Sapa thị trấn sương mù trong ngày nắng đẹp

Chuyện nắng đẹp ở Sapa có vẻ hiếm hoi, nên vừa lên tới, ai cũng nói anh hên đấy, mấy ngày tới trời nắng ráo, chứ bữa giờ toàn mưa, loại mưa phùn kéo dài cả ngày, rồi mây mù giăng khắp núi, chiều chưa tàn mà sương đã xuống dày đặc! Hy vọng nắng Sài Gòn sẽ theo tôi ra đây, ít nhất trong mấy ngày tôi ở lại vùng đất đỏng đảnh lạ lùng này!

Hồ, núi, mây và thông…gợi nhớ một vài thành phố bên trời Tây

Tôi đi Sapa lần đầu cách đây 8 năm. Lúc đó Sapa đã thay đổi, nghe đâu hình ảnh hoang sơ mộc mạc của vùng cao mất đi nhiều, dọc đường nhan nhãn những dãy nhà kiểu phố cùng các bảng hiệu san sát. Mấy cô gái H’mong, Dao đỏ..thay cho nụ cười hồn nhiên, đã biết cúi gằm mặt hoặc quay lưng tránh né các ống kính từ rất xa. Chợ truyền thống dọc trên con dốc cao cao trong phố không còn, thế vào đó – ngôi chợ nguy nga, lót gạch bông trắng toát, dân vào chợ đều ngần ngại, cứ để dép bên ngoài!

Hình ảnh này như vết son đẹp cho thị trấn vùng cao
Sapa ngày càng nhộn nhịp hơn

Tám năm sau. Sapa như thay chiếc áo mới, trong “ngầu” hơn, đâu cũng có những công trình xây dựng, hoặc mở rộng đường xá hoặc cho các dự án khách sạn dọc sườn núi, mạn đồi. Ngay trung tâm Sapa, nhà thờ đá vẫn còn đó, nhưng đối diện sừng sững một toà nhà nhìn từ xa rất nguy nga tráng lệ, đến gần lại thấy nặng nề, rối rắm! Đó cũng là ga chính của tuyến cáp treo lên đỉnh Fansipan với độ chênh cao nhất thế giới giữa ga đi và ga đến (1410m) và cáp ba dây dài nhất thế giới (6292m)!

Sun plaza – nhà ga lên đỉnh Fanxipan

Mất một ngày tôi mới nhận ra khách sạn năm xưa, ít nhiều thay đổi, nhớ mỗi sáng sương là đà phủ kín ban công, tôi đứng như trên mây, giờ chắc khó vì thung lũng phía sau đã san lấp mở đường cho nhiều khách sạn nhà nghĩ khác, còn đường xuống bản Cát Cát cũng dời đi thì phải.

Tôi thích hình ảnh những người dân tộc rảo bước ở Sapa

Tám năm trước, tôi và người bạn đón tàu khuya lên đây, tôi không nhớ mình có được yên giấc trong đêm hay không, nhưng nhớ cái lạnh làm tôi rét run đêm đó! Đến tận sáng tàu tới Lào Cai, sau còn phải đón xe đi tiếp lên Sapa! Nay tôi lại “tò mò hay cố chấp” đi chuyến tàu đêm, mà hoàn toàn không biết giờ đi xe từ Hà Nội lên thẳng Sapa mất chỉ 4-5 tiếng, nhanh hơn rất nhiều!

Đêm trên tàu, trong căn buồng màu đỏ, tôi phải mất một lúc khá lâu mới vượt qua được cái lắc lư của đoàn tàu, tiếng xình xịch thật to của cổ máy già nua kéo hàng chục toa củ rích theo sau, để chìm vào một giấc ngủ chập chờn. Tàu hoả Việt Nam cần một cuộc cách mạng thật sự!

Cabin trên tàu đi từ Hà Nội tới Lào Cai

Đúng mười giờ đêm tàu khởi hành từ Hà Nội, đến Lào Cai 6g sáng hôm sau, tôi lại báo lầm người bạn ra đón lúc 7g, bạn tôi loay hoay mãi việc đón tôi như thế nào cho tiện vì bạn ở cách Lào Cai khá xa! Vô tình tôi thành hành khách cuối cùng rời ga, sau gần 2 tiếng chờ đợi! Ai đi Sapa, cứ bắt xe limo “Ecosapa” từ Hà Nội lên thẳng xứ sương mù, tiện và nhanh hơn nhiều! Quên đi cái đoàn tàu xình xịch già nua của quá khứ, cho dù có luyến tiếc nó đến chừng nào!

