Tôi đi Hà Giang – Mã Pì Lèng và dòng sông màu xanh lục (phần kết)

Cả một ngày thả hồn theo cảnh đồi núi, trên những luống hoa tam giác mạch, trên những cung đường, rồi thêm việc leo lên tháp cờ Lũng Cú, hay lẫn quẫn trong Dinh Vua Mèo, tôi không thấy đói, chỉ đến khi về tới Đồng Văn, cái bụng mới nhắc! Đã quá giữa trưa, giờ cơm tối lại chưa đến, nên nhiều quán xá im lìm, chúng tôi ghé đại vào một quán cơm trong thị trấn, gọi vài món ăn gia đình quen thuộc – cá kho, thịt kho, tàu hũ kho, bắp cải luộc và tô nước rau âm ấm. Tôi chỉ muốn một mâm cơm nóng!

Sông Nho Quế và hẻm Tu Sản

Đang ăn, bạn tôi chợt nói, Mèo Vạc không xa nên mai sẽ tự lái, cho dù cung đường có nhiều thử thách hơn bên Đồng Văn. Với cung Mèo Vạc, chúng tôi chỉ có một đích đến – sông Nho Quế, hẻm vực Tu Sản, một trong những vực sâu ở Đông Nam Á, gần 1500m và tất nhiên cả việc vượt qua một trong tứ đại đỉnh đèoMã Pì Lèng, vua của những đèo! Sau bữa cơm, cả hai về khách sạn, tôi thích thú xem lại những hình chụp trong ngày, riêng người bạn chăm chú nghiên cứu đường đi cho ngày mai!

Dốc Thẩm Mã

Sáng hôm sau, chúng tôi lên đường khá sớm, sau khi làm bát phở ngay trong chợ cổ Đồng Văn. Tiệm đông khách, cứ như bao nhiêu khách trong thị trấn đều dồn về đây, tiệm sáng bán phở chiều tối bán cơm, nhưng sáng tấp nập bao nhiêu, chiều tối lại loe hoe vài khách! Ăn xong chúng tôi khởi hành ngay! Tôi háo hức như ngày đầu, vì nghe quá nhiều, thấy quá nhiều về dòng sông Nho Quế, về đèo Mã Pì Lèng. Tôi cũng tò mò muốn tận mắt thấy ngôi nhà Panorama tai tiếng một thời!

Đường đi từ Đồng Văn qua Mèo Vạc không xa, vẫn những con dốc, những khúc cua khá gắt. Sáng trời có phần ấm hơn, nhưng mây mù vẫn giăng khắp nơi, lơ lững trên các thung lũng, ngọn đồi. Tôi mong có tí nắng để thấy rỏ hơn quan cảnh kỳ vĩ dọc đường đi. Đi một hồi chúng tôi đến con dốc nổi tiếng – Dốc Thẩm Mã, thật tình tôi chỉ biết tên nó sau chuyến đi, lý do ngừng lại vì thấy nhiều xe ghé vào khu tượng đài tưởng niệm các “Thanh Niên Xung Phong” đã tham gia xây dựng con đường Hạnh Phúc vào những năm 50-60 của thế kỷ trước! Dốc Thẩm Mã với 9 khúc uốn lượn, còn được gọi 9 dốc “cua tay áo” (*) vô cùng nguy hiểm ngay cả với giới phượt thủ!

Cây cô đơn giữa hai ngọn đồi nhìn từ dốc Thẩm Mã

Đang còn phân vân chưa biết đứng đâu chụp hình được toàn cảnh con dốc nổi tiếng, tôi nghe giọng nói với âm sắc miền Tây “Anh lên kia chụp lấy được nguyên con dốc đó”, sau đó mới biết người bạn này đi “phượt” bằng xe máy suốt mười mấy ngày trời, xuất phát từ Đồng Nai giờ lên tận Hà Giang, đụng đâu ghé đó, thích đâu ở đó! Sau đó bạn còn tiếp tục qua các tỉnh khác sát biên giới! Phục thật!

Tên “Thẩm Mã” gắn liền với câu chuyện đồn đoán ngày xưa, khi dân địa phương muốn “thẩm định” ngựa nào khoẻ, ngựa nào yếu, ngựa khoẻ phải leo qua 9 dốc dể dàng và số phận những con không vượt qua được, chắc ai cũng đoán chúng sẽ về đâu, khi vùng này có món “thắng cố” nổi tiếng trong những kỳ chợ phiên. Đường xa, dốc cao vậy mà thỉnh thoảng tôi vẫn gặp những kẻ đi phượt bằng xe đạp, làm tôi rất ngạc nhiên!

