Năm nay do cơn đại dịch mà mọi điều hầu như bị xáo trộn, không ai ngờ được, và cuộc sống như lò dò từng bước chậm chạp. Bao nhiêu dự định của tôi đều bị xếp xó, ngay cả cuộc hẹn với bạn quay lại vườn Monet. Giờ chắc khách đến thăm vườn vắng đi nhiều! Hàng năm nhà Monet mở cửa đón khách vào đầu tháng Ba, năm nay dời đến tháng Sáu. Toàn bộ chi phí chăm sóc vườn tược đều từ nguồn thu bán vé, làm tôi nhớ đến Sở Thú nhà mình…tình cảnh còn tệ hơn nhiều!



Hàng năm khi Xuân đến và trăm hoa bắt đầu đua nở, khu vườn của Monet lại mở cửa đón khách cho đến hết tháng Mười. Tuỳ năm, nhưng thời gian đẹp nhất đi vườn Monet vào tháng Tư, tháng Năm, khi các loại hồng đua nhau khoe sắc, không chỉ hồng mà còn rất nhiều hoa khác, đua nhau nở khi tiết trời ấm lên.

Thật ra Monet và những người làm vườn sau này đã tính toán, tháng nào, mùa nào cũng có hoa, trong suốt 7 tháng mở cửa, gần nữa triệu khách đến thăm, và mỗi ngày có gần mấy ngàn khách lượn quanh khu vườn, nên hoa thường xuyên phải có để đón khách.

Năm 1883 khi gia đình chuyển về Giverny, Monet còn phải thuê nhà và đất, ngôi vườn lúc đó chỉ toàn những cây họ thông, trồng theo hàng hai, ông cho chặt hết, chừa lại đúng hai cây tùng gần nhà, để làm vui lòng vợ ông, Alice. Còn toàn bộ khu vườn rộng cả hecta, ông chia thành từng ô với những lối đi lớn nhỏ, có bao nhiêu tiền, ông cho hết vào ngôi vườn, săn lùng, trao đổi với bạn những giống hiếm về trồng, mướn người phụ chăm sóc.

Monet làm vườn theo cách rất riêng, không chia theo từng loại mà cứ để lẫn lộn những giống hoa đơn giản xen lẫn với các loài quý hiếm. Ông trồng nhiều hồng leo. Con đường chính từ nhà nhìn ra, ông cho đặt những vòng sắt hình cung dọc con đường, làm giàn cho hoa hồng leo. Thật tình tôi không thích giàn sắt này lắm, nhưng đó có lẽ là những gì còn sót lại do chính Monet làm từ hơn trăm năm trước.

Ngoài những loại cây ăn quả khác nhau trong vườn như táo, anh đào, dẻ, bạch quả, chanh…hoa thì Monet sắp xếp có những loại khoe sắc vào mùa Xuân, có loại mùa Hè và cuối cùng mùa Thu, khách đến thăm lúc nào cũng có thể thấy những sắc màu khác nhau. Riêng giàn Tử đằng trong khu vườn ao, ngay sát chiếc cầu màu xanh huyền thoại, đâu đó vào đầu Xuân.

Khi về ở Giverny được 7 năm, lúc này tranh ông bán được nhiều hơn, vì thế tiền bạc cũng khá hơn, ông quyết định mua lại ngôi nhà và khu vườn ông thuê, mua luôn miếng đất bên kia đường bị ngăn ngang bởi một nhánh sông nhỏ của Seine và đường tàu, ông cho đào ao trồng hoa Súng, thời gian đầu mấy nhà hàng xóm làm nông phản đối vì sợ các loài cây kỳ quái của ông làm ô nhiễm nước dòng sông, nguồn nước tưới và nuôi gia súc của họ.

Hai khu vườn – Clos Normand ngay trưởc nhà và khu vườn hoa Súng, hai phong cách hoàn toàn khác nhau. Ngày trước muốn đi qua khu vườn ao, phải băng qua đường giờ thì có đường hầm dưới đất nối hai bên với nhau. Khu vườn Clos Normand, một không gian mở, thoáng với những loài hoa dại chen chân với những giàn hồng leo, tạo một cảm giác nhẹ nhàng, bay bổng như khi lạc vào cánh đồng hoa.
Còn với khu vườn ao, tôi như quay về với miền nhiệt đới, lạc lối giữa những khúc đi quanh co, đắm mình trong bóng mát dưới tán cây xanh hoà cùng tiếng nước chảy từ những con suối nhỏ…và thỉnh thoảng lại có tiếng bò ụ ụ từ bên hàng xóm!

