Loay hoay mãi tôi cũng chẳng biết viết gì về Tết, dù chỉ muốn ghi lại cho mình nhớ về sau, vậy mà thấy khó! Trong đầu có bao nhiêu ý muốn viết và từ cứ như xếp hàng thành câu, thế mà vẫn không tuôn xuống được! Tết năm nào cũng có những cảm giác riêng, gắn liền với mọi chuyện diễn ra trong năm và theo thời gian, Tết với người càng lớn, khác đi rất nhiều, không còn là một Tết háo hức nữa mà nôn, nôn Tết qua cho rồi!

Lại những câu chuyện thật xưa, chuyện bán hoa ngày Tết! Nhà tôi gần khu Hồ Thị Kỷ, vựa hoa của thành phố, thật tình tôi chỉ mới biết sau này! Chợ bán khá nhiều hoa, giá tương đối mềm nhưng đến Tết thì thôi, mềm hết nổi! Xưa lúc còn siêng, tôi có lần vào chợ, đêm cận Tết, đem máy ra chụp! Như lạc vào một rừng hoa, đủ sắc, đủ loại và người cũng không kém, chen nhau mà đi, sợ nhất là mấy cậu vác hoa, những bó hoa thật to, thật nặng, cứ lủi lủi đi, không tránh là va vào ngay!

Tôi chưa tận mắt thấy cảnh người bán cắt hoa, quăng hoa, đập hoa…nhưng thấy bao nhiêu bó hướng dương, hồng, còn nguyên trong bao giấy, bao nhiêu chậu vạn thọ, cúc, mồng gà và cả mai, đào chen chúc…trong bô rác trên đường Hùng Vương. Nhìn mà xót, xót một phần cho kiếp hoa, một phần cho người bán và cũng xót cho ai đó muốn có được một chậu hoa đẹp trong nhà mấy ngày Tết, nhưng quá xa xỉ đối với họ? Như một thói quen để bảo vệ cho những năm buôn bán sau, người bán quyết không hạ giá và thế cứ đập, cứ phá bỏ…mặc ai tiếc, mặc ai xót!

Tết tôi ít đi đâu! Đi cũng ngại vì sợ đám đông, sợ chen chúc, sợ bị “chém” trong mấy ngày này! Thật ra chỉ có Tết, Sài Gòn mới được vài ngày yên lành, vắng xe trên đường, vắng người trên phố! Tôi thích Sài Gòn lúc đó, không tiếng còi xe, không bụi bặm và đâu cũng thấy hoa, nếu…nếu thêm tí se lạnh hay sương mù ban sáng, chắc y như thành phố cao nguyên chỉ vắng con dốc cao, rặng thông! Tôi chợt cười vì nghĩ giờ Đà Lạt chắc giống Sài Gòn hơn!

Nhà ở gần khu trung tâm, nên có những sáng trước Tết, tôi hay đạp xe ra đường hoa xem có gì lạ, tôi ghét mấy bảng pano cao quá đầu người bao quanh công trình ở đường hoa, làm khuất cả con đường, sao không một hàng rào dây, với bảng “Công trường đang thi công, không phận sự cấm vào” nghe nhân văn hơn với một công trình mang đầy tính “thi vị đầu Xuân”. Hay ai lại ngại chưa khai trương mà áp lực bị soi mói, đàm tiếu của thiên hạ như ông Tào nào ngoài Bắc “chửi xéo” đám khán giả dám chê Táo nhà tao qua câu chuyện “ăn cháo đá bát”, chê bánh mẹ gói!

Trước Tết tôi thay mẹ đi thăm mộ ba và ông bà ở Hàm Tân, mẹ và ba tôi không ở chung chỗ, mẹ tôi nằm ở cửa Đại sông Trà Quảng Ngãi, còn ba tôi nằm trên bãi cát trắng nhìn ra Hòn Bà ở Lagi Bình Thuận, mọi người vẫn hay hỏi sao để ông bà hai nơi! Tôi chỉ làm theo di nguyện, mẹ tôi suốt một đời theo chồng, lo cho chồng, chắc cũng muốn lúc cuối về lại với quê mẹ miền Trung, tôi tin đâu đó trên cao, ba mẹ tôi nếu còn duyên cho kiếp sau họ đã gặp nhau!

Tôi cũng đi thăm được bà chị, lo cho tôi lúc còn nhỏ, gốc Quảng Ngãi, mẹ tôi đưa chị vào Sài Gòn cho ăn học và chăm luôn cả tôi! Mấy năm nay sức khoẻ chị không còn như xưa, để cứ tà tà chạy xe máy xuống nhà thăm má tôi hay cho tôi ít bánh bèo xứ Quảng! Con cái chị đã lớn, làm ăn khấm khá nên chị cũng bớt lo! Lại nhà chị, tôi ngạc nhiên thấy cây khế to trước nhà, cao vượt lầu hai, trồng trong khu phố, vậy mà cây trĩu trái, trái lại to, ngọt dịu, khế chín vàng trông thật đẹp, chị đưa cây lồng cho tôi hái cả chục quả đem về! Khế chấm muối ăn, vui vui, lâu lắm rồi tôi chưa được ăn khế!

