Xưa mẹ tôi có người bạn, dạy chung ở Aurore, tôi gọi bác Lượng. Bác đông con, nên sau một thời gian, bác quyết định qua Lào lập nghiệp, gửi mấy đứa con lại cho mẹ tôi coi chừng trong một thời gian, sau đó bác về rước các con qua cùng. Tôi không nhớ các người con bác, chỉ nhớ hay bị các ông anh đó nhốt vào tủ nhát ma! Sau này cả gia đình bác qua Pháp, sinh sống ở Marseille…mãi tận sau này mẹ tôi với bác mới gặp lại, vài lần rồi mất luôn tin tức! Thời tôi xuống Marseille tôi vẫn chưa có thông tin gì về bác nên không có dịp gặp lại mấy ông anh phá như quỷ ngày xưa!

Đó là những gì tôi nghe về xứ Lào với câu chuyện mưu sinh nuôi con của bác Lượng. Nhân dịp có người bạn học cũ rủ đi Lào, bạn qua thăm bà con, còn tôi đi Lào lần đầu cho biết! Chuẩn bị cho chuyến đi là con số O to tướng, tôi chỉ nghe “loáng thoáng” dân mình hay đi Lào qua ngõ miền Trung hay Bắc gì đó, lúc bay lúc ngồi xe! Nếu bay phải quá cảnh đâu đó, lúc đi hay lúc về! Lần này, chỉ riêng chuyến bay của chúng tôi từ Vientiane qua Bangkok rồi từ Bangkok về Sài Gòn, do sân bay Lào không làm được thủ tục nối chuyến nên mất cả ngày! Vì cả bọn phải “out” và “in” vào Thái (*) trong vòng mấy tiếng, rồi sau đó chờ chuyến bay đêm, không dám book chuyến sớm hơn vì sợ lỡ chuyến!

Nhưng có chuyện lạ, ngày chúng tôi về từ Vientiane, sân bay Bangkok vắng khách đến mức ngạc nhiên, tôi đi Thái rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ qua “immigration” bên đó trong vòng vài phút, hoá ra chúng tôi vẫn có thể bay về Sài Gòn sớm hơn, không cần chờ đến tối khuya! Tóm lại với 2 chuyến bay không quá 2g30′ nhưng thời gian ở sân bay gấp gần như 3 lần giờ bay!

Quay lại với đất nước “Triệu Voi” hay “Vạn Tượng”, hình ảnh Vientiane ít nhiều gợi nhớ Sài Gòn vào những năm 70. Có thể tôi sai, vì tôi có quá ít thời gian ở thủ đô. Vientiane yên ắng, không xô bồ nhưng cũng kẹt xe vào giờ cao điểm và toàn kẹt xe hơi! Nghe đâu một gia đình trung lưu ở Vientiane có thể sở hữu vài ba chiếc xe hơi cùng một lúc! Dân Lào ăn nói nhỏ nhẹ, hiền lành hơn dân mình, ít nói tiếng nước ngoài nên có phần khó giao tiếp! Các gia đình gốc Việt có con sinh ở Lào cũng không nói được tiếng Việt nhiều!




Trong một buổi sáng, nhờ gia đình của người bạn đưa chúng tôi đi thăm gần hết các điểm, được cho là nên đến khi ở Vientiane. Đó là Hoàng cung, Wat Sisaket, Pha That Luang, Patuxay…Riêng Buddha park khá xa nên chúng tôi để vào ngày cuối cùng sau khi trở về từ Luang prabang và tự đi bằng phương tiện công cộng. Mấy địa điểm đầu đều cách không xa khách sạn, dể dàng đi bộ tới nếu biết đường!



Thật tình tôi ít đi thăm Chùa, như mẹ tôi, chỉ giữ hình ảnh Phật trong tâm, không cúng bái, ăn chay…nhưng mà không đi thì cũng chẳng biết đi đâu trong ngày đầu ở Vientiane. Wat Sisaket là ngôi chùa cổ nhất còn lại, sau những lần xâm lược của quân Xiêm, nhiều truyền thuyết quay quanh ngôi chùa này, sao nó vẫn tồn tại sau hơn 300 năm, nhất là trong những năm chiến tranh. Wat Sisaket cổ kính, rêu phong, màu sơn tường hằn đậm dấu vết thời gian…

