá vốn làm bánh!), bánh vị cũng thanh hơn, ít ngọt hơn, nhỏ hơn, xinh hơn!
Và đến thời tôi biết làm bánh thì thị trường đã phát triển lắm rồi với bánh online, bánh nhà làm, bí quyết gia truyền qua bao nhiêu đời, không chất bảo quản…Làm thử xong tôi mới biết tại sao thiên hạ đua nhau làm, đua nhau bán. Vì quá lời! Vốn không bao nhiêu mà giá đâu đó thật cao, rồi qua rằm, mới trở lại với hiện thực – mua một tặng hai, tặng ba, xe ba gác đẩy đi bán kiểu như bán dưa hấu, bán chuối!
Làm bánh Trung Thu như một thú vui, thích làm nhân gì thì cứ làm, thích gì, có gì cứ thêm miễn sao mình thấy ngon là được. Trước tôi ghét thập cẩm sau này lại thích cái vị mặn mặn ngọt ngọt của nó. Để ra được một mẽ bánh ngon và đẹp không hề dể, qua nhiều công đoạn, nhất là lúc nướng và quét màu! Tôi nhớ lại câu chuyện cách đây vài năm, được người bạn rủ lên nhà làm bánh, tôi siêng đến mức quyết tâm đạp xe đi, nhà bạn ấy thì…chỉ qua cầu Thủ Đức, còn tôi ở tuốt quận Năm. Làm xong, đạp xe về mới thấy…đường dài làm sao, mới biết thế nào đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ…Chỉ được lần đó, vài năm sau chúng tôi không còn chơi với nhau, như những đứa bé giận hờn! May là lúc đó tay nghề tôi còn quá yếu nên không tiếc!

Đêm nay ngồi viết những cảm nghĩ này, tôi như quay lại quá khứ, cố lôi ra cho được những ký ức gắn liền với Rằm tháng Tám, nó khá mờ nhạt, ít nhiều ký ức cũng đã xoá mờ theo thời gian! À, hình như tôi cũng thích đèn kéo quân, thích nhìn những hình nhân xoay quanh ngọn đèn và đã có lần ước, lớn lên sẽ mua cho mình một cái thật đẹp. Tôi chưa bao giờ mua và có lẽ sẽ không bao giờ, những hình ảnh trên đèn kéo quân không còn lôi kéo tôi được nữa, tôi chỉ thấy chóng mặt khi ai đó cứ quay vòng theo thứ ánh sáng hảo huyền!