Ngôi nhà phố chênh vênh trên đỉnh đồi
Terrace dừng chân sống ảo

Sau dốc Thẩm Mã, chạy thêm một đoạn nhìn xuống đã thấy dòng sông Nho Quế, uốn lượn qua khe núi như một dãi băng màu xanh lục, nổi bật ngay từ xa. Dọc đường có vài quán dừng chân, với terrace tạm bợ chênh vênh lưng chừng đèo dành cho ai muốn ngồi giữa trời và đất! Nhìn lên dốc đồi lác đác vài ba ngôi nhà xây xong với tường trần. Việc không tô tường ở Hà Giang không biết vì sao, nhưng lần đi Quảng Bình, thấy nhà nào cũng to, nhưng vẫn trơ tường gạch đỏ, hỏi ra mới biết cứ đến mùa lũ lụt, nước luôn ngập qua khỏi đầu, kéo dài cả tháng, tường nào chịu nỗi, nên tốt nhất cứ để tường trần trụi!

Toà nhà Panorama xấu xí tai tiếng một thời

Ngôi nhà ngay trên bờ vực một thời làm xôn xao dư luận – với tên gọi Panorama! Toà nhà vẫn còn đó, với giá vé vào 30 ngàn đồng , thêm 30 ngàn nữa sẽ có một ly trà thảo mộc, toà nhà còn có dịch vụ homestay! Vào trong mới thấy hết – sự tạm bợ, chấp vá, nhếch nhác ở mọi góc, từ cầu thang lên xuống, đến ban công, đến những chậu hoa khô héo từ lâu, những ly khách uống để lại chẳng ai buồn dọn, những chiếc ghế chỏng chơ…Buồn cho cách quản lý và suy nghĩ của những người trong cuộc. Không muốn so sánh nhưng sao tôi cứ ấm ức trong lòng, khi bao nhiêu nơi khác làm rất tốt, rất đẹp và rất đơn giản vậy mà ở ngay một nơi với quan cảnh kỳ vĩ bậc nhất khu vực, mình vẫn không làm được!

Dòng sông Nho Quế trên dọc đường đi

Chạy dọc theo đèo gần tiếng hơn, đến khúc quẹo vào một con đường đất dẫn xuống sông Nho Quế, mặt đường xấu, đá lởm chởm, gồ ghề, đường không hẳn hẹp nhưng xe du lịch đưa khách lên xuống liên tục làm mặt đường càng xấu hơn! Đi xuống dốc một hồi, chúng tôi thấy nguyên khu vực đón khách du lịch, khá rộng, sát ngay bên đập thuỷ điện. Một công trình khác khá quy mô đang được xây dựng gần khu bán vé, không biết là gì, chắc trạm vé, dịch vụ công cộng…nhìn cứ như khách sạn!

Đường xuống bến tàu
Ra khơi
Tàu sắp vào hẻm vực Tu sản

Bãi giữ xe máy lúc chúng tôi mới đến chỉ vài ba chục xe, vậy mà lúc ra, có lên đến hàng trăm xe đủ loại! Khu vực bán vé ngoài trời, mua vé, ngồi chờ gọi theo số, rồi lên xe trung chuyển ra bến tàu. Chúng tôi không đi theo đoàn, nên được ghép, đôn lên đi sớm hơn. Xe trung chuyển vào khu vực trạm thuỷ điện, xong khách phải xuống đi bộ một đoạn mới đến bến tàu. Bến tàu tạm bợ thô sơ, mạnh ai cứ xuống tàu nào gần, đủ khách là nổ máy!

Những chiếc ghế nhỏ trên tàu cho khách, những chiếc áo phao màu vàng , nhưng khi tàu rời bến được vài phút thì ghế mặc ghế, áo mặc áo, ai cũng đổ dồn về mũi tàu, nơi đang từ từ hướng về hẻm vực Tu Sản, một trong những cảnh quan hùng vĩ nhất trên dòng sông Nho Quế! Tôi tự hỏi sao màu nước sông xanh thế, không biết có do giống tảo rêu đặc biệt nào của vùng núi cao, hay do màu xanh thẩm quanh năm của thảm thực vật hai bên vách núi làm cho dòng sông có màu xanh đặc biệt.

Sông Nho Quế xuất phát từ Trung Quốc, đoạn qua Việt Nam dài gần 50 km nên chắc còn nhiều đường dẫn xuống ở những đoạn khác nhau. Đi dọc sông tôi thấy có những trạm dừng chân, hay homestay, biết đâu ở những điểm khác của dòng sông vẫn còn những chiếc bè gổ ghép lại của dân địa phương, những bãi đá sát mép sông để câu cá, cắm trại qua đêm. Gần biên giới không chắc mấy vụ cắm trại, đốt lửa đêm được phép hay không! An ninh quốc phòng!

