Từ Paris đi Amsterdam mất hơn 3 tiếng xe lữa, vào những dịp cuối tuần hoặc có hẹn với ai tôi lại lên tàu đi. Tôi không thích Amsterdam đến vậy, nhưng thật ra cũng có lý do, dù ở ngay tại Paris, với bao nhiêu tiệm nổi tiếng bán đồ làm bánh tôi lại tìm không thấy, mà tới Ams. lại có, chính ở đây tôi còn mua được nguyên chai vani nổi tiếng thế giới!
Nếu hỏi tôi Amsterdam có đẹp không? Đẹp! Đẹp theo cách rất riêng, tôi đã viết về Amsterdam một lần, nhưng nhớ lại cái cảm giác lang thang vào đêm khuya ở đó tôi lại muốn viết về Ams trong những ánh đèn đỏ, đèn xanh!

Amsterdam về đêm đẹp, đẹp theo cách rất riêng của mình, những ngôi nhà khi lên đèn, hắt bóng sáng xuống dòng kênh, những khung cửa sổ kín màn bất động, nhưng sau nó mọi người đang quây quần quanh bàn ăn, trò chuyện, cười vui hoặc ngồi thả hồn theo cuốn sách trên tay với chú mèo khoanh mình ngủ ngon gần đó!
Rồi những ánh đèn đỏ đèn xanh, đủ màu làm sáng một khúc đường náo nhiệt hay cả một khu phố trong cái lạnh cuối Thu đầu Đông. Ams. “đèn đỏ đèn xanh” không phải là đèn giao thông mà chính là khu Red Light (phố đèn đỏ) nổi tiếng trong suốt lịch sử hàng trăm năm của nó, vẫn còn đó, dù theo thời gian đã ít nhiều thay đổi!


Người em họ tôi sống cách Amsterdam khoảng hơn nữa tiếng đi xe, làm cho một hãng công nghệ hàng không theo hợp đồng ký kết giữa Canada và Hoà Lan, vốn dân gốc Huế nên chỉ mê đồ Việt hay Á. Khi tôi hỏi Hoà Lan có gì ngon, cậu lắc đầu nói ngay “Dở lắm anh ơi!”, thế là hai anh em vô đại một tiệm Tàu, tiệm vắng chỉ có hai chúng tôi, chắc đã quá giờ cho buổi sáng và khá sớm cho bữa trưa.
Chúng tôi kêu nhanh hai món – hoành thánh và marble tofu, tôi phải nói vị lạ và khá nhạt! Đã thế tối hôm đó cả hai lại chun tiếp vô một tiệm Tàu khác, nghĩ sẽ may hơn, vì nhà hàng khá đẹp, sang trọng, món súp chua cay của tôi lại vẫn lạ, lạ theo kiểu không ngon! Lúc đó tôi mới sực nhớ món Việt hay Tàu ở Paris ở mấy nơi sang trọng cũng không xuất sắc lắm! Tôi bật cười khi nhớ đến món gỏi cuốn bán ngay tại trường tôi – trường dạy nấu ăn cổ xưa và nổi tiếng thế giới. Vị cũng lạ, nếu không chê là dở!



Đầu Đông ở Amsterdam ảm đạm, tuy chưa lạnh nhiều, nhưng nếu trời mưa thì buồn não lòng! Trời xám xịt cả ngày, mưa không nặng hạt nhưng kéo dài lê thê. Hai anh em đi dạo một vòng ngay khu vực chính, con đường shopping chính của Amsterdam, dành cho khách du lịch! Đứa em họ tôi mặc dù làm việc ở Hoà Lan vài năm, nhưng chắc ít lên “thủ đô” nên cũng không đưa ra ý “đi đâu, làm gì” hấp dẫn!
Khách tấp nập vào cuối tuần, hai anh em đi tới xong quay lui, lúc ghé nhanh vô vài cửa hàng lưu niệm, đứa em họ mua khá nhiều đồ lặt vặt, rồi không biết cách nào nhét vào hết các túi trên áo khoác, để khỏi tay xách tay mang! Cả hai cũng tò mò vào shop BDSM, nhìn phong phú thoáng mát hơn so với Paris, dân Hà Lan chắc nhu cầu thưởng thức cao! Bên Amsterdam không cấm hút cỏ (cannabis) nên có khá nhiều shop nhỏ bán đủ loại! Nhìn vào cứ như cửa hàng cây ươm, đủ hình các lá!



