Tôi có người cháu, trong một lần rong ruổi bên Lào, và khi duyên đến, cháu tìm được một nữa của mình! Cả hai từ những phương trời khác nhau, kết thành một đôi tại Luang Prabang và kết quả mối tình đẹp đó là một bé gái xinh xắn ra đời, bé được đặt tên Luang, kỷ niệm nơi tình yêu chắp cánh! Và tôi tò mò Luang prabang đẹp như thế nào để tình yêu có thể đơm hoa kết trái nhanh đến thế!


Luang đẹp và dể thương như một Bali không cần sóng biển, một Đà Lạt đầy tiếng thác reo, lấp ló trong mây ngàn, Luang gợi nhớ về một làng quê xinh đẹp Giverny đang bước vào hè! Luang có tất cả! Có những ruộng lúa màu xanh, những ngôi nhà gổ với mái Lào truyền thống, những kệ thờ gổ trước cửa nhà, những ngôi chùa như ở Bali. Luang có những con đường rợp bóng cây xanh, những tán cây như ôm trọn cả con đường, những con thác thật đẹp mà Đà Lạt chắc phải buồn và hổ thẹn.
Luang cũng thật gần với ngôi làng Giverny xinh đẹp không xa Paris mấy, vì đâu đó vẫn thấp thoáng những kiến trúc từ thời Pháp, những khu vườn, những ngôi trường, những biệt thự, những bảng đường bắt đầu với “Rue de…” Và quan trọng hơn hết Luang còn giữ được sự nguyên sơ của mảnh đất ngàn năm tuổi.






Đi Luang có dể không? Dể, nhưng do thiếu thông tin, chúng tôi mất khá nhiều thời gian để có được tấm vé tàu đi Luang từ Vientiane. Các quày bán vé tàu trong phố chỉ chấp nhận chuyển khoản qua hệ thống thanh toán của Lào – One Pay! Khách sạn ở Vientiane lại không có dịch vụ mua vé giúp khách và cũng không cung cấp được thông tin gì nhiều, hoàn toàn trái ngược với Luang!

Cách đơn giản nhất là ra ga thật sớm, cách trung tâm 16km, vào ngày khởi hành, quày vé sẽ mở cửa bán vé 2 tiếng trước giờ tàu chạy trong ngày, và chỉ nhận tiền mặt Lào, không thẻ tín dụng, không đô la! Mua vé đi ngày hôm sau thì chịu khó chờ thêm nữa tiếng hơn, sau khi vé trong ngày bán hết!
Nhớ đem theo passport, đối với dân Lào ngoài căn cước họ còn phải có hộ khẩu để tránh việc vé mua đi bán lại! Giá vé tính theo tỷ giá lúc này tầm 530 ngàn tiền đồng! Nói về đường tàu, phải công nhận ông Tàu làm tốt! Tàu chạy rất êm, nhanh, với hơn 300 km đường đèo, qua rất nhiều hầm, chúng tôi đến Luang chỉ sau 2 tiếng so với đi xe – 10 tiếng!

Đôi lúc tôi cho dòng suy nghĩ mình đi lang thang – tự hỏi nếu cho ông Tàu làm cao tốc Bắc-Nam thì mất bao lâu từ Sài Gòn đi Hà Nội! 5 hay 6 tiếng cho khoảng cách ngàn cây số hơn? Chắc còn rất, rất lâu dân mình mới có con tàu cao tốc xuyên Việt!
Luang có khá nhiều hotel đẹp và cũng lắm nhà khách, homestay. Khách sạn tôi ở khá đẹp, bạn tôi nói như một khu nghỉ dưỡng vùng biển, tôi thích ngồi ở ban công vào lúc chiều tà hay sáng sớm, tận hưởng không gian trong lành yên tịnh. Sát bên khách sạn có tiệm chạp phô, ông chủ bán hàng lúc nào cũng cười vì không nói chuyện được với khách, có quán ăn gia đình đối diện, vài bước là tới, có đôi ba guest house vẫn vắng khách do đại dịch, và vài chú chó con bên hàng xóm lăng xăng hay chạy qua chơi!


Tôi đi dọc những con đường nhỏ dẫn xuống sông Mê Kông, sông sẫm màu không biết có phải phù sa hay đất đỏ cao nguyên, vì Luang nằm lọt thỏm giữa những dãy núi kéo dài như bất tận. Dọc sông có những hàng quán đơn sơ, bình dân, thỉnh thoảng xen vài veranda xinh đẹp của nhà hàng sang trọng nào đó bên kia đường. Cơn đại dịch vẫn còn ảnh hưởng nhiều đến Luang, những con đường vắng khách qua lại, những hàng quán ế ẩm, lâu lâu thấy những nhà khách cửa đóng then cài và hàng dài tuk tuk kiên nhẫn đợi khách ven đường…



Ngay trung tâm có khu chợ buổi sáng dọc theo con đường nhỏ, chợ yên ắng, hiền hoà như chính cuộc sống nơi đây. Những tiếng mời rao nhẹ nhàng, không lời qua tiếng lại. Chợ không to cũng không nhỏ, vừa đủ để đi một vòng và cảm được thói quen ẩm thực của người dân ở Luang. Và cũng đủ cho bạn tha hồ chọn lựa từ những rau quả vườn nhà, những đặc sản vùng cao, cá tươi từ dòng sông Mê Kông, cho đến những ly cam xoàn vắt dịu mát, những gói xôi ngọt hương vị quen thuộc với người Sài Gòn, xôi cadé.

Nhưng nhiều thứ lại lạ lẫm với tôi, những loại quả chưa từng thấy, những món lạ từ rừng, từ đồng xanh…Tôi chú ý nhìn một bà cụ tóc bạc phơ, bà bán vài loại ớt, rau củ, bà chậm chạp tỉ mỉ sắp xếp từng thứ với nhau…quày hàng của bà đẹp như một bức tranh, đâu ra đó, không cọ quẹt, không phá cách!

Luang có khu chợ đêm, đi đến mỏi cả chân, không chen lấn, ít tiếng chào mời, nếu kéo người mua. Chợ bán đủ thứ! Từ những tấm vải truyền thống xinh đẹp, những bức tranh với Phật và Voi, những cây dù Lào xinh xắn và hàng trăm thứ khác…thỉnh thoảng tôi gặp vài ba người Việt thích thú với những bức tranh hình Phật, những bạn trẻ! Tôi muốn tìm một khăn bàn, nhưng lại không nhớ kích cở nên thôi, nên chỉ đi và ngắm!




Ngày hôm sau chúng tôi đi tour, tự khám phá Luang. Thay vì xe hơi với hướng dẫn viên, chúng tôi nhờ khách sạn đặt một chiếc tuk tuk chạy theo lộ trình mà Lá, tên cậu tiếp tân ở khách sạn đề nghị – làng H’mong, trại nuôi trâu thử kem làm từ sữa trâu, vườn bướm và cuối cùng là thác nước xinh đẹp – Kuang Si! Lộ trình có thay đổi nhưng thời gian vẫn đúng như thoả thuận – 5 tiếng vì Kuang Si quá đẹp, đã giữ chân chúng tôi lại lâu, bất chấp trời lúc mưa lúc nắng!
Hẹn mọi người tại Kuang Si vào một ngày đẹp trời và sẽ kể ăn ở Luang ngon như thế nào!
