Ẩm thực du ký …(Phần 1)

Đến giờ tôi vẫn chưa có cơ hội làm một chuyến xuyên Việt trọn vẹn, trọn vẹn ở đây là phải bắt đầu từ mũi Cà Mau cho đến tận ải Nam Quan theo cái cách mà tôi mường tượng khi còn nhỏ, lúc cầm trên tay những cuốn truyện phiêu lưu mạo hiểm của tuổi thơ! Thật ra lần nào đi tôi cũng chỉ bắt đầu từ Sài Gòn và cứ thế Trung tiến! Lần đầu cách khá lâu và xa nhất cũng chỉ quá vĩ tuyến 17 một chút!

Lần đó tôi nhớ mình có đứng bên thanh gỗ chắn, mốc phân chia giữa hai vùng chiến tuyến, trên cầu Hiền Lương, tiếc là tấm hình năm xưa lạc đâu mất. Cầu Hiền Lương còn đó hay không, hay cũng theo vận nước đổi thay mà biến thành trạm thu phí hoặc khu nghĩ dưỡng sang trọng nào đó, bất chấp giá trị lịch sử…Rồi cách đây vài tuần tôi lại có một chuyến xuyên Việt mini. Khởi hành từ Sài Gòn bằng xe và đến điểm cuối ở Huế bằng tàu!

Trên những nẻo đường

Đúng ra tôi đi theo vợ chồng ông anh họ, cả hai đều có một thời gian dài “bôn ba” trên đường đời dọc các tỉnh miền Trung. Người thì trên quân trường, người thì vang danh trên các sân khấu cải lương điệu nghệ! Ai cũng muốn tìm lại chốn xưa – hồi tưởng lại thời thanh xuân, còn tôi thì tò mò coi thử các món ngon dọc các nẻo đường như thế nào…

Bình minh trên xứ Quảng

Mỳ Quảng vịt Phan Thiết

Qua khỏi Phan Thiết món đầu tiên chúng tôi dằn bụng là mỳ quảng các loại – gà vịt giò heo…tôi thử với vịt. Tôi có cảm giác các món ăn ở Phan Thiết có vị khá ngọt, cái ngọt này làm tôi bất ngờ từ khi có dịp đi Phan Thiết rồi ăn dọc đường với mấy người bạn từ lâu. Ngọt không như kiểu trong miền Nam, không phải ngọt từ xương (!) mà theo tôi chắc kiểu vung đường hơi quá tay! Ngay cả sợi mỳ cũng khác! Nhưng chắc do khẩu vị từng vùng, nên cũng phải chịu!

Cơm gà Phan Rang

Ngày xưa Sài Gòn có khá nhiều tiệm cơm gà nổi tiếng, một trong những tiệm nằm trên Võ Văn Tần, lúc tiệm còn lụp xụp, khách lúc nào cũng đông, cơm gà thì thôi, béo ngậy. Nhưng đến khi một toà nhà uy nghi vài tầng thay cho tiệm củ năm xưa, cơm như không còn ngon, khách cũng từ từ thưa dần!

Cơm gà Hải Nam ở Phan Rang nằm ngay góc đường, tiệm cũng nhỏ, chỉ vài bàn…Nhưng gà thì không chê vào đâu được. Không phải dạng gà ta, gà thả vườn như ta thường nói, gà khá to, mập thịt nhưng thịt chắc và thơm, mềm dai dai, lớp da thật mỏng và hầu như không mỡ! Tiếc là không biết khi nào tôi mới có dịp quay lại vì tiệm nằm không phải trên cung đường tôi hay đi. Thôi cứ giữ vị ngon của gà, béo của cơm mãi trong ký ức lần này!

Dĩa gà hấp Phan Rang cực ngon!

Nem Nha Trang

Ai mà dân phố biển Nha Trang đọc bài này chắc ít nhiều trách tôi! Món nem nướng nổi tiếng của Việt Nam, được coi đặc sản phố biển, chúng tôi lại ăn ở tiệm được coi là “xịn” nhất Nha Trang vậy mà…nó chán làm sao. Nói dở thì cũng không đúng, coi như tạm được, nhưng gọi là ngon thì còn rất xa. Ngồi một hồi mới biết tiệm này là điểm hẹn của các công ty du lịch, lữ hành, nơi họ lùa khách đến rồi lùa khách đi, mỗi phần ăn chỉ 50 ngàn! Tốc độ phục vụ như “Express” – cực nhanh, cực gọn!