Lào vẫn còn chế độ hai giá cho người địa phương và khách nước ngoài, chênh nhau khá cao. Nhưng nếu quen người bán vé, thì cứ như may mắn mĩm cười, bạn vào mà không tốn xu nào! Tại Wat Sisaket không được chụp ảnh bên trong đền chính, bàn thờ chính đơn sơ mộc mạc, như người Lào, khách đến viếng chỉ được phép đốt cây nến nhỏ màu vàng và không hề có nhang khói! Ở Việt Nam, nhiều nơi cúng dường như lúc nào cũng đầy ấp các loại mâm quả, tiền vàng giấy bạc và mịt mù khói nhang.
Cách không xa là chùa Phra Keo nổi tiếng với tượng Phật ngọc nhưng đã bị Thái Lan đánh cắp vào năm 1779, sau đó Quốc Vương Thái cho đúc một tượng ngọc khác tương tự trả lại cho Lào. Quanh chùa là những tượng Phật lớn, nổi tiếng vì những biểu cảm khác nhau. Vào giữa tháng Tư, như một phần quan trọng trong nghi lễ đón mừng năm mới, sẽ có lễ hội tắm Phật, diễn ra hàng năm. Nước ướp hoa thơm chảy dọc theo ống gỗ điêu khắc hình thần rắn Naga lên đỉnh đầu của các tượng và các vị sư.

Cách đó không xa là That Luang (tháp Vàng) nổi tiếng, được coi như biểu tượng của quốc gia, được xây dựng từ thế kỷ 16, nhưng lại bị phá huỷ trong cuộc chiến Xiêm-Lào, mãi đến những năm 30 của thế kỷ 20, Tháp mới được xây dựng lại một cách chính xác. Theo truyền thuyết, trong Tháp có ngọc Xá Lợi do các nhà sư Lào đem về từ Ấn độ vào những năm 200 theo Phật lịch (thế kỷ thứ 3), sau một thời gian dài theo học bên đó.


Màu vàng chói của tháp và màu xanh mát mắt của vườn cỏ bao quanh, bất chấp ánh mặt trời chói chang, hai màu tưởng chừng như đối chọi không ngờ lại hoà quyện vào nhau. Chung quanh Tháp là dãy hành lang với nhiều tượng Phật hàng trăm năm tuổi, bức còn nguyên, bức mất đầu, mất tay. Một sự đối lập kỳ lạ giữa toà Tháp nguy nga lộng lẫy và sự đơn sơ, chân chất những bức tượng.



Tôi tò mò với ẩm thực Lào, tôi đoán chắc ít nhiều gì cũng giống Thái, nhưng chỉ với vài bữa ăn khó lòng mà biết được, lại không có dịp thử các món ăn đường phố. Tôi có cảm giác phần gia vị giữa hai nước khá gần nhau, nhưng hình như dân Lào không dùng nhiều nước cốt dừa tạo nên vị béo đậm đà trong các món ăn. Tôi thích món gỏi đu đủ ( Tam maak hung) giờ tôi mới biết để có được vị đặc trưng của nó, cần phải có hai loại mắm pha với nhau – padek và loại khác gần như mắm nêm bên mình. Người Lào ăn cay, rất cay, tôi đã thử và đầu hàng!

Nếp Lào thơm và dẻo nhưng chắc do cách nấu nên hơi khô đối với tôi, người Lào ăn cơm nếp bằng tay, vo tròn và thường chấm với một loại sốt ớt, bán rất nhiều ngoài chợ, lúc đầu tôi cứ đinh ninh sốt đó dùng trong nấu ăn, nhưng hỏi ra mới biết chỉ để ăn với cơm nếp! Dân Lào rất thích đồ nướng, hầu như ở khu chợ sáng hay đêm đều có những quày nướng – gà, thịt, cá…các món ăn chơi thường là các thứ chiên giòn từ da heo, nấm, măng, các loại rong tảo…ăn khá vui miệng!

Giã từ Vientiane vào ngày đầu tháng 10, mưa liên tục ở thủ đô, có lẽ do ảnh hưởng của cơn bão vào miền Trung trước đó mấy ngày, chúng tôi lên đường đi Luang Prabang, từng là vương quốc, là cố đô của xứ sở Vạn Tượng, là di tích được Unesco công nhận vào 1995, đối với tôi Luang Prabang như một Bali không biển, một Đà Lạt không dốc mù sương, một Giverny xinh đẹp (**) vào hè! Hẹn mọi người tại Luang!
________________________
(*) phải làm thủ tục nhập cảnh vào Thái và sau đó lại làm thủ tục xuất cảnh ra khỏi Thái
(**) ngôi làng nổi tiếng với khu vườn của danh hoạ Monet gần Paris
Đọc truyện anh kể ko bao giờ chán. Đơn giả n mà cuốn hút.
LikeLiked by 1 person