Tôi có nghe báo chí đề cập đến chuyện chỉ ăn Tết Dương lịch còn Tết ta…thì thôi! Thật ra chuyện này…cũng đáng bàn! Tôi có khoảng thời gian làm việc với Nhật, biết họ không còn ăn Tết âm lịch từ rất lâu, nhưng cũng tò mò hỏi vài người bạn Nhật, theo cách họ trả lời, tôi đoán có Tết cũng hay, nhưng không có…có lẽ còn hay hơn, vì bớt được bao nỗi lo! Với họ, Tết âm lịch đã xa lạ, ngay cả với người lớn tuổi!

Nhật vẫn phát triển, vẫn phồn vinh, họ có quá nhiều lễ hội truyền thống được trân trọng gìn giữ đến ngày nay. Mọi so sánh với họ đều khập khiễng, ở mình lo Tết chu đáo như một thói quen. Chuyện đi chúc Tết của ngày xưa, ai đi mình, mình phải đi lại, không thì bị trách, theo cách của mẹ tôi, cứ thế mà trong xóm nhỏ lúc nào cũng nhộn nhịp…tôi còn quá nhỏ để tò mò người lớn nói gì đây khi họ mới qua nhà mình, thật ra vẫn những câu chúc, chúc qua chúc lại, nhưng điều tôi, bọn con nít, mong nhất là mấy phong bao đo đỏ, để sau đó còn chạy đi khoe với lũ bạn cùng xóm tờ tiền mới tinh thơm phức, không cần biết trị giá bao nhiêu! Đó là ngày xưa, giờ thì không còn…xóm im lìm, vắng hoe, không ai qua lại, cũng chẳng có trẻ nhỏ lăng xăng áo mới, la í ới khoe tiền lì xì. Tết đã thay đổi!

Sài Gòn cũng thế, cũng thay da đổi thịt trước những áp lực nặng nề trong suốt bao nhiêu năm tồn tại. Sài Gòn quá tãi, quá tãi về mọi thứ, từ con người đến lối sống, từ hiện tại cho đến tương lai. Tôi mong Sài Gòn có một cú hích nào đó thật lớn để tung mình vươn lên, mong từ lâu và đến giờ vẫn kỳ vọng vào một cú hích thần kỳ nào đó! Đôi khi vô tình đi ngang một góc phố sạch sẽ xinh đẹp hay gặp vài ba bạn trẻ dừng xe mua giúp bà cụ tấm vé số ở bên đường, tôi thấy vui. Rồi tôi tự hỏi Sài Gòn cần bao nhiêu góc phố đẹp, cần bao nhiêu bạn trẻ tốt để có được cú hích thần kỳ!

Trong 2022, tôi không còn tung hoành như những năm trước, đi tận đâu đâu! Ở nhà tôi giải quyết được vài mối bận tâm, nhưng hết lo này lại ló ra mối lo khác! Tôi cũng làm được vài việc mình muốn, đi vài nơi chưa một lần tới, và ngẩm ra được nhiều chuyện trong cuộc sống, trong các mối quan hệ quanh mình. Hơn bao giờ hết, tôi rất cần những nguồn năng lực tích cực, sợ biết nhiều việc như kiểu 3 con khỉ bịt tai, bịt mắt, bịt miệng! Nói vậy thôi, chứ tôi đã nghe, đã thấy, bị những năng lượng tiêu cực bao quanh! Tốt nhất nhắm mắt đi qua để sống vui, nhẹ nhàng hơn.

Cuộc sống bao giờ cũng vậy có những chọn lựa, có những mất mát. Trong năm 22, tôi mất một người anh, người bạn, tuy gắn bó không nhiều nhưng biết anh từ lúc còn rất trẻ, phục anh vì một tình yêu, nghị lực mạnh mẽ trong anh. Và tôi cũng không còn dịp gặp lại vài người từng xuất hiện trong đời tôi ở một giai đoạn nào đó, cùng với những ký ức đẹp của một thời. Ngay đến cả Uno chan, cô chó corgi tôi nuôi từ bé, vô cùng khôn ngoan, cũng bỏ tôi đi, nhìn Uno chan cố gượng dậy nhìn tôi ở giây phút cuối đời để lại trong tôi nỗi buồn man mác về một kiếp sống! Cho dù đó là ai!

Tết có còn vui không?
Vẫn vui theo kiểu vắng mợ chợ vẫn đông! Vui, theo một cách riêng nào đó, vui vì hồi tưởng lại ngày xưa, khi còn nhỏ, khi còn mẹ, vui vì nghĩ mình phải làm gì đó cho ngày mai, dù chỉ thoáng qua cũng đủ cho tôi cười! Tôi vẫn còn những người bạn, những mối quan hệ bất ngờ nhưng đủ làm tôi ấm áp trong ngày cận Tết! Và cứ thế Tết lại đi qua thật nhanh, thật nhẹ nhàng…tôi chỉ mong thế!