Nói Chợ Lớn là theo kiểu ở Sài Gòn, chứ bên Thái chắc không ai kêu thế mà là “Chinatown“! Lần đầu tôi đến Chinatown ở Bangkok có lẽ khá lâu, có thể rất lâu! Tôi đi Bangkok rất nhiều lần, nhưng số lần đến khu Chinatown chắc đếm không qua nổi một bàn tay! Tôi cũng không biết tại sao, dù biết đó có nhiều món ngon, lắm thứ lạ! Nhưng chắc ấn tượng lần đầu ngồi trên tuk-tuk đi vòng vòng khu đó, thấy đông đúc náo nhiệt quá nên không ham!




Lần đầu khi đi với vài người bạn vào khu phố Tàu, chúng tôi được ai đó giới thiệu một nhà hàng nổi tiếng với món súp vi cá La Scala! Công nhận rất ngon lại không quá mắc! Nói đến “ai đó giới thiệu” làm tôi sực nhớ đến một cậu hướng dẫn viên người Thái gốc Việt, rất dể thương, sau lần dẫn đoàn khách của công ty đi chơi ở Bangkok, cậu tới Sài Gòn thăm mọi người! Tiếc là không ai trong chúng tôi còn giữ liên lạc với cậu, rất hiền theo kiểu Thái!






Quay lại Chinatown ở Bangkok, sau bao nhiêu năm, tôi lại đi lạc…Tôi ít khi đi lạc ở những thành phố mình đã đến vài lần, tôi không hay dùng taxi hoặc Tuk-tuk, chủ yếu tàu điện ngầm và đi bộ, vậy mà tôi lại tìm không ra Chinatown! Tôi đến đúng bến…hỏi đường, người chỉ hướng này, kẻ chỉ hướng khác…cuối cùng tôi đành chấp nhận leo lên taxi, nói 3 từ ngắn gọn, đã được vài người mách trước, “Yaowarat” là đến ngay, thế mà tôi mất cả nữa tiếng lòng vòng tại bến Hualamphong!. “Yaowarat” chính là tên con đường huyết mạch trong khu phố Tàu ở Bangkok!

Tôi đến Yaowarat khi đã xế chiều, chợ tan nhưng hàng quán dọc đường bắt đầu nhộn nhip cho cuộc sống khuya! Thật ra street food tồn tại từ lâu ở Bangkok, không ai quên được món cá lóc bọc muối nướng, gà nướng ăn với cơm nếp…những năm sau này, một thế hệ mới được hình thành cùng với nhiều “món ngon vật lạ” ra đời đáp ứng thị hiếu giới trẻ ngày nay, không khác gì ở Việt Nam!
Có nhiều món khá lạ như bánh mỳ mềm, không giống bánh mỳ tươi bên mình, như bánh mỳ lạt, nướng lại rồi cho thêm vài loại sốt, sô cô la hoặc mứt…đơn giản vậy mà dân tình chen nhau mua, thấy đông quá nên tôi có muốn thử cũng chịu! Rồi những món ăn “sang chảnh” chuyên ngự trong các nhà hàng cũng xuống đường từ súp vi cá, vịt quay Bắc Kinh cho đến chè tổ yến…y như “sushi” bên Sài Gòn!









Đi được một đoạn tôi thấy một hàng rất dài, phải trên mấy chục khách xếp hàng theo ven đường, tò mò đi tiếp thì ra khách đang chờ vào một tiệm ăn, tôi đứng sát bếp xem có gì ngon không thì hình như mấy món gia đình, không gì đặc biệt nhưng chắc hoặc phải ngon hoặc phải vừa túi tiền người lao động nên hàng mới dài thế!
Chuyện này làm tôi nhớ lại cách đây vài năm, tôi đang làm mát xa chân ở Silom, vô tình nhìn qua bên kia đường tôi thấy người người xếp hàng rất dài mua gì đó, thì ra là bánh, mỗi khách chỉ được mua 4 hay 6 bánh! Lát sau tôi ghé qua, bánh đã hết, mới 5g chiều! Tò mò nên sáng hôm sau, dậy sớm, tôi vội ra cửa hàng, còn vắng…hoá ra là bán bánh “Papparoti”, nhưng chỉ sau một thời gian, bánh mỳ thơm ngát mùi bơ và cà phê hầu như mất hút trên thị trường, số phận không khác chè khúc bạch hay khoai tây lốc xoáy phô mai…từng gây sóng gió!


Nói đến món ăn hè phố, nhất là ở Thái, không bỏ qua được một đặc sản…châu chấu, dế, bò cạp…,khu phố Tàu cũng không ngoại lệ! Tôi ăn thử một lần bên Singapore khi công ty tổ chức team-work với nhau, ai cũng phải thử món bò cạp chiên giòn! Khá nhạt nhẽo, có phần vô vị…ăn hồi sau về nhà mới biết trong kẽ răng còn vướng cái chân hay cái càng của nó!

Khu phố Tàu không thể thiếu chùa Tàu hay mấy cửa hàng vàng, thật tình mà nói, tuy gọi là Chinatown, nhưng nếu so với Chợ Lớn ở Sài Gòn, tôi có cảm giác Chợ Lớn giống hơn, như dân đây thường nói, Hồng Kông bên hông Chợ Lớn! Có ai biết được Chợ Lớn ở Sài Gòn thuộc vào hàng đại cổ, hình thành từ những năm cuối thế kỷ 17, còn Bangkok mãi cả trăm năm sau!