Sài Gòn có những cơn mưa

Tôi biết mình phải viết bài này, để lưu lại một cột mốc quan trọng trong cuộc sống của bản thân tôi, của gia đình, của những người thân, bạn bè, và của chính Sài Gòn. Từ khuya hôm qua đến sáng nay, trước ngày 1/10, Sài Gòn có một đêm mưa suốt sáng, có sấm sét không quá rền, sáng trời vẫn âm u, mưa vẫn rỉ rã, như để khóc cho Sài Gòn sau mấy trăm ngày vật vã trong đau đớn, như để tiễn biệt mớ hàng rào cắt ngang xẻ dọc nghiệt ngã, như làm dịu đi màu trắng khăn tang trên các mái đầu xanh. Nỗi buồn tĩnh lặng trong lòng vẫn còn đó, tôi tự hỏi Sài Gòn có bao giờ đau nhiều, đau lâu như thế chưa?

TakashimayaSaigon Center vào một buổi sáng đúng ra phải rất nhộn nhịp

Sài Gòn đã từng rất đau cách đây 46 năm, ai trong thời đó chắc thấu được nỗi đau của một sự xáo trộn đến tột cùng. Nhưng Sài Gòn vẫn còn đó qua bao nhiêu thăng trầm. Từ lúc bé tôi có hỏi mẹ “Tại sao phải giải phóng? có cần không?“, “Sao mẹ không muốn đi? “, bà đều trả lời “Thống nhất đất nước cũng tốt“, “Nước mình, mình sống thôi!“. Tôi còn quá nhỏ để bà có thể tâm sự cùng và mãi cho đến sau này, khi tôi trưởng thành, cũng thế!

Hai Bà Trưng nhìn ra bến Bạch Đằng với tượng Đức Thánh Trần xa xa

Sài Gòn sau lần đau ấy có còn đẹp không? Một Sài Gòn trong tâm trí non nớt của tôi, từng êm đềm hơn, nhiều con đường rợp bóng cây xanh hơn, nhiều lề đường không hàng quán hơn, xe cũng vắng, khói bụi cũng ít và cách sống, lối cư xử có phần điềm đạm hơn. Tôi tiếc cách sống ngày xưa đó, giờ như đã hiếm vào thời này. Thời gian không trôi lững lờ nữa, mà qua như lướt, nhịp sống cũng thế, mọi thứ đều quay cuồng vào vòng xoáy của thời gian! Thật ra, đâu cũng thế, xã hội nào cũng vậy, tôi biết và cảm nhận được điều đó trong nhiều chuyến đi của mình, trong từng câu chuyện kể của thế hệ trước.

Đồng Khởi – một thời nhộn nhịp khách qua lại

Và hôm nay, sau từng ấy năm, Sài Gòn một lần nữa lại đau. Để qua một bên những suy nghĩ trái chiều hay tiêu cực, tại sao không thế này, thế kia? Việt Nam có bỏ lỡ một năm chuẩn bị đón cơn đại dịch không? Ai cũng có câu trả lời cho riêng mình, ai trong lòng cũng tự hiểu thế nào là đúng là sai, theo cách riêng. Còn tôi lần đầu tiên trong cuộc đời mới cảm nhận nhiều thứ mà trước giờ chưa từng nghĩ mình sẽ trải qua!

Phố đi bộ đìu hiu

Năm ngoái, khi dịch bắt đầu tràn lan khắp thế giới, Sài Gòn hình như vẫn bình an vô sự. Tôi vẫn nhớ lúc đó, ngày nào cũng xem CNN coi số ca nhiễm, số người tử vong ở Mỹ, chat với người chị bên Paris, ngóng tình hình bên đó, rồi chia sẽ với bạn bè, ai cũng giật mình khi thấy con số tử vong tăng theo giờ! Sài Gòn vẫn như cách biệt với thế giới bên ngoài, thậm chí khi cả Hà Nội có những ca nhiễm đầu tiên nhưng Việt Nam vẫn chưa vội đóng cửa biên giới với Trung Quốc.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ im lim trong một buổi sáng cuối tuần
Phía trước mặt Park Hyatt

Chúng tôi chỉ yên lặng theo dõi, trong đầu vẫn chưa nghĩ gì nhiều! Tết năm ngoái trôi qua cũng trong bình yên, không ai muốn tụ tập, tôi không đi đâu xa! Mãi đến tháng 6, tháng 7 tôi với bạn mới quyết định làm một chuyến ra Quy Nhơn bằng xe lữa rồi sau đó vài tuần đi xe lên Đà Lạt. Có lẽ chưa bao giờ các chuyến đi chơi xa trở thành xa xỉ đến thế! 2020, một con số đẹp nhưng lại ẩn chứa nhiều điều chưa nói! Trong thời gian này khi rảnh tôi vẫn ung dung đạp xe khắp Sài Gòn khi phố phường vắng bóng xe! Phòng tập cũng được mở lại sau vài tháng đóng cửa.