Chiều chưa qua mà sương đã xuống dày đặc

Sapa đang quyết tâm thành một trung tâm du lịch hàng đầu trong khu vực, thật tình vì ở Đông Nam Á, khó đâu được như Sapa: có tuyết trắng như bên trời Tây (dù tuyết mỏng và mau tan, tuyết mà tan thì thôi), có sương mù như London, sương xuống nhanh không kịp trở tay; có những tour-guide rất đặc biệt, những cô gái dân tộc nói tiếng Anh rất chuẩn, tự tin; có ruộng bậc thang đầy màu sắc, có mây ngàn phủ kín, có cáp treo lên núi xứng tầm thế giới, có khí trời mát lạnh trong veo, có hoa và có những món ăn, nhớ đến tôi vẫn thèm, cá suối kho tộ, cá tầm Thác Bạc nấu măng chua, mầm đá xào măng hay rau dớn xào heo cắp nách…Sapa giờ lại có thêm những khu nghĩ dưỡng nhiều sao!

Jade Hill resort & Spa

Kỳ này tôi có ba đêm tại Jade Hill Resort & Spa, theo lời giới thiệu của một “phượt thủ” kỳ cựu, không phải căn phòng xi măng với ban công inox, mà nhà gỗ lợp tranh, rêu phong trên mái, có ban công gỗ nhìn ra thung lũng Mường Hoa, dù khó thấy được gì, có bồn tắm gỗ nhìn ra gốc đào vẫn còn hoa! Jade Hill chiếm một khu rộng lớn ven sườn đồi, như một ngôi làng thật đẹp với những con dốc, những khúc quanh, đâu cũng có cây đào dáng đẹp hoặc những rặng thông cao vút.

gần như bungalow nào cũng có một gốc đào
ban công nhìn ra thung lũng Mường Hoa nhưng không thấy gì
Bên trong nhìn rất ấm cúng dù đang 6-7oC
Thích buổi sáng ngồi nhâm nhi tí cà phê nóng
Tôi mê món cá suối kho tộ đến nổi xin họ phần dư đem về

Đang mùa khuyến mãi nên tôi được nâng cấp từ moutain view lên panorama view, được tặng bữa tối với những món ngon địa phương, được cho voucher lên gần triệu bạc…Jade Hill có lẽ một trong những khu nghĩ dưỡng hiếm hoi làm tôi thích thú, khi thấy lại lá thư tay chào mừng khách đến, rồi những viên kẹo hàng đêm chúc khách một giấc ngủ ngọt ngào.

Sapa có nhiều nhưng mất cũng nhiều! Tôi không có cái may mắn thấy Sapa vào thửa hoang sơ, nhưng đi quanh thị trấn vùng núi, tôi ít nhiều đồng cảm với ai đó từng nói – Sapa ngày càng giống như đô thị vùng xuôi, nhà phố san sát, xe cộ chen chúc nhích nhau từng thước, những khách sạn bê tông nhạt nhoà, xấu xí…Sapa chỉ còn lạ nhờ những bộ quần áo dân tộc nhiều màu sắc thấp thoáng trên phố, ngồi ven đường, nhờ tiết lạnh cùng màn sương dày đặc với cảnh núi rừng mờ mờ ảo ảo!

Đường vào bản Tà Văn
Chùa Kim Sơn Bảo Thắng trên đỉnh Fansipan

Sapa làm tôi liên tưởng đến Đà Lạt. Xứ sở cao nguyên ngày xưa trong ký ức tôi, rất đẹp, những ngôi nhà gỗ đơn sơ, những dãy rào mộc mạc phủ đầy hoa, ven theo con đường mờ mờ sương sáng, xa xa rặng thông vun vút, một không gian yên tịnh, se lạnh, ngát hương hoa, không xe, không khói bụi…Sapa và Đà Lạt sẽ đẹp hơn nếu có quy hoạch đúng, biết giữ lại những kiến trúc đặc thù của địa phương, bảo tồn được thiên nhiên, hạn chế mức đô thị hoá tối đa. Trong vài năm nữa Sapa hay Đà Lạt chắc sẽ phồn hoa, náo nhiệt hơn nhưng hy vọng không phải của một Bangkok, một Bali vùng cao!

2 thoughts

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s