Ngôi đền thiêng Kiyomizu-dera ở Kyoto

Quay lại Kyoto kỳ này, tôi tiếc không thăm lại hết những nơi tôi từng đến cách đây hơn 10 năm trong đó có khu rừng tre xanh ở Arashiyama, ngôi vườn đá phong cách Zen nổi tiếng Ryoan-ji và cả tháp vàng Kinkakuji. Thời đó, tôi cứ như đứa bé lẽo đẽo theo sau ông bạn Nhật, ông đi đâu tôi theo đó! Phó mặc hết cho ông, người con duy nhất của đạo diễn hoạt hình nổi tiếng Yasuji Mori, đàn anh của Hayao Miyazaki từ những thập niên 60.

Cổng Tây (Sai mon) của đền nổi tiếng với cảnh hoàng hôn

Thật ra lúc đó trong đầu tôi phần còn vướng bận nhiều việc ở công ty, phần Nhật đang vào mùa cao điểm, du khách quá đông, những hình ảnh cứ như lướt vội qua tôi, rồi những câu chuyện ông bạn chia sẽ…đến thật nhanh và qua cũng mau! Tôi có hơi tiếc không quay lại khu vườn đá, khu vườn kỳ lạ vì có ngồi hay đứng ở bất kỳ vị trí nào dưới mái hiên nhìn ra, bạn sẽ không bao giờ thấy hết những phiến đá sắp đặt trong vườn.

Main hall nổi tiếng rộng hơn 200m2 nhìn về thành phố Kyoto

Quay lại thời hiện tại, tôi không nhớ đền Kiyomizu-dera có trong lộ trình ngày xưa không, nhưng đến được đây cũng bở hơi tai vì khoảng đi bộ từ ga tàu, thêm con đường dốc lên đền, trong đoàn người lũ lượt, súng sính váy áo kimono!

Đền Kiyomizu-dera, với lịch sử kéo dài gần 1300 năm kể từ ngày hình thành cho đến nay, theo như sử sách ghi lại, bắt đầu từ việc nhà sư khổ hạnh Kenshin tại Nara, được một ông lão áo trắng về báo mộng cho chuyến hành trình “Bắt đầu từ vùng đất phương Nam” đến vùng đất thiêng phương Bắc!

Sư Kenshin bắt đầu chuyến du hành đến khi phát hiện dòng thác trong veo tuôn trào ngay lưng chừng núi Otowa, lúc này một bậc tôn sư khác – sư thầy Gyoei-koji giao lại khúc gỗ quý với sứ mệnh khắc Phật bà ngàn tay lên khúc gỗ và khởi công xây đền tại vùng đất thiêng này!

Dòng nước tinh khiết từ thác Otowa vẫn tuôn trào đến tận ngày nay, khách thăm đền có thể uống nước từ dòng thác. Thấy cảnh này, tôi nhớ mình đã từng nghe và thấy cảnh khách vây quanh nơi dòng thác chảy ra, ai nấy đua nhau múc uống vì tin vào sự nhiệm màu. Hình ảnh năm xưa như những mảnh ghép rời rạc giờ bắt đầu rỏ hơn, liên kết lại với nhau! Tôi biết mình đã đến đây, mười mấy năm về trước!

Ngôi đền tôi lầm tưởng vì …nằm ngay mặt tiền!

Sáng trước khi đi, tôi đã xem kỹ đi tới ga nào, đi bộ sao, trong bao lâu…vậy mà vẫn lạc, lạc vì có một đền chắn ngay “mặt tiền” lại khá đẹp làm tôi cứ ngỡ, nhưng vào chụp vài tấm tôi lại ngờ ngợ, sau đó biết ngay “bé cái lầm”! Đền nhỏ, đơn giản, ngoại trừ khu vườn và chiếc cầu đá khá bắt mắt ngay từ cổng vào…cuối cùng tôi đành hỏi nhóm tình nguyện viên ngồi ngay ven đường chuyên giúp khách lạc đường, hoặc hướng dẫn họ đón xe buýt ở đâu, xe số mấy…về đâu!

