Sài Gòn ngày cận Tết (Phần cuối)

Tôi tự nhủ sẽ viết phần tiếp theo sớm hơn, nhưng khi ngồi vào bàn lại không biết viết gì. Ngồi xuống rồi lại đứng lên. Đi loanh quanh và cuối cùng bày chuyện khác làm, chắc vui hơn là nói về mấy ngày Tết! Hôm này đã là “mùng” 11, Tết đã hết hay còn mùng, là còn Tết? Đôi khi tôi không muốn nhắc nhiều về những cái Tết đã qua, nhất là khi tôi còn nhỏ. Càng lớn, có tuổi, hình như ai cũng muốn nhìn lại quá khứ, ôn lại những kỹ niệm…và dĩ nhiên tôi không ngoại lệ, nhưng càng nhớ về nó, tôi lại buồn vì…ngày xưa đâu rồi?

Đường hoa Nguyễn Huệ về đêm

Thật lòng mà nói, có những câu chuyện, những hình ảnh chắc tôi sẽ nhớ suốt cả đời, dù lúc đó tôi chỉ là một đứa bé. Bộ não con người thật kỳ diệu, giữ mãi hình ảnh cho đến hàng chục chục năm sau! Hình ảnh tôi nhớ và muốn nói đến chính là…vụ đốt pháo. Xưa nhà ba mẹ ở Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), nhà nhà đều ngang nhau, thẳng tắp, không nhấp nhô như bây giờ, và cứ đúng giao thừa là pháo nổ tung, khói mịt mù.

Lúc đó chắc tôi vừa sợ vừa thích thú, giờ hồi tưởng lại, cảm giác thật khó tả, có lẽ mùi khói pháo khi đó giúp tôi cảm nhận được thời khắc đặc biệt khi nhà nhà cùng giã từ năm cũ, bước qua năm mới! Việt Nam cấm đốt pháo từ lâu, còn bên nước ngoài hạn chế trong một vài khu vực, như trong khuôn viên Chùa. Vụ đốt pháo ở Chùa làm tôi tự hỏi Chùa là nơi tôn nghiêm, an tịnh sao lại đốt pháo khuấy động sự an yên. Thôi, chỉ mấy ngày Tết mà!

Không còn món cơm Dương Châu năm xưa mà cơm chiên tép
nhưng lại ngon lạ lùng

Một hình ảnh khác, tôi ngạc nhiên vì sao mình cứ nhớ nó mãi. Hình ảnh một gốc lan chắc là củ lan, tôi đoán có thể lan hay một loại hoa nào khác. Có gốc nho nhỏ và hoa thật đẹp, đặt trong một bát sứ mỏng có tí nước, đẹp vô cùng. Nhìn rất sang! Hình ảnh đó cứ theo tôi, tôi cố làm mà vẫn chưa tìm được bát nào đủ đẹp dành cho hoa. Ngày nay thì thôi, nhà nào cũng đầy hoa, chậu nào cũng to, hình như càng to càng tốt! Từ chậu cúc vàng cao cả mét, đến những gốc mai như cổ thụ cao ngót đầu, đầy kẽm để giữ dáng, hay gốc bưởi trĩu quả bọc lưới…đến cả lan cũng to.

Xưa mẹ tôi có người bạn bán kiểng nổi tiếng trên đường Nguyễn Trãi, bác Đồn. Nhà bác là cả một vườn cây đủ thứ, mỗi lần mẹ tôi dẫn tôi đến chúc Tết bác, tôi thích nhất là chạy giữa hàng chậu cây, ngắm nghía, tinh nghịch bứt những cây có trái, thường là tắc, ổi non…Tôi cứ sợ ai đó bắt gặp, nhưng lại tự hào vì chiến lợi phẩm ngày Xuân. Nhà bác giờ vẫn còn đó, bác Đồn mất lâu và vườn kiểng đã ngưng bán từ nhiều năm nay.

Món bánh đa – quà của bạn từ Tây Bắc
Súp Kim chi trong ngày Tết cho đậm đà

Trong những ngày cận Tết, chuyện quan trọng nhất chắc là việc ăn gì, nấu món gì cho lạ! Xưa nhà tôi hay bày làm mứt các kiểu, mẹ tôi thích mứt mãng cầu, chua chua ngọt ngọt, gói lại như viên kẹo trong giấy kiếng, tôi lại không thích tí nào, rồi mứt me, mứt dừa. À, tôi nhớ có lần nhà làm mứt gừng, tôi ngồi dọc mấy củ gừng đã gọt sạch vỏ đang ngâm trong nước, dọc lâu hay sao mà lát sau cả tay tôi nóng bừng, tôi quẹt tay lên mặt, gãi lên cổ, thế là cả thân đều nóng! Tôi bị nhà lôi ra tắm mãi sau mới hết!