Càng về sau ao hoa Súng càng to dần ra, đầy các loại hoa họ Súng, đủ các màu…theo đúng như cách ông thấy trong những tấm hình của Nhật mà ông sưu tầm. Còn ngôi vườn quanh ao, ngày càng xanh hơn, đẹp hơn với những lối đi quanh co, với những con suối hay kênh uốn quanh lấp ló sau những lùm cây xanh mướt, những rặng tre, thỉnh thoảng còn có cả tiếng bò kêu hay gà cục tác!

Trong sự nghiệp sáng tác, có giai đoạn hoạ sĩ thích những hình ảnh nhẹ nhàng mơ hồ của mây, lung linh của ánh sáng khi phản chiếu trên mặt nước, ông có khá nhiều tranh như vậy khi còn ở Argenteuil (một vùng ngoại ô Paris, cách chừng 12 km) hay những lúc lang thang dọc theo những con kênh ở Hoà Lan. Monet thích vẽ đi vẽ lại một đề tài nhiều lần, như hoa Súng vào những thời điểm khác nhau trong ngày, trong năm…





Tôi rất thích vườn hoa Súng nó ít nhiều làm tôi nhớ lại hình ảnh những ao hồ nhỏ trong Sở thú ngày xưa, không đẹp như bây giờ, nhưng lúc đó mặt ao phủ đầy những tai bèo lấm tấm…và tôi muốn bước lên tấm thảm xanh mướt đó và kết quả là đôi sandal, vớ trắng toàn bùn. Sau này lớn lên tôi ước mình sẽ làm được một hồ với nhiều cây ven nước xanh rờn, tôi đã làm và cũng ngộ ra từ thích đến có, và từ có đến đẹp như mơ là cả một đoạn đường dài, lắm gian nan!
Điểm nhấn của khu vườn hoa Súng chính là chiếc cầu gổ màu xanh, Monet cho sơn màu xanh khác hẳn với màu đỏ truyền thống của Nhật, dưới những tán hoa Tử đằng màu tím nhạt, gần đó trúc xanh, liễu xanh và những loại cây mọc gần nước, những loại hoa sắc màu rực rỡ cùng với hoa Súng nở suốt mùa hè, nhiều màu khác nhau, tạo nên một bức tranh đầy màu sắc. Chiếc cầu năm xưa nay được thay thế bằng chiếc cầu mới vì quá cũ còn giàn Tử đằng do chính Monet vẫn còn đó, muốn thấy hoa nở phải canh đúng mùa…

Quay lại với Monet, ông yêu thích màu sắc cỏ cây đến thế nhưng ở tuổi già, ông gần như mù vì bị cườm mắt, thuyết phục mãi ông mới chịu đi mổ một bên nhưng sau đó quyết không cho mổ mắt còn lại, ông vẫn sáng tác nhờ cách đánh dấu trên bảng màu. Màu sắc lúc đó trên các bức tranh của ông đã khác, màu đỏ cam nhiều hơn, những đường nét cũng nặng nề, dày đặc…như những nổi đau dầy vò trong ông – vợ mất, con mất và bệnh tật tuổi già.
Claude Monet – cha đẻ của trường phái Impressionism Pháp, chưa bao giờ thích màu đen, ngay cả những khi vẽ bóng (shadow), để có một màu tựa như đen của riêng mình, ông phối 3 màu gồm xanh dương, xanh lá cây và đỏ. Và ngay trong đám tang ông, người bạn thân đã phải thốt lên :”Sao là màu đen? Đây là Monet!”, bạn không cho dùng vải đen phủ lên quan tài, mà là những bức mành hoa…
Ngôi nhà và khu vườn Monet không được chăm sóc trong một thời gian dài, thêm hư hại nhiều do cuộc thế chiến…mãi đến năm 1966 con ông mới quyết định hiến tặng Viện Hàn Lâm Mỹ Thuật Pháp, và sau đó được trùng tu liên tục mãi cho đến tháng Chín 1980, mới mở cửa cho khách, 54 năm sau ngày Monet mất!