Lý Sơn hay Cù Lao Ré

Tôi nghe nói về Lý Sơn từ lâu, rồi nghe qua tỏi – đặc sản của Lý Sơn. Tỏi cô đơn. Lúc đầu tôi thắc mắc sao cô đơn, sau mới biết do nó chỉ có một tép to, và trong cả tấn tỏi thu hoạch chỉ lựa ra được vài ký “cô đơn”. Cô đơn ít vậy nên giá rất cao, lên cả triệu một ký, trong khi đó tỏi nhiều tép, giá đâu đó vài chục ngàn, giờ mùa dịch, không buôn bán được, giá còn rẻ hơn.

Thủ tục ra đảo khá nghiêm do đại dịch, hải quan cảng hỏi khá chi tiết chuyến đi
Ngư dân, cái thúng và chai nhựa
Đảo Lý Sơn toàn những bãi đá ngầm, sắt cạnh đầy rêu
Sát ngay khách sạn cũng thế, tôi đành ngâm mình trong bể thay vì lăn tăn cùng sóng

Tôi không về Quảng Ngãi thường, nên lần nào về cũng hiếu kỳ, muốn đi ra đảo. Nhưng chẳng lần nào đi được cho đến cách đây vài ngày, tôi và người cháu quyết đi về trong ngày nhưng cuối cùng lại qua đêm. Tuy vậy, ngay hôm sau tất cả khách du lịch được yêu cầu rời đảo trong sáng do dịch bắt đầu lan rộng. Lý Sơn cách đất liền chỉ tầm non tiếng đi tàu. Lúc ra đi tàu Chính Nghĩa, tàu lớn, chạy chậm lại không êm, làm đứa cháu đi cùng, vốn hay bị say sóng, một phen choáng váng! Lúc về, đi tàu nhỏ hơn, chạy nhanh và êm hơn nhiều, 30 phút hơn đã tới bờ.

Đến đảo, chúng tôi vội check-in vào khách sạn đẹp nhất, Đảo Ngọc, sau đó tôi đi dạo trong cái nắng mùa hè, dù không xa lắm, nhưng cái nắng giữa trưa lặng gió, dể làm mệt người, tuy không oi bức nặng nề như thành thị, nhưng lết bộ trong đôi dép hai quai không phải là điều dể chịu, may sao một cư dân tốt bụng cho tôi quá giang trên đường về lại khách sạn. Sau buổi dạo chơi trong nắng này, chân tôi bổng đau, đi lại khá khó khăn, may có đem theo thuốc! Về tới khách sạn tôi vội ngồi ngay cạnh hồ bơi để cho đôi mắt dịu lại, vì suốt đoạn đường đi dọc biển, tôi không hiểu sao người ta xây bờ kè cao quá đầu, đi dạo biển mà ngang tầm mắt chỉ toàn tường xi măng che hết màu xanh mát của biển.

Dân trên đảo nói kè xây sai thiết kế, xây xong thấy kè cao dân phải dựng thang leo qua xuống biển
Phòng tôi tại Đảo Ngọc có ban công ngắm được hoàng hôn trên biển

Tôi hình dung Lý Sơn hơi khác. Hy vọng đâu đó có bãi cát trắng, nước trong xanh, rồi những khung cảnh nên thơ của một hòn đảo miền nhiệt đới…Lý Sơn có hết, chỉ có điều bãi sát bờ toàn đá ngầm sắc, rêu bám trơn trợt, thêm vào đó rác thải của con người, của khách thăm – chai nhựa, bao nylon…Ở đâu đó nước trong xanh nhưng phải ra xa, sát bờ toàn rong tảo.

Bến tàu nhưng chắc quá giờ họp chợ cá, tôi không thấy gì ngoài tàu với thúng

Tôi chưa thấy được những khung cảnh nên thơ trên hòn đảo này, thậm chí đến cái cổng Tò Vò, nổi tiếng với những ai mê “check-in”, nhìn cái cổng, tôi ngạc nhiên sao lên hình lại đẹp thế, còn ở ngoài, thì khá buồn! Làm tôi nhớ đến nàng tiên cá “Little mermaid” ở Đan Mạch, lên hình thì thôi, ai cũng khen, chứ tận mắt nhìn cũng không ấn tượng mấy! Nhờ có biển xanh, mây trắng làm nền, nên giúp cổng Tò vò nổi bật lên, ai cũng thích chụp, tội cho chiếc cầu đá mong manh mà bao người muốn bước lên! Lý Sơn có cả “cây bông giấy huyền thoại” ai đến phải tìm cho ra, đến nổi hỏi đường ai cũng biết, dù chỉ có một cây to duy nhất!