Tôi không ăn chả giò cả mười mấy năm, nay táy máy làm
Chả giò “nhà làm” theo cách nói bây giờ
Ram miền Trung, quà của người chị

Nhà tôi không cầu kỳ trong việc ăn uống, một phần mẹ tôi không giỏi việc bếp núc, nên tôi ít nhớ đến những món ngon ngày Tết trong nhà. Có chăng là thịt kho tàu, có màu thật bắt mắt, ngọt ngọt, béo béo! Ăn cơm với nước thịt kho tàu ngon làm sao! Rồi món cơm chiên Dương châu mà xưa tôi mê…giờ thì hay ăn cơm nguội chiên trứng cho bữa sáng, đâm ra ngán! Việc gói bánh chưng bánh tét là không bao giờ có.

Duy nhất một lần để vui nhà vui cửa, tôi có nhờ chị Năm, chị giúp việc gốc Bến Tre, và người em dâu gói bánh tét, bánh mặn, bánh ngọt. Hai chị gói đẹp, nhưng chắc gói chặt quá hay sao, hay nấu chưa đủ lâu mà nếp vẫn còn sống trong một vài bánh! Năm nay có cậu bạn hứa đem bánh tét nhà nấu lên cho, nhưng dính dịch nên việc không thành! Tưởng tôi đã có một Tết không chưng không tét, ai dè mùng 6 lại có người bạn đem lộc ăn đến – tét nhân hạt điều!

Bún chả giò “nhà làm”

Tôi thích trang trí nhà ngày Tết. Tôi nhớ những tấm màn voan thật đẹp của Pháp mẹ tôi sắm và chỉ dành cho dịp đầu năm, mẹ tôi cho may đúng từng cửa trong nhà, từ cửa chính cửa phụ cho đến cửa sổ. Treo màn voan lên làm nhà sáng hẳn. Mẹ tôi giữ kỹ những tấm màn đó, sau Tết là hạ xuống, giặt cất dành cho năm sau, rồi cứ như vậy từ năm này sang năm khác! Những tấm màn thật mỏng, thật nhẹ, trắng dịu với những vân hoa thật đẹp, nhưng sau bao nhiêu năm, chúng cũng hoen vàng, từ từ mục rách. Tôi không giữ được tấm màn nào, còn nhà cũng đã được xây lại và có những tấm màn nặng nề khác thay thế, treo suốt cả năm, hiếm khi được giặt!

“Đàn ca tài tử” của những bạn đồng nghiệp cũ

Có những cái Tết, tôi không thích ở nhà, một phần tôi cảm thấy không hào hứng với không khí Tết, năm nào cũng như nhau, cũng chộn rộn lo bao nhiêu thứ, mua sắm, dọn dẹp, trang trí…và cứ như vậy, lặp đi lặp lại trong từng ấy năm. Sau khi mẹ tôi mất, tôi cố giữ vài việc như xưa nhưng tâm trạng khác hẳn, nhạt dần! Tôi từng ngạc nhiên khi Nhật chỉ mừng Năm Mới theo lịch dương. Tôi bật cười khi nghĩ đến Việt Nam mà làm theo Nhật, chắc cả nước “nổi sóng”, không chỉ là sóng mà tsunami luôn! Đúng là sự đánh đổi nào cũng có giá, xưa để tiết kiệm và phát triển đất nước, Nhật dám làm, tôi hỏi vài người bạn Nhật, họ hầu như quên Tết Âm lịch, thế hệ trẻ không quan tâm, ngay cả những người lớn tuổi! Cũng lạ!

Cây mai được người bạn cho mượn

Thế là một cái Tết cũng qua, sau một năm có quá nhiều chuyện. Tôi nghe ai đó, quan chức thì phải, phát biểu trên báo chí – không ngờ dân mình cũng có được một Tết bình an. Tôi cũng mong vậy dù biết đâu đó trong tâm tư, không riêng tôi, mà ai cũng đều trăn trở với những nổi niềm riêng, những day dứt khó nói nên lời, những mối bận tâm, mà thời gian thì cứ đi qua như phớt lờ chúng ta!

Tôi mua cây ớt chỉ vì tò mò, sau Tết có trồng lại được không…

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s