Có gần 50 cửa hiệu trên Đồng Khởi đã đóng trong năm 2020

Sang năm nay, 2021, bức tranh nhiều gam màu xám hơn. Vẫn một cái Tết lặng lẽ bước qua. Vẫn không tụ tập. Đầu tháng 5, tròn 3 năm mẹ tôi mất! Tôi làm theo lời mẹ dặn, đưa mẹ về quê, tôi để bà lại giữa trời nước bao la, nơi giao thoa giữa dòng sông Trà và biển cả, giữa núi Ấn và trời xanh xứ Quảng! Tính mẹ tôi thế, thích tự do, không ràng buộc, tôi mong mẹ tôi vui với sông nước, với gió mát trăng thanh hơn là trong lòng đất ẩm ướt cùng với giun dế. Lúc này tôi còn định đi Đà Nẵng, ra Huế! Nhưng mọi chuyện thay đổi nhanh chóng, tôi buộc phải huỷ chuyến Đà Nẵng và một lần nữa thất hứa với Kinh thành mộng mơ!

Dinh Độc Lập yên ắng trong nắng vàng
Đường đầy bóng râm nhưng lại vắng bóng người

Ở sân bay Chu Lai, tôi bắt đầu cảm thấy ngột ngạt hơn sau cái khẩu trang N95, sự lo lắng trên từng khuôn mặt, ít ai nói chuyện với nhau, có chăng chỉ là những đứa bé vẫn vô tư líu lo…Về tới Sài Gòn lúc này một số hoạt động đã đóng cửa. Thật ra trong thời gian này hay năm ngoái, tôi vẫn chưa cảm nhận được thế nào là dịch, tôi không còn đến văn phòng từ rất lâu, không ham đến những chỗ đông người, không tiệc tùng, ngay cả việc đi xem phim cũng hiếm hoi. Tôi cảm thấy thoải mái khi Sài Gòn bổng nhiên hoá yên lành, không còn khói bụi, không kẹt xe. Sáng nếu siêng tôi vẫn ung dung đạp xe vòng quanh thành phố, từ Q5 qua Q7, tỏ ra thích thú và quen dần với việc đeo khẩu trang, cứ ra khỏi nhà là biến thành ninja!

Đường đẹp thế nhưng ai màng đến
Bên hông Sở Thú
Chuẩn bị ra đường
Và chuẩn bị lên xe

Đến đầu tháng Bảy khi số ca nhiễm tăng chóng mặt ở Sài Gòn, tôi chợt giật mình khi thấy những hẻm bị rào, ngày càng nhiều hơn, càng gần sát mình hơn, và chính quyền cuối cùng chính thức yêu cầu ai đâu ở yên đó! Tôi không còn đi ra đường, không còn đạp xe…lần cuối tôi đi siêu thị là vào trung tuần tháng 6. Sau ngày đó. mọi thứ đều nhờ vào đứa em ở Quy Nhơn mua dùm, từ cá thịt cho đến rau cải đồ khô gửi vào và may sao thùng hàng tới trước vài ngày thành phố phong toả và giới nghiêm từ 18 giờ.

Khi các chợ truyền thống đều đóng cửa hàng loạt
Đại lộ Trần Hưng Đạo và các shipper

Trong suốt gần 3 tháng chôn chân tại nhà, tôi cảm nhận nhiều điều hay quanh mình. Cả xóm nơi tôi ở kết nối với nhau qua Zalo, từ việc thông báo test, tiêm ngừa cho đến việc “đi chợ hộ”…Chúng tôi, những người hàng xóm không còn xa cách như xưa, biết giúp nhau hơn, biết chia sẽ từng tí rau củ, rồi thích thú khi vẫn mua được thịt cá từ quê lên, bánh trái. Khi siêu thị như quá tãi, thì lại có cửa hàng tự phát của chính quyền sở tại, đặt hàng thì vài ngày sau có. Y như một cái chợ online khép kín, giữa các gia đình với phường, quận. Rồi đi chợ dã chiến…dọc con đường gần nhà!

Lần test đầu tiên kế ngôi trường cũ
Lần đi siêu thị cuối cùng vào cuối tháng 6, mất hơn tiếng
Lần đầu đi chợ dã chiến dọc đường gần nhà

Lúc này để khuây khoả thời gian, tôi xem những chương trình hầu như rất ít xem trước kia, từ vài bộ phim gọi là cung đấu do đứa cháu giới thiệu, cho đến nghe nhạc mà vài người bạn tôi vẫn chê lên chê xuống, rồi qua giao hưởng, xiếc, xem nguyên tuồng cải lương có bà chị dâu đóng bên Tây, còn tối thì ru ngủ lúc thì với nhạc Tàu, lúc nhạc Tây, lúc với Discovery!

Tôi được có cái nghề tay trái học thêm khi ở tuốt trời Tây – làm bánh, trước dịch mua trữ vài thứ nên vẫn làm được bánh ngọt, chủ yếu cứu trợ cho bạn bè ai hảo ngọt, rồi lại có người bạn lâu năm chưa gặp, bổng tốt bụng mua đồ làm bánh Trung Thu cho, làm xong là oải nên cho cũng gần hết! Tôi vui vẫn có thể ăn được bánh mỳ mới ra lò mỗi sáng, nếu muốn!

