Vũng Tàu hay ngày xưa dân Sài Gòn thường gọi là Cấp, đi Cấp chơi…là một thành phố biển nhỏ, cách Sài Gòn không xa. Trước đi mất hơn 2 tiếng, giờ có đường cao tốc có phần nhanh hơn, nhưng có lẽ cũng không nhanh hơn nhiều. Dân Sài Gòn, vào những ngày rảnh rỗi cuối tuần, hay ra đó. Tôi có nhiều kỹ niệm với phố biển từ những ngày còn rất nhỏ.
Trong một ngày đẹp trời nào đó, do sự hờn giận của người lớn, hai anh em chúng tôi có cả một tuần lang thang ngoài Cấp, một chuyến đi “phượt bão táp” đầu đời! Tôi lúc đó chắc tầm 5 hay 6 tuổi, anh tôi hơn tôi 5. Giờ gọi “bão táp” cho vui, chứ lúc đó…vui thật vì có biết gì đâu, chỉ biết tối ngủ chùa, trước khi ngủ, các thầy hay kêu ra chánh điện ngồi niệm Phật, sẽ mau có người nhà lên đón.

Còn sáng thì hai anh em hay lang thang ở bãi Trước, cách Chùa không xa, nơi có mấy kiosk, đói quá thì xin ai đó cho ăn, tôi mỏi chân đi không nổi thì được ông anh 10 tuổi cõng. Trưa về lại ăn ở Chùa. Không biết phải do niệm Phật, chúng tôi cuối cùng cũng được đón đi giữa khuya. Sau Chùa, chuyến phiêu lưu của hai anh em lại tiếp tục đến một khu quân sự, hai đứa được tắm rửa sạch sẽ trong một căn phòng sang trọng trên lầu một quán bar, nhìn qua cửa sổ tôi còn nhớ những chiếc xe jeep, GMC…

Sau đêm đó chúng tôi lại được đưa về Long Hải, gửi ở nhà của một đôi vợ chồng trẻ với đứa con còn nằm võng, tôi vẫn nhớ dãy nhà đó, khoảng hơn chục căn, giống nhau, như dãy nhà trọ bây giờ, nhưng có phần khang trang hơn và sát ngay biển. Lúc đó với tôi, một đứa bé, biển xanh và cát trắng là nhà tắm, nhà vệ sinh, không hơn không kém! Cuối cùng, chuyến phiêu lưu của hai anh em cũng kết thúc sau vài ngày ở đó, khi người anh họ lên đón chúng tôi về. Hai anh em trở về trong một bộ dạng mà cả xóm đều háo hức bu xem!

Sau này khi lớn hơn, tôi còn những chuyến đi ra Vũng Tàu. Có lần các bạn mẹ tôi mua ghẹ cua gì đó để trong phòng tắm, mọi người nằm phòng ngoài, đến nữa đêm, không biết mấy chú cua sao lại bò ra được làm náo loạn cả phòng, một đêm bắt cua trong những tiếng kêu la thất thanh xen lẫn tiếng cười sảng khoái!
Rồi những năm đi chung với bạn bè cùng trang lứa, bằng xe máy, chúng tôi ra mướn một biệt thự xưa dọc sườn núi, nhìn ra biển. Nhớ đêm quậy phá với đủ các trò chơi con nít ở tuổi mới lớn! Một đứa em trong nhóm, mua bánh bao ăn khuya, cắn một miếng nó đã vội nhả ra, nhăn mặt la “Ôi, bánh toàn mùi nước tiểu!”, ai cũng cười to, một phần vì bộ dạng của nó, một phần ai mà không biết bánh bao thời đó thường làm bằng bột khai, nên “khai” không chịu nổi!

Còn nhiều chuyện gắn bó tôi với vùng đất từng được coi như Hawaii của dân Sài Gòn, và giờ đây sau bao nhiêu năm nhìn lại, mọi thứ đều đổi thay. Sự hờn giận của hai người lớn tôi kể ở trên đã không bao giờ còn, vì mười năm sau đó ba tôi qua đời và mẹ tôi, vài tháng nữa là đến lần giỗ thứ tư. Ba tôi, chính là người trong cơn giận mẹ, đã dẫn hai đứa con đi hoang, gửi mỗi nơi vài ngày, rồi ông đi đường ông, mặc hai anh em!
Những dãy kiosk ở bãi Trước nơi anh em tôi từng thất thểu đi loanh quanh vào những sáng cũng biến mất từ lâu, ngôi chùa ngày xưa vẫn còn đó dù tôi không nhớ chính xác, nhưng chắc là Chùa Quan Âm Nam Hải, ở bãi Dâu không xa bãi Trước bao nhiêu…và khu quân sự dĩ nhiên là không còn!