Cổng Tò vò
Không hề to như bao người tưởng
Cây bông giấy ai đến đảo cũng muốn chụp
cây nằm trong khu vườn nhỏ

Google tìm hiểu thêm về hòn đảo này, tôi mới biết xưa Lý Sơn có tên Cù lao Ré, do trồng nhiều cây ré trên đảo (ré cùng họ với gừng, riềng, nghệ…), không biết sao giờ chỉ toàn tỏi! Cù lao Ré hình thành từ núi lữa cách đây hàng chục triệu năm, chúng tôi có đi ngang qua di tích miệng núi lữa nhưng không lên xem, cách không xa là ngôi đền đang xây và “khu phố không người thức”.

Dinh thờ đang được xây dựng kế bên là phố không người thức – nghĩa trang của đảo

Năm ngoái, Lý Sơn trải qua một mùa mưa bão nặng nề, nhiều nhà cửa bị gió giật sập, tróc nóc, đổ tường…ven đường vẫn còn ngổn ngang tàn tích của một cơn vật lộn với thiên nhiên, thấy thế tôi lại nghĩ sống ở đảo giữa biển xanh, đại dương sâu thẩm tuyệt làm sao, nhưng đến lúc mưa bão, cuồng phong…khó mà lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra!

Sau hơn một năm dịch, như khắp nơi, Lý Sơn trải qua thời gian dài không dể dàng, khách du lịch vắng hẳn, đi ngang các nhà nghĩ, hoặc đóng cửa, hoặc nhìn vào nhà trống tênh huênh, hàng quán cũng ít, hai chú cháu lấy xe đi tìm chỗ ăn trưa, nhưng cuối cùng đành quay về khách sạn ăn cơm! Tôi vẫn chưa biết Lý Sơn có gì ngon, đặc sản của đảo, ngoài tỏi, tảo chân vịt và rong biển.

Khu vườn trồng hành khi đã qua mùa tỏi
Những cánh đồng hành
Rau xanh của đảo
cùng bát canh rong

Mùa này dân đã thu hoạch xong tỏi, chuyển qua trồng hành, bắp…Tôi có đi ngang qua bến tàu, nhưng không thấy làng chài, không thấy chợ cá, chắc chỉ họp sáng sớm khi tàu mới về. Sau nhiều năm phát triển cuộc sống của dân trên đảo dể dàng hơn, nhà gạch, nhà lầu…san sát dọc trên những con đường hẹp. Tôi không kịp qua đảo Bé, nghe nói bãi tắm bên đó đẹp, sạch, nước trong veo.

Không biết chợ cá ở đâu chỉ thấy sát bến tàu du lịch dân đóng thùng gửi vô đất liền, còn sót lại vài con cá và cua biển
Đúng lúc dịch lại bùng lên, đảo mời toàn bộ khách du lịch rời đảo trong buổi sáng

Tôi không biết mình sẽ quay lại Lý Sơn hay không, vì bãi tắm, cho dù đi đến đâu, sau bao nhiêu năm, tôi vẫn không quên trong một chuyến “xuyên Việt” cách đây khá lâu, khi chúng tôi vô tình đi ngang qua một bãi biển vắng bóng người. Cát trắng mịn, nước trong veo ánh lên dưới cái nắng rực rỡ của miền Trung, tôi bước xuống nước mà như đi trên gương, làn nước trong, không tí sóng đến lạ, chỉ nhẹ nhàng lăn tăn lấp lánh dưới ánh mặt trời, tôi đi ra xa mà nước vẫn ngang gối, lúc đó tôi ngỡ mình lạc bước vào cõi đâu đâu! Lần sau sẽ là món ngon xứ Quảng!

4 thoughts

  1. Nice writings. Cây bông giấy đẹp nhưng chắc là ở đó không ai trồng nên được một cây làm của. Cổng trời gì đó thấy cũng OK mà. Thiên nhiên tạo hóa. Thanks for the blog anh

    Like

    1. Forgot to mention…Lý Sơn trồng rất nhiều bông giấy, nơi nào nắng là nơi đó có hoa giấy! Có điều cây trong hình to và đẹp!

      Like

    2. Bông giấy ngoài đó thì nhiều, nhưng đẹp nhất chỉ có cây này, hỏi dân ai cũng biết! Cổng trời chụp thì vậy, chứ ngoài cũng không ấn tượng lắm!

      Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s