Hạ Long & tắm khoáng ở Yoko Onsen Quang Hanh

Thành phố Hạ Long gần như thay da đổi thịt hoàn toàn. Năm nào trong hành trình xuyên Việt cùng đoàn phim Úc, quay những thước phim quảng cáo đầu tiên cho Samsung tại Việt Nam, tôi như người giám sát bên hãng đi theo hổ trợ, hành trình kéo dài từ Bắc chí Nam, bắt đầu từ Hà Nội sau đó Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ…

Tôi tự hỏi khu chợ cá năm xưa giờ ở đâu

Hạ Long lúc đó còn đơn sơ, khu chợ cá truyền thống sát biển, nhộn nhịp nhất vào sáng sớm, khi thuyền cá cập bến, tấp nập kẻ bán người mua. Ông đạo diễn người Úc muốn lấy được tia nắng đầu tiên xuyên qua khu chợ nhộn nhịp, ồn ào vốn có, cùng với vị tanh của cá, mặn của biển, được gió nhẹ nhàng đưa vào, len lõi qua khung cảnh tuyệt vời của Vịnh, thế là cả bọn phải dậy từ 3-4 giờ sáng để xuống chợ!

Sau đó, 2016, tôi có dịp quay lại Hạ Long, ở ngay khách sạn Sài Gòn-Hạ Long, băng qua đường là biển vậy mà giờ đây giữa con đường và biển – nguyên một khu đô thị mới rộng lớn, nhìn rất Tây, với hồ phun nước, với tượng Mozart hay Beethoven, nhưng vắng lạnh đến rợn người, nhất là về khuya.

Chỗ tôi đứng chụp trước kia chắc là biển

Tôi không có dịp đi cầu treo, đu quay, thời tiết ít nắng ráo, lúc lất phất mưa, lúc mù sương, lúc âm u. Hạ Long vắng khách, Trung Quốc vẫn chưa mở cửa cho dân qua, một dãy các nhà hàng gần khu đô thị mới, im lìm mòn mỏi chờ khách trong những buổi chiều về. Lạ một điều, nổi tiếng về du lịch, nhưng dịch vụ ăn uống ở đây khá ít. Tôi muốn tìm những quán cơm, những tiệm ăn đặc sản trong phố, quanh chợ, cũng hiếm, đâu đó vài quán cơm tự chọn bình dân, nhưng giá lại khá chát!

Bảo tàng và Thư Viện Quảng Ninh

Tôi có một buổi sáng muộn đẹp trời đi dạo theo con đường dọc Vịnh, đây là lần đầu tôi đi bộ quanh thành phố Hạ Long, có tầm nhìn ra Vịnh đẹp nổi tiếng bậc nhất thế giới. Con đường, công viên, cảnh quan chung quanh, như vẫn chưa xứng với vị thế của Vịnh, tôi ước nó đẹp hơn, thơ mộng hơn hoặc chí ít như công viên dọc sông Hương ở Huế.

Kiến trúc đẹp, ấn tượng nhưng bắt đầu xuống cấp
Người thợ mỏ biểu tượng của Quảng Ninh

Bảo tàng Quảng Ninh nhìn vô cùng ấn tượng từ xa, một màu đen bóng với lối kiến trúc từa tựa bên Bắc Âu (*) những khối vuông đen, liên kết với nhau, như những khối than đen huyền – biểu tượng của cảng than. Tiếc là công trình đã có dấu hiệu xuống cấp, ngay từ bên ngoài đã thấy nhiều vết hoen ố, những vết lở lói trên mấy viên gạch, các bậc thang và ngay cả những công trình nghệ thuật dọc lối đi. Tôi tiếc không có thời gian vào bên trong, chắc chắn ít nhiều sẽ biết được thêm về phố cảng này.

Buổi sáng cuối cùng tôi lại đi chợ ở Hạ Long, dù trời lất phất mưa, trong đầu cứ muốn mua chả mực Hạ Long về ăn xem sao, vì lần ăn thử ở Hà Nội, trong hội chợ quanh bờ hồ, không ngon, nếu không nói là quá ẹ! Vậy mà vào chợ xong, tôi lại mua vài thứ khô và ruốc tôm…cho dể cầm! Nhưng tôi cũng được ăn chả mực chính gốc Hạ Long trong tiệm bánh cuốn bên hông chợ! Chả mực chính gốc ngon hẳn!