Nhanh thì có nhưng khi nhìn dĩa rau nghèo nàn, loe hoe vài lá sà lách với độc nhất một loại rau thơm, cộng thêm tí dưa leo và xoài xắt lát để cuốn ăn, xoài thì ngọt nên cuốn cũng không ngon, cái “nem” chiên giòn cuốn kèm thì đẫm dầu, chén nước chấm thì ngọt lịm…thôi đành ăn cho qua bữa! Nhớ lại gánh nem nướng ngày xưa, nem mới nướng thơm phức, rau thơm đủ các loại, hoà với vị chua của khế, chát của chuối xanh, ngọt của thơm…còn nước chấm tương với tí đậu phộng rang – ngon làm sao!

Món nem Nha Trang tại nhà hàng “xịn” nhất

Dừa Ninh Hoà

Tôi hiếm khi được uống nước dừa có vị ngọt tự nhiên, dừa bán ở thành phố bao giờ cũng thêm đường thêm muối. Dừa Ninh Hoà ngọt lạ, như để thuyết phục chúng tôi, cô bán hàng nói chỗ em chỉ bán dừa Ninh Hoà mấy chỗ khác toàn dừa Bến Tre thôi, không ngọt đâu! Ai mà chở dừa từ Bến tre ra đây bán trời!

Một trái dừa 14-15 ngàn, nước mát và ngọt lịm, sau này hỏi ra, dừa ngoài đây, sống ở vùng đất khô cằn, quanh năm chỉ có nắng, gió biển, ít mưa, không được tưới, nên vị ngọt như kết đặc trong thân dừa, nước lúc nào cũng ngọt!

Buồng dừa Ninh Hoà

Gỏi cá mai Quy Nhơn

Tôi quay lại Quy Nhơn lần thứ hai. Lần này ở khách sạn ngay trong phố, tôi có hai buổi sáng đi dọc bờ biển. Khó lòng mà so sánh với Nha Trang, Quy Nhơn như đứa em non trẻ, như đứa bé ham chơi đầy bụi bẩn…vẫn còn chập chững tìm lối đi riêng cho mình! Không hoành tráng như Nha Trang, không đẳng cấp, nhưng tôi có cảm giác ẩm thực Quy Nhơn có phần phong phú hơn hoặc chí ít cũng đậm đà hơn.

Tôi thích món cá mai. Tôi đã ăn món này nhiều lần ở Phan Thiết. Có lẽ từa tựa như nhau, nhưng nhìn dĩa rau xanh để cuốn ăn chung, làm món ăn ngon hơn nhiều! Có xoài chua, có thì là, có bắp chuối non…có tỏi thơm, và muốn giòn giòn thì bẽ tí bánh tráng cuốn chung! Ngon đáo để!

Cháo lòng xứ Quảng

Cháo lòng xứ Quảng không đậm đà theo kiểu miền Nam, sền sệt với đủ thứ bên trong, màu lại đậm do nấu với huyết rồi ăn kèm đủ thứ trong đó có giò cháo quẩy. Cháo lòng ở đây ngon nhưng “lỏng le”, thường được ăn kèm với bánh hỏi hay vài ba miếng bánh tráng nướng bẽ vụn bỏ vào cháo. Lúc đầu tôi chưa kiểu tại sao cháo và bánh hỏi đi cùng, té ra cháo quá loãng nên khách ăn hay cho bánh hỏi vào cháo cho đặc hơn, ngon hơn ! Đặc biệt có thêm chén nghệ tươi bằm nhỏ. Nghe lời ông chủ tôi bỏ vào tô một muỗng nhỏ, cháo có màu đẹp nhưng lại quá hăng mùi nghệ – khá khó ăn!

Cháo lòng xứ Quảng

Don xứ Quảng

Don đặc sản của xứ Quảng. Mẹ tôi gốc Quảng Ngãi bà rất thích don, nhưng sống ở Sài Gòn ngày trước – don thuộc hàng quý hiếm. Bà ít có dịp ăn, mà có ăn cũng nói don ở quê ngon ngọt hơn! Tôi ăn cũng được, không ăn cũng được. Nhưng nghe đâu ai lở sinh ra ở đây, dù có sống ở đâu, cũng phải ăn vài tô khi có dịp quay về quê mẹ!

Cũng như cháo lòng ăn với bánh hỏi, don có thể ăn với vịt lộn! Bỏ vỏ rồi cho nguyên cái trứng vào ăn chung, nghe nói rất ngon, vị ngọt của trứng lộn hoà vào vị tanh tanh đặc hữu của don – làm mê hoặc lòng dân xứ này! Tôi thì chưa dám!

Hôm nay tôi mới được thấy don – như trai hến, nhỏ xíu. Don sống vùng nước lợ, dưới cát, không phải mùa nào cũng có, sau khi được rửa sạch và đem đi hấp, sau đó làm thế nