Hôm qua có người bạn nhắc đến những “khách sạn” truyền thống của Nhật, những Ryokan. Tôi thích dùng từ lữ điếm hay lữ quán cho Ryokan, chắc sẽ hợp hơn, vì thật ra từ xưa Ryokan chính là những quán trọ cho lữ khách ở gần đường hoả xa hay các giao lộ, tiện cho khách qua đêm trước một hành trình mới! Ryokan khác nhiều so với những khách sạn theo kiểu phương Tây mà chúng ta quá quen. Ryokan thường là những ngôi nhà gỗ với kiến trúc truyền thống của Nhật, với khu vườn đậm nét Nhật, với onsen (tắm suối nước nóng). Ryokan thường có mặt ở những nơi phong cảnh hữu tình và cách xa chốn phồn hoa đô thị.


Ryokan có thể là việc kinh doanh truyền thống của một dòng họ, được gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, và những Ryokan như vậy, mang đậm tính thời gian, thường mắc vì hiếm! Tôi may mắn được bạn mời nghĩ đêm tại một Ryokan như vậy ở Karatsu (Kuyshu). Ryokan Yoyokaku, cả trăm năm tuổi, người chủ là chú của bạn tôi, ông đã bước qua tuổi 80 và để lại cho người con trai điều hành, ông mong đứa cháu nội sau này cũng sẽ kế nghiệp.


Lần đầu tôi ở Ryokan cũng hơn 10 năm, không xa Tokyo lắm, gần nơi có nhiều suối nước nóng. Một Ryokan đẹp tuyệt vời với hồ tắm onsen trong vườn, với chậu tắm onsen ngay trong phòng tắm riêng. Nhưng Ryokan đó chắc tuổi đời không nhiều, nhìn còn mới, dù rất đẹp! Ryokan, theo tôi, phải xưa, phải hằn dấu vết thời gian, và theo như cách người bạn nói, phải ma mị một chút! Ryokan Yoyokaku ở Karatsu hình như hội đủ các điều đó, luôn cả cái chất ma mị ảo ảo của một kiến trúc cổ kính, vẫn chưa chịu cúi đầu trước thời gian.






Nói đến chuyện ma mị, dân Nhật chắc rất yêu thích mấy dạng kinh dị, rùng rợn. Tôi nhớ có lần tôi làm việc ở Tokyo, qua đêm trong một khách sạn ở khu Akihabara, phòng rất nhỏ, tối khuya tôi đọc một cuốn truyện tranh Nhật (manga) về cuộc đời một ông bác sĩ thì phải, nhưng ý tưởng quái dị của tác giả (mangaka) thể hiện qua suy nghĩ của nhân vật, gây cho tôi cảm giác rờn rợn, ớn lạnh cả người, ! Căn phòng tôi ở nhỏ xíu theo cách của Nhật càng u ám một phần vì không có cửa sổ, một phần vì nhân vật trong truyện. Tôi vẫn chưa đọc xong quyển truyện đó dù qua bao nhiêu năm.


Việc trên làm tôi nhớ lại một sự cố nhỏ, có lần tôi nằm ngủ vô tình đụng trúng remote TV, thế là giữa đêm khuya tỉnh mịch, TV bổng bật sáng, tôi giật mình thức dậy và thấy ngay khuôn mặt tai tái của đứa bé với đôi mắt đen không tí tròng trắng ngơ ngơ ma dại, ngồi thọt lõm trong góc tủ nhìn…tôi. Đó chỉ là một cảnh trong phim kinh dị Ju-on với chú bé ma Toshio Saeki, đến giờ tôi vẫn “hận” cái remote vô tình làm tôi thót cả tim gan!