Amsterdam về đêm, có “hiền” không? Tôi nói vậy vì trước giờ ai lại chưa nghe đến Phố đèn đỏ nổi tiếng với những khung cửa sổ lấp lánh ánh đèn đỏ, màn vén cao là “I’m waiting for you“, màn hạ xuống – “I’m busy!“. Amsterdam với khu đèn đỏ De Wallen nổi tiếng hàng trăm năm qua bao nhiêu thăng trầm cũng gắng gượng trong những năm gần đây! Năm ngoái phải tạm đóng cửa do đại dịch, thời vàng son rồi cũng nhạt nhoà theo thời gian!
Quanh khu đèn đỏ có khá nhiều dịch vụ đi ăn theo từ những “sex shop“, “peep show“, “sex theatres” đến những viện bảo tàng nho nhỏ với mấy món trưng bày làm đỏ mặt nhiều người, hay những coffee shop luôn có bán kèm cỏ! Tôi sực nhớ đến đám thiếu niên Pháp lái xe từ Pháp qua sáng sớm chủ nhật, vô tình gặp tôi, hỏi ngay đường đến khu “Red light”, tôi nói sớm thế, đóng cửa hết rồi! Chúng phá cười trả lời “Không sao, sẽ chờ!”


Khu “Red light” ở Amsterdam hình thành từ thời Trung cổ, tồn tại và “thăng hoa” qua hàng mấy thế kỷ. Ngày nay với nhiều ràng buộc hơn, từ giấy phép hành nghề, đến những quy định khắt khe – chỉ chào hàng sau khung cửa có rèm, việc đứng ở cửa, ra đường chào mời là bị mời đi ngay, tha hồ đếm lịch.
Ngày nay cũng không chỉ có Red Light mà có thêm Blue Light (đèn xanh), dành riêng cho các chị em chuyển giới, xem ra khách thời nay cũng có nhiều chọn lựa! Và chắc đâu đó còn những đèn màu khác, ẩn sau những khu phố xa hơn, vắng hơn!


Tối hôm đó đứa em họ phải về nhà để sáng mai còn đi làm sớm, tôi ở lại với những khu phố sáng đèn, tối đèn, những ngã hẹp, những cây cầu nối những dòng kênh lặng lẽ, rồi tiếng quạ kêu trên bầu trời xám xịt. Tôi lững thững dạo quanh các phố hẹp, ngắm nhìn những ngôi nhà với kiến trúc đặc thù của Amsterdam. Chủ nhà thường ở từ tầng trệt và các lầu bên trên, tầng hầm được nhiều nơi làm thành căn hộ cho thuê, khá rộng và tiện nghi.


Tối hôm đó tôi đi lạc, không hẳn lạc, chỉ là không biết đường về ở đâu! Đi một hồi tôi vẫn không ra được con đường tôi cần. Gần nữa đêm, tôi vừa bước ra từ một nơi quá ấm, giờ lại co ro trong cái lạnh khuya, đường vắng, không một bóng người. Tôi đành quay lại nơi xuất phát, định tâm một hồi, đưa mắt tìm hướng ngôi tháp đồng hồ, vì toà tháp đó gần nhà. Đi từ từ, cố nhớ mình đã quẹo đâu sáng nay, trong tâm vẫn mong gặp ai để hỏi đường! Cuối cùng tôi cũng tìm ra, không biết nếu tìm không ra nhà, tôi không chắc mình có dám gõ cửa hỏi thăm vào lúc nữa đêm hay không!

Amsterdam dĩ nhiên còn nhiều chỗ khác hay hơn, cho dù khu “Đèn đỏ, đèn xanh” có thu hút khách đông đến đâu! Vào mùa Xuân có khu vườn nổi tiếng khắp thế giới với hàng ngàn loại quốc hoa của Hoà Lan – Uất kim hương, rồi ngôi nhà Anne Frank nơi có những trang nhật ký nặng lòng trong thời kỳ chiến tranh, rồi viện bảo tàng Van Gogh…
Tôi không thăm Anne Frank vì chắc chắn sẽ nhớ lại nhật ký của cô bé Tanya Savicheva trong thời gian thành Leningrad bị Đức quốc xã vây hãm 900 ngày đêm, tôi cũng không đến bảo tàng Van Gogh, không biết tại sao, tôi sợ cái điên trong con người hoạ sĩ hay tiếc cho sự nổi tiếng muộn màng của ông, chỉ sau khi mất, nhiều bức hoạ của Van Gogh mới được mua với giá cao thuộc hàng cao nhất! Tôi sẽ còn quay lại Ams!