Khá nhiều du học sinh sinh viên Việt Nam đến chụp hình

Cuối cùng tôi cũng đến được đền, sau một hồi trôi theo dòng người trên con đường dốc vừa cao vừa xa, lề đường lại hẹp, xe với người lại đông nên mất gần nữa tiếng.Từ xa đã thấy ngọn tháp sơn đỏ vươn cao…và sau đó khu vườn đầy sắc Thu, khách nườm nượp đến chụp hình trong các bộ áo kimono, từ đơn giản đến cầu kỳ, cứ như ngày hội, hèn chi dọc đường lên đền tôi thấy khá nhiều tiệm cho thuê trang phục, làm tóc…

Một đôi khác có cả Team theo chụp
Đôi này thì tự chụp…

Chụp hình khá khó khi quanh bạn toàn người với người, bù lại tôi lại có nhiều “người mẩu” free! Chụp một hồi, đói bụng tôi tìm được một góc yên tịnh, ngay góc vườn, có băng đá khuất sau tấm lều…để ăn bữa sáng đem theo, miếng sandwich mua từ cửa hàng tiện lợi và chai cà phê còn ấm từ “vending machine”, vậy mà bữa sáng chưa xong đã có ngay mấy cô bé Việt Nam đến selfie, tôi tự hỏi ở góc này thì thấy được gì!

Cổng Tây vào đền
Okuno-in Hall – Main Hall nổi tiếng với những tấm ảnh chụp từ đây nhìn qua
Main hall nhìn từ phía Okuno-in Hall

Dòng người cứ tiếp tục tràn về, đến lúc tôi phải mua vé vào đền, khách đông mà quày vé lại vắng, chắc ai cũng bận chụp hình ngoài vườn dưới những gốc cây phong đầy màu sắc! Thật ra vào đền, ngoài việc cầu bái, dân tình khó lòng mà selfie được với cảnh đẹp, vì khoảng không từ Okuno in Hall nhìn về phía Main Hall khá xa, lại toàn người bao kín lan can, chen chân vào cũng khó!

18 cây cột với đường kính lên đến 2m, chiều cao 12m trụ đỡ Main Hall
Bên trong đền dành cho khách cúng bái

Main Hall hay còn gọi Kiyomizu stage, được xây dựng theo vách núi cao gần 13m, tương đương với toà nhà 4 tầng, 18 cây cột làm từ thân cây cổ thụ (zelkova) 400 năm tuổi trụ đỡ, có cột cao 12m, đường kính tới 2m! Qua hơn ngàn năm tồn tại, Main Hall vượt qua nhiều biến cố, thiên tai, lần trùng tu mới nhất…vào năm 1633, sau chừng ấy năm, những cây cột này vẫn đứng vững, tiếp tục trụ đỡ một trong những phần chính của ngôi đền thiêng.

Thông tục rửa tay trước khi vào cúng bái

Ngôi đền Kiyomizu dera thờ Phật Bà ngàn tay (Kannon Bodhisattva), theo thông tục, khi vào cúng phải dùng nước rửa sạch tay, tay có sạch tâm mới tốt, tuy không có quy định nhưng vẫn có hướng dẫn – tay phải cầm gáo nước xối tay trái, rồi chuyển gáo qua tay trái, xối nước tay phải…sau đó tay phải cầm gáo, đổ nước vào tay trái, đưa lên miệng, khẽ nhấp, tuyệt đối không nhấp vào miệng gáo

Đến lúc giã từ đền, hẹn một dịp khác…

Trong từ Kannon ẩn 2 ý khác nhau “Anh”“Tôi”, Phật Bà hướng cho chúng ta lối sống lý tưởng, thấu hiểu nổi đau và niềm vui người khác, nhìn đời một cách khách quan…Về chiều khách bắt đầu vắng bớt, nhưng lại có đợt khách mới tới ở đến chiều tối để xem cảnh lên đèn (đến 21:30 tối) và nhìn về thành phố Kyoto ban đêm.

Đường ra, tôi chọn một đường khác có nhiều hàng quán, tiệm bán lưu niệm, người cũng đông đúc hơn, kẻ mua kem trà xanh, đặc sản của Cố đô, người thử tí dưa leo chua mát lạnh…

Cảm ơn khách ghé thăm và hẹn khách dịp khác!

Đền Kiyomizu dera đẹp hơn vào mùa anh đào, vì quanh đền có hơn 1500 gốc đào các loại, lá phong chỉ có 300 gốc. Mùa hoa anh đào ngược với mùa lá phong, lá phong trời lạnh đổi màu và kéo dài cả tháng, còn hoa chỉ bung nở khi trời ấm trong vài ngày là tàn, nên khách sẽ rất đông! Đường về tôi không đi Metro như lúc sáng mà lấy xe buýt 206 về thẳng ngay ga chính, nhanh hơn rất rất nhiều!

Leave a comment