Tôi đến Quảng Ninh vì muốn đi “onsen” hay nôm na đi tắm khoáng. Nghe tiếng về Yoko Onsen Quang Hanh, khu tắm khoáng siêu sang khai trương cách đây vài năm, nhìn hình ảnh trên mạng, tôi vô cùng ngạc nhiên vì mọi thứ như bên Nhật, có ít nhiều trải nghiệm về onsen bên xứ sở Phù Tang, nên tôi khá tò mò muốn biết bên mình làm như thế nào.

Cỗng vào Yoko Onsen Quang Hanh
Khu khách sạn ở qua đêm
Phòng khách
và đường vào khu vực dịch vụ onsen
Nhìn dãy tủ, tự hỏi sao nhiều thế, phải hơn 100 locker!

Tôi phải công nhận mọi thứ mang đậm phong cách Nhật, từ kiến trúc cho đến cách hoạt động, dĩ nhiên ít nhiều cũng địa phương hoá cho phù hợp. Bắt đầu từ tủ gởi giầy, cho đến phòng tắm ngồi với chậu gỗ, ghế thấp…từ cách trang trí trong khuôn viên tắm khoáng, mọi thứ gợi nhớ về một onsen rất Nhật, chỉ có điều…ở đây quá lớn!

Điều này làm tôi nhớ đến “trung tâm massage” bên Thượng Hải, khi tôi được người bạn có cô bồ gốc “Shanghai” dẫn đi cho biết! Như một hotel complex sang trọng! Rộng mênh mông, 5-6 tầng lầu, bắt đầu từ tầng trệt với đủ kiểu xông hơi, cho đến các tầng cao hơn với các dịch vụ khác nhau, có cả sân khấu biểu diễn ca hát tạp kỷ trong khi khách nằm làm massage chân, có cả tầng dành riêng cho con nít!

Khu tắm tiên dành cho nam
Nước không quá nóng, và cũng ít mùi khoáng, vị mặn

Yoko Onsen Quang Hanh cũng to, to so với những gì tôi biết bên Nhật, theo tôi, điều này ít nhiều làm giảm đi sự ấm cúng, gần gũi, riêng tư, rồi thời tiết khí hậu, loại nước khoáng, phong cảnh, văn hoá…dĩ nhiên đều khác. Tôi chợt nhớ đến lần đi onsen đầu tiên bên Nhật – nhớ hương cam cực kỳ dể chịu từ dầu tắm, nhớ làn hơi ấm bốc lên mờ mờ trong một không gian khá lạnh, rất nhiều màu xanh của cây cỏ, của hoa bao quanh.

Ở Yoko, nhìn phòng tắm ngồi, nhìn phòng locker hun hút, tôi đoán số tủ lên tới hàng trăm…hiểu nơi đây phải tiếp hàng trăm khách (nghe đâu hạn chế trong vòng 100 khách mỗi ngày) không to, không rộng, không quy mô sao phục vụ được nhất vào những mùa cao điểm.

Vé vào cửa một triệu rưỡi, tha hồ tắm khoáng từ 9 giờ sáng đến chiều tối, trong vé bao gồm bữa buffet trưa với các món Nhật phổ biến. Có spa, có phòng chiếu phim, có phòng nghĩ trưa. Tôi đi vào ngày thường nhưng khách khá đông. Buổi trưa phòng ăn chỉ còn lại vài bàn trống. Vào mùa cao điểm và sau này với lượng khách từ Trung Quốc, hạn chế 100 khách là khó!

Khu biệt thự đối diện Yoko Onsen

Khách đến Yoko onsen, chắc đủ loại, tò mò như tôi cũng có, sống ảo cũng nhiều, gặp gở bù khú với bạn bè không ít, nhưng vẫn có vài gia đình muốn tận hưởng không gian yên tịnh, họ qua đêm trong mấy phòng hạng sang, để sáng ra lại xúng xính trong y phục truyền thống Nhật, lộc cộc trên đôi guốc gỗ, ra vườn ngâm mình trong làn nước khoáng tinh mơ, ấm áp, nghe tiếng nước róc rách, tiếng chim líu lo…và sau đó theo thông lệ là những bữa ăn hoành tráng nhưng nhẹ nhàng chất Nhật! Một cách tận hưởng cuộc sống khá sang chảnh!

(*) Bảo tàng Quảng Ninh do nhà thiết kế Tây Ban Nha Salvador Perez Arroyo, lấy ý tưởng từ hình tượng than đá, khoáng sản đặc trưng của Quảng Ninh.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s