Khu cắm trại của ai đó từ xa
Khu cắm trại ?!

Nghĩ đến đây tôi nhớ lại câu chuyện thời sinh viên, khi chơi mật mã đánh dấu đường đi ở miền Nam Kavkaz vào nữa đêm, chúng tôi bị mấy dân phòng an ninh lần theo vì tưởng có nhóm “tình nghi” nào đang hoạt động! May mà mọi chuyện kết thúc vui vẻ khi mọi người gặp nhau tại doanh trại.

Hẻm vực Tu Sản

Màu xanh biếc của dòng sông Nho Quế, màu xanh của cây lá hai bên hẻm vực Tu sản, xa xa là những dãy núi trùng trùng điệp điệp, làm tôi nhớ lại hình ảnh của Milford Sound ở New Zealand, tôi đi cách đây khá lâu. Theo cảm nhận cá nhân, hẻm Tu Sản có phần kỳ thú hơn, dù Milford Sound suýt được xem là kỳ quan thứ 8 của thế giới, tôi dùng từ “kỳ thú” vì nó đem lại cảm giác khó tả từ màu sắc đến cảnh quan, từ con đường với những dốc đèo quanh co nguy hiểm phải vượt qua để xuống được dòng sông và cả những câu chuyện về nó (hẻm vực) mà chúng ta chưa được biết!

Dọc đường chúng tôi liên tục gặp những đoàn phượt thủ

Tàu đi khoảng 30 phút, tương xứng với tiền vé 120 ngàn! Giã từ dòng sông Nho Quế, giã từ hẻm vực Tu sản, chúng tôi quay về Mèo Vạc. Đi qua những khu dân cư đang được xây dựng lại cho đẹp hơn với những cổng rào bằng đá rập khuôn, nhà nào như nhà nấy, rồi ghé ngang khu du lịch nhìn từ xa rất đẹp nhưng lại không có gì dành cho chúng tôi bên trong (không bán thức ăn!), nhờ vậy mà tôi đi có dịp chạy vòng quanh thị trấn Mèo Vạc tới mấy lần để cuối cùng cũng tìm ra tiệm ăn trong thị trấn, một bữa cơm trưa nhanh với vài món ăn đơn giản!

Đèo Mã Pì Léng hay con đường Hạnh Phúc?
Khúc đường ngày càng hẹp lên đỉnh

Trên đường từ Mèo Vạc về Đồng Văn, chúng tôi thấy một con đường nhỏ lên dốc, cập sườn đồi khá chênh vênh, cả hai muốn chạy lên xem có gì hay, ngay sau đó, nhìn những bộ mặt căng thẳng của các phượt thủ gốc Tây ngược đường đi xuống, đường hẹp, chỉ vừa đủ hai xe máy lách qua nhau, tay lái không khéo có khả năng xe trượt ra khỏi mặt đường. Đường càng hẹp dần, nhiều người để xe lại đi bộ, tiếc là tôi không đi tiếp để biết đó là đâu! Sau này mới biết đó là đường đi lên Mỏm đá Tử Thần!

Đường hẹp nhiều khách để lại xe đi bộ lên

Giã từ Đồng Văn, Mèo Vạc, giã từ dòng sông Nho Quế, giã từ những cung đường ngoằn ngoèo, những khúc “cua tay áo”…và cả những người dân tộc tôi gặp, khuôn mặt khắc khổ nhưng hiền hoà. Tôi chưa khám phá được nhiều thiên nhiên, cuộc sống sau những dốc núi, dưới những chân đồi hay ven bờ sông màu xanh lục. Tôi không biết mình có trở lại, nhưng mong có dịp một lần hay nhiều lần nữa quay lại mảnh đất kỳ bí, hùng vĩ này.

Dòng sông màu xanh lục

Và tôi cũng cảm ơn người bạn đồng hành cùng tôi, vững tay lái trên từng cây số, chịu khó ngừng xe những nơi tôi muốn hay cũng thẳng thừng từ chối ở những khúc quanh nguy hiểm. Cả chuyến đi là một trải nghiệm đầy thú vị, những hình ảnh, âm thanh, những câu chuyện bên lề trong một không gian se lạnh mờ sương làm cho tôi nghĩ tiếp về hành trình sắp tới – đến một vùng đất mới, hay quay lại những nơi một thời gắn bó!

(*) Cua tay áo: những khúc cua gấp trên một đoạn đường dốc, ngoằn ngoèo, khúc cua như vậy được gọi là cua tay áo

2 thoughts

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s