Tôi đi Bắc rất nhiều lần, từ cái thời Hà Nội vẫn còn những con phố vắng xe, những ngôi nhà rêu phong trĩu nặng gánh thời gian vậy mà tôi chưa một lần nào đến Hải Phòng. Tôi không biết tại sao và cũng chưa bao giờ nghĩ ngày nào đó mình sẽ đến thành phố này, có lẽ Hải Phòng không hấp dẫn nhiều như Hà Nội với 36 phố phường, cũng ít gợi cho tôi chút hình ảnh nào trong các tác phẩm văn chương của mấy nhà văn Tự Lực Văn Đoàn mà tôi từng nghiến ngấu đọc hồi còn rất nhỏ.

Chưa đi thì giờ đi, thế là tôi bay ra Hải Phòng, một phần vì hiếu kỳ, một phần muốn đi đâu đó cho bớt chồn chân! Tôi đến Hải Phòng khá sớm, khách sạn chưa cho nhận phòng, tôi đành gởi lại hành lý và…đi chợ ngay cho biết vì tôi chỉ có một đêm tại đây! Đối với tôi ra chợ sẽ thấy nhiều thứ hay, biết được nhiều điều lạ và ăn được nhiều món ngon! Thế là tôi đi chợ Cát Bi, khá xa trung tâm!

Ngày đầu tuần và chắc đã gần trưa nên chợ khá vắng, nếu không nói là rất vắng, khu ẩm thực cũng không đông khách ăn mà cũng thưa người bán, hình như ai ai vẫn còn đang nghĩ Tết! Đi một vòng khu ăn uống cuối cùng tôi ngừng lại đúng chỗ tôi cần mà không biết! Hàng bánh đa cua!

Ngạc nhiên nhìn một dãy các “tốp-ping” như trong các quán cơm tự chọn, may sao tôi lanh trí biết mình phải chọn gì đó cho tô bánh đa! Tôi tò mò hỏi chị bán hàng “bánh đa cua” vậy cua đâu? Chị nói cua để nấu nước lèo thôi và màu đỏ của bánh đa cũng từ cua mà ra (hy vọng tôi hiểu đúng ý chị chủ!)



Tô bánh đa cua rất rất ngon…tiếc là ngày tôi quay trở lại Hải Phòng trước khi về Sài Gòn, tôi không còn dịp ăn lại món đó vì trời cứ mưa, chợ Cát Bi khá xa trung tâm, dù cứ nghĩ trong đầu lần này đến sẽ chọn “tốp-ping” khác cho biết, tôi thích nhất măng chua ăn kèm, vị cay nồng của ớt, vị chua của măng còn vị gì đó nữa, thơm thơm mà tôi không đoán ra được!

Ngoài bánh đa cua, tôi cũng ăn bún cá rô đồng xứ Nghệ! Ngon, nhưng tôi vẫn thích bánh đa hơn! À còn món bánh mỳ cay nổi tiếng của vùng này thì thật tình tôi không ham tí nào, không biết mua nhầm chỗ không ngon hay sao dù ngay trên con phố đầy cửa hàng bánh mỳ cay! Bánh không ngon, pate thì quá ít và sốt ớt không cay…chỉ được cái giòn giòn – ăn cho vui chắc!



Sau chợ Cát Bi tôi được mách nên đi thêm chợ Tam Bạc hay chợ Đổ gần khách sạn. Lúc đó đã về chiều nên chợ gần như vãng, chỉ còn vài ba hàng rau quả, đồ khô, hàng quán ăn uống cũng hiếm hoi…nhưng bù lại tôi được đi dọc theo dòng sông Cấm, nhìn phố xá, tôi đoán Hải Phòng đã được thay da đổi thịt rất nhiều.


Đâu đó vẫn còn sót lại vài căn nhà cũ như lạc lõng trên con đường lát gạch bóng loáng, im lặng khép mình cạnh những ngôi nhà mới huênh hoang, ngay cả lề đường lót gạch hoa cương chạy dọc sông như khiêu khích tính tò mò, tôi cứ tự hỏi ngày xưa không biết nơi này ra sao, đường đất ven sông với bến đò, với chợ cá, với dãy nhà gạch cũ kỹ màu vàng phai ẩm ướt quanh năm, nhất là những khi vào mùa gió nồm với những cơn mưa bụi liên tục!

Con đường đi bộ dọc dòng sông Cấm khá đẹp với hàng dài các giỏ hoa đầy màu sắc trang trí cho mấy ngày Tết, đường khá rộng, thoải mái đi dạo sáng hay những lúc chiều về…nhất là khi tiết trời mát mẻ hay chút se lạnh. Tôi gặp khá nhiều người câu cá dọc bờ sông, chỗ một người, chỗ tụ ba tụ bảy chăm chú thả câu xuống dòng nước khá đục, hay trao đổi vài ba câu chuyện đầu Xuân.


Tôi không biết tính cách người Hải Phòng có khác người Hà Nội hay không, nhưng thú thật có nhiều lần nghe dân đất cảng “kinh” lắm! Không biết “kinh” như thế nào nhưng tôi cảm được ít nhiều sự chân chất khi cứ nghe “À, người miền Nam!” hay “Anh chắc ở miền Nam ra!”,“Anh nói giọng miền Trung hay Nam thì phải?” Điều mà tôi hầu như không bao giờ nghe ở Hà Nội, nơi có quá nhiều dân tứ xứ!


Tôi vội đến rồi vội đi, ngày từ Hạ Long về lại Hải Phòng là một ngày mưa phùn cứ lất phất, lúc tạnh lúc ngớt, lúc nặng hạt, lúc nhẹ…cứ thế cho đến chiều tối, làm tôi không có dịp đi thêm đâu đó, rồi phần vì lười, phần vì sáng mai phải bay sớm…nên đành hẹn với đất cảng một dịp nào khác!