Quảng đây là Quảng Ngãi. Dân Quảng có nhiều món ăn ngon và cách ăn cũng lạ. Một cái mà tôi thấy lạ nhất chính là món bánh tráng đi kèm. Ăn gì có nước là 100% phải có 1,2 cái bánh tráng nướng trên bàn, bẻ nhỏ cho vào tô, ăn chung…cứ như bánh mỳ chấm sữa! Mẹ tôi vào Sài Gòn từ lâu, bà dần quên đi thói quen đó do bữa ăn hàng ngày của nhà bình thường như bao bữa cơm khác, nhưng khi có dịp giỗ cúng, món nào đặc thù từ xứ Quảng là bà hay bẽ tí bánh ăn chung. Tôi bắt chước bà và lâu ngày thành thói quen!



Nếu hỏi tôi món nào xứ Quảng tôi thích nhất! Chắc tôi sẽ chọn một món mà giờ đây khó tìm, vì tôi ăn nó khi còn nhỏ, tôi thích vị ngọt dịu thanh của nó. Món khoai lang trắng sắc sợi phơi khô ngào với đường mật mía đen. Hình như có thêm tí gừng! Đường mật nguyên tảng to, gói trong giấy vàng vàng, để lâu hay chảy ra…giờ không đâu làm! Còn hỏi món nào tôi biết sớm nhất, chắc mạch nha! Xưa bà con, bạn bè vào chơi hay cho nhà vài lon mạch nha. Nhà bà ngoại ngày xưa cũng là hiệu mạch nha nổi tiếng “Thiên Thai”.
Tôi hay lấy đũa quấn mạch nha thành một cục ở đầu đũa rồi mút từ từ, đôi lúc ham chạy đùa mạch nha cứ chảy dính vào áo.Tôi nhớ đến gánh hàng của bà cô, bận áo dài, trong một lần về Quảng Ngãi cách đây khá lâu, nhớ cách bà kéo mạch nha để lên bánh tráng rồi rắc tí dừa nạo, kẹp hai mẩu bánh lại với nhau, trong Sài Gòn cũng có bán, nhưng không phải mạch nha! Tôi còn thích thêm vài món khác như bánh in tròn, trắng tinh, nhân lại đen, bánh mềm và thơm mùi nếp!





Có vài món lúc bé tôi không thích mà ai cũng hay cho nhà là bánh nổ, bánh thuẫn, bánh đậu xanh khô và…mè xửng. Mấy bánh này vừa khô vừa cứng, còn mè xửng vừa cứng vừa dai! Đó là lúc trước khi nhà thường có, giờ lâu lắm rồi không còn ai cho, tôi cũng chưa ăn lại, nên chắc cũng bớt ghét! À, trước nhà cũng được cho đường phổi, gọi là phổi vì có hình giống lá phổi, lổ lõm chỏm…mẹ tôi thích ăn dưa gang để lạnh với đường này, một miếng dưa cắn cùng tí đường!Giờ không biết còn loại đường này không!




Mẹ tôi thích ăn don, sau này ở Sài Gòn bà cũng có dịp ăn lại, tôi không biết có gợi lại cho bà mùi vị năm xưa không, tôi nghe đứa cháu sống bên Mỹ nói, chỉ có dân đúng gốc Quảng Ngãi mới mê don, không có đành nhịn, còn có dịp là phải ăn! Món ăn dân dã ngày xưa đã thấm vào tâm trí những người sống tha hương.
Tôi ăn don vài lần thấy cũng được, nếu có thích là do có bánh tráng nướng bỏ vào ăn cùng, vị cũng nhẹ nhàng! À có ram, ram như chả giò hay nem theo cách gọi ngoài Bắc. Ram miền Trung đơn giãn hơn chỉ có tý thịt, tôm, hành là hết, nhưng được cái rất giòn! Tôi có người chị họ, chuyên gói ram, có giỗ có chị là có ram, Tết nào chị cũng cho một túi ram, để đông lạnh ăn từ từ!


Lâu lắm rồi, về quê, tôi được ông anh họ đãi ăn bánh bèo chén lần đầu, tôi ngạc nhiên khi thấy mỗi phần là cả một mâm lớn với cả chục chén hơn! Tôi mê bánh bèo! Mê cái dẻo của bánh, mê nước sốt sền sệt có tôm thịt và hẹ (sau này mới biết đó là hẹ), rồi vị nước mắm mằn mặn cùng vị cay ngòn ngọt của tương ớt miền Trung. Thêm vị đậu phộng bùi bùi! Một bà chị họ khác, đổ bánh này rất ngon! Nước sốt ngon, bánh nóng ngon, sau này, chị lớn tuổi thay vì làm bánh chị mua ngoài chợ, nên không còn ngon như trước, dù nước sốt nhà làm vẫn hấp dẫn như ngày nào!



Tôi có đứa cháu, vào Sài Gòn lập nghiệp, sau này qua Mỹ định cư, từng tuyên bố chỉ ăn được đồ Quảng khi ở Sài Gòn, giờ sống bên Mỹ không biết có còn tơ tưởng đến món ngon xứ Quảng hay cũng dần dần chấp nhận gà rán xứ Ken hay trong xe, trong túi phải có cái bánh kẹp thịt bò dằn bụng cùng lon coca!


Món ngon xứ Quảng chắc còn nhiều, tôi nhớ món bánh đập, bánh tráng kết hợp với bánh ướt, chấm mắm nêm, món gà nướng ở núi gì đó, đã có lần ăn qua…tưởng gà núi, nhưng là gà nuôi! Có điều món xôi đậu xanh ở nơi bán gà nướng khá hấp dẫn, vừa giòn của lớp nếp bên ngoài sau khi chiên, vừa béo cay mặn ngọt của nước sốt ăn cùng, rồi thêm mùi đậu xanh…rất bắt miệng! Tiếc là kỳ này về, tôi không ghé lại chỗ gà nướng!

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, vậy mà hỏi tôi món nào đặc sản của Sài Gòn, chắc tôi chịu, vì đa phần gốc gác các món đều xuất xứ từ nhiều vùng miền, du nhập vào Sài Gòn rồi theo thời gian, hoà nhập với cách sống, với khẩu vị tại đây, trở thành như món ngon! Từ hủ tíu đến phở, từ xôi đến chè…đều có nguồn gốc tận đâu đâu. À, có thể cơm tấm, xôi mặn…gốc ở đây, những thứ mà tôi đã quen từ lúc còn rất nhỏ! Không biết tôi có đúng không!