Ryokan của gia đình ông chú bạn tôi ở Kuyshu không có onsen, nhưng có khu vuờn đẹp, lại đúng vào thời điểm lể hội hàng năm trong vùng nên kín khách. Phía trước là Ryokan, khu nhà cho khách, giữa là khu vườn rộng, bên hông là nhà hàng và phía sau là dãy nhà của gia đình chủ nhân.
Giá ở Ryokan thay đổi tuỳ theo mùa, mùa đông khách hay vắng, theo kích cở, phòng lớn phòng nhỏ, theo view, hoặc có onsen trong phòng hay không…nhưng giá lúc nào cũng tính theo đầu người! Giá một đêm ở Ryokan có onsen lần tôi đi cách đây khá lâu, gần 500 đô Mỹ cho một khách/đêm, bao gồm một bữa tối hoành tráng và bữa sáng hôm sau. Dĩ nhiên có những Ryokan với mức giá thấp hơn, hoặc cao hơn nhiều, và khách phải thanh toán bằng tiền mặt!



Ở Ryokan tôi không chỉ cảm nhận được văn hoá đặc thù của người Nhật, sự hiếu khách mà còn thấy được sự tỉ mỉ tinh tế của họ trong từng chi tiết, cho dù đó là một góc nhỏ ở hành lang, hay trên một dĩa thức ăn phục vụ khách, hoặc chỉ là “room service” khi họ chuẩn bị “futon” (nệm ngủ cho khách) trên sàn tatami.
Người Nhật có nhiều thói quen hay, ví dụ khi bước từ ngoài đường qua cửa chính vào khu vực agari-kamachi, là nơi khách cởi giày thay dép đi khuôn viên Ryokan. Giầy phải được đặt ngay ngắn và lúc nào cũng hướng ra ngoài, khách quên, sẽ có người làm giúp. Vào phòng tắm, đôi dép trong phòng tắm lúc nào cũng để ở vị trí tiện để xỏ chân vào ngay, lúc đi ra cũng phải nhớ để đôi dép đúng như vậy. Thật ra hành động đơn giản đó chỉ là sự tiện lợi, nhưng hay ở chỗ chính là bất kỳ người Nhật nào cũng đều làm như thế, một thói quen đã được dạy và hình thành từ nhỏ!

Ở Ryokan, theo thông tục khách phải thay đồ, bận yukata (dài hay ngắn, dày hay mỏng) khi đi dùng bữa tối, hoặc xuống khu vực nhà tắm chung. Chuyện tắm chung cũng tuỳ nơi, nhiều Ryokan sang trọng thường có phòng tắm riêng trong phòng, còn Ryokan với onsen bắt buộc sẽ có hồ tắm chung, và đây là một trải nghiệm tuyệt vời nhất mà tôi từng trải.
Ngâm mình trong hồ nước thật nóng, trong khí trời lạnh 15-16oC, nước trong hồ bốc hơi nóng lên làm thành một làn sương mờ ảo và quanh là khu vườn dịu một màu xanh, đó là chưa nói mùi tinh dầu cam thơm ngát từ dầu tắm mà tôi cố tình xoa thật nhiều lần lên cơ thể để mùi thơm đó thấm vào từng cm da thịt trước khi xuống hồ.


Giá cho một đêm ở Ryokan cao so với các khách sạn thông thường khác, nên thường khách chỉ ở một đêm. Một đêm nhưng đủ để thả mình về với quá khứ khi dạo bước dọc hành lang, hay khi ngồi trong phòng trên những tấm tatami, không quá êm, không quá cứng, chỉ vừa đủ để làm nhẹ mỗi bước chân đi, hay nhất là ra khu vườn tìm một góc tỉnh lặng để tận hưởng sự bình an trong tâm hồn.

Một đêm ở Yoyokaku tại Karatsu gợi cho tôi nhiều kỹ niệm của một thời đã qua, khi tôi bắt đầu sự nghiệp một lần nữa với nền văn hoá Nhật, tôi có dịp gặp gở với nhiều người, có những người rất đặc biệt, chứng kiến rất nhiều chuyện, vui cũng có và buồn không ít. Không gian trầm lặng trong căn phòng quá lớn đối với tôi hay khám phá khu vườn tưởng nhỏ nhưng lúc nào cũng tìm thấy những góc lạ là một niềm vui, tuy ít nhiều có sự lạnh lẽo cô quạnh vào đầu mùa Thu, tôi trân trọng từng giây phút này, vì dù có qua bao thăng trầm tôi vẫn còn những người bạn, dù lâu không gặp nhưng vẫn nghĩ về nhau và sẽ không bao giờ quên!