Những dĩa cơm trong ngày đầu phong toả, về sau ít màu xanh hơn
Tôi vẫn thích những lát bánh mỳ nhà làm cho buổi sáng

Đến việc chích ngừa. Tôi thật tình lo vì biết Việt Nam chưa bao giờ có một hạ tầng cơ sở y tế tốt, sau bao nhiêu năm Sài Gòn vẫn còn rất ít các bệnh viện có cơ ngơi xứng tầm khu vực, với dịch vụ chuyên nghiệp…và không chỉ trong y tế, giáo dục, thể thao cũng thế! Nhưng trước khi tiêm là phải test, trên Facebook nghe vài người bạn miêu tả chuyện “thọc mũi” đã thấy khó chịu. Lần đầu làm chuyện ấy đúng là thốn, nhưng cái lần đầu ấy lại rất tốt về tổ chức so với lần 2, trong hẻm, và lần 3 là tự test, có kết quả rồi mà cũng chẳng thấy ma nào lại thu!

Cuối cùng tôi cũng chích xong hai mũi tuy không cách nhau như nhà sản xuất chỉ định 8 đến 12 tuần, nhưng Sài Gòn đang trong tâm dịch khoảng cách hoàn toàn có thể rút ngắn lại! Cuối cùng đến chuyện thẻ xanh, dù chích cách đây hơn nữa tháng nhưng vẫn không có thẻ xanh cho đến tận hôm qua – chỉ vì cái tên không giống ai của tôi – Nguiên!

Chiếc bánh Tiramisu sinh nhật tôi, được đông lạnh ngay để cho bạn vài tuần sau

Chưa bao giờ tôi “nhiều chuyện” đến như vậy, tôi có mặt trong quá nhiều nhóm chat từ bạn bè đồng nghiệp ngày xưa, hai ba nhóm, cho đến bạn bè mới sau này, rồi bạn mới quen, mấy đứa cháu, trong tổ dân phố…nhắn qua nhắn lại đến nỗi đọc không đã mỏi mắt, huống hồ bấm bấm nhắn lại! Không biết tôi có cần mua cái phone lớn hơn không vì đến giờ tôi vẫn quan niệm phone phải nhỏ gọn, sau bao nhiêu năm làm cho Nokia!

Tôi vui vì những ai tôi quen biết, đều vượt qua tháng ngày nặng nề nhất ở Sài Gòn, tôi cảm kích sự giúp đỡ chia sẽ của mọi người. Có thể Sài Gòn chưa lành bệnh ngay, vết thương vẫn chưa kín miệng, trời âm u đến đâu cuối cùng sẽ được mùa nắng ấm!

Thật ra, có những lúc lòng tôi trĩu xuống, khi đọc những tin, những bài viết, xem những clip một Sài Gòn hoang vắng, lắm lúc nghẹn cả lòng khi vô tình thấy đôi lời dè bĩu thậm chí quá khích đến vô hồn trên mạng. Nỗi đau của Sài Gòn ngày hôm nay đâu phải của riêng ai, tôi trân trọng rất nhiều những ai thiện nguyện, bất kỳ họ làm gì, chút công sức, chút của, chút tiếng ca…để Sài Gòn dịu lại cơn đau.

Tôi để bức hình mới chụp của một cây thuộc nhóm xương rồng để kết thúc bài viết này. Cách đây vài tháng cây như một xác khô, không chút sinh khí…tôi định vứt đi, vậy mà không ngờ chỉ hơn một tháng cây lại ngoạn mục hồi sinh, bung lá mới, gai nhọn hơn như thách thức với đời, lá căng cứng tràn trề sức sống. Tôi biết Sài Gòn cũng vậy, sẽ hồi sinh mạnh mẽ cho dù có gai góc hơn!

P.S: Một lẩn nữa xin cảm ơn những ai đã chia sẽ, giúp đỡ, bất kể đó là gì, tí quà xanh, tí thực phẩm mà thường ngày ít ai nghĩ tới, tí bất ngờ, dù chỉ là những thông tin, những lời động viên, những tâm sự đời thường, thậm chí những câu chuyện vui, những lời trêu chọc…làm tôi vui hơn trong suốt thời gian Sài Gòn giãn cách!

4 thoughts

  1. Một bài tâm tình dài súc tích cho quãng thời gian dài gần 2 năm đáng nhớ của lịch sử Saigon. Những hình ảnh đẹp và buồn ghi giữ nhiều hơn cho ký ức. Tương lai tốt đẹp hơn qua hình ảnh cây xương rồng hồi sinh cho kết thúc bài thật ý nghĩa. Rất thích đọc blogs của Nguyên. Bạn thật đa tài.

    Like

    1. Thật ra còn nhiều cảm xúc hơn vì quá nhiều chuyện xảy ra trong một thời gian không dài nhưng đủ để thấm từ từ! Cám ơn người đồng nghiệp năm xua!

      Like

    1. Ai cũng có những kỷ niệm, những nỗi buồn…viết ra để còn nhớ đến nó, chứ không thời gian lùa trôi đi hết! Cám ơn em đã đọc và chia sẽ!

      Like

Leave a reply to Tqb Ngoc Cancel reply