Hình ảnh hai vợ chồng trẻ cưu mang chúng tôi vài ngày ở Long Hải – cũng hoàn toàn nhạt nhoà trong ký ức, tôi không biết họ là ai, giờ ra sao, ở đâu…những dãy nhà nhỏ sát biển, lúc nào cũng đầy cát và suốt ngày nghe tiếng sóng ầm ầm, chắc đã thành khu nghỉ mát nào rồi. Đứa em ăn cái bánh bao toàn mùi bột khai cũng về với Chúa gần 10 năm, anh nó ở Mỹ vừa mới nhắc với tôi.

Vũng Tàu thay đổi rất nhiều, trên đường ra mấy người bạn nói Vũng Tàu có những con đường đẹp nhất Việt Nam, mà đúng vậy tuy không rộng rãi như ở xứ người nhưng “trong cũng được” với cây xanh, lề đường thông thoáng, thẳng tắp với những…cột cờ thật cao. Tiếc một điều, và chắc là điều lớn nhất, biển Vũng Tàu không đẹp và chưa bao giờ đẹp.
Vũng Tàu không có cát trắng, không có biển trong xanh. Vũng Tàu không có những bãi tắm đẹp, với hàng dừa cong cong. Vũng Tàu giờ có quá nhiều nhà cao tầng, nhiều khách sạn với kiến trúc nặng nề không hợp với không gian biển, có lần tôi lạ lẫm bước trên những lề đường lát đá hoa cương. Nghe đâu việc khai thác dầu khí làm Vũng Tàu đủ no ấm!




Nói vậy, tôi không “chê” Vũng Tàu, vì nó cất giữ nhiều kỷ niệm của tuổi thơ, vì dù sao cũng gần Sài Gòn nhất. Buổi sáng trước khi về lại thành phố, lúc đạp xe trên bãi biển, tôi gặp người đàn ông đi lượm từng bao ny long, từng miểng chai đâu đó trên bãi, ông cố giữ sạch cho biển. Ai cũng làm vậy thì các bờ biển sẽ đẹp và sạch hơn biết bao!
Nói đến đặc sản ngoài đây, tôi buồn cười vì không biết sao Vũng Tàu lại nổi tiếng với món bánh khọt! Và cũng không hiểu sao nó lại đông khách đến vậy. Đối với tôi, bánh khọt phải mềm với chút nước cốt dừa, chút đậu xanh, vỏ ngoài giòn giòn, nước mắm ngọt vừa, ăn cùng với chút đồ chua…còn bánh khọt Vũng Tàu như một phiên bản sai của bánh xèo. Nói đến đây tôi lại nhớ clip của một cô gái Nhật lên Đà Lạt ăn món xôi cẩm kẹp…bánh tiêu. Nghĩ cũng lạ với thời nay!



Chia tay với phố biển trong những ngày cuối năm, tôi có một buổi sáng canh mặt trời mọc ở biển, từ lúc chưa tới 5g sáng mà đến 6g hơn mới thấy “ông mặt trời”, dù sao tôi cũng có một sáng tối trời ngắm trăng lưỡi liềm thật to, bầu trời đầy sao…và đến giờ tôi vẫn chưa biết các nhiếp ảnh gia làm gì để chụp được hình trăng lưỡi liềm cùng với triệu vì sao lấp lánh trên cao rọi sáng xuống mặt đại dương.
Chia tay với 2021, một năm đầy biến cố cho đất nước, cho bao nhiêu gia đình. Chúng tôi quay về Sài Gòn trong khi các xe lại lũ lượt đổ về Vũng Tàu. Dù có ngược dòng nhau, nhưng chắc ai cũng mong 2022 sẽ là một trang mới trong cuộc sống, sáng sủa hơn với nhiều tiếng cười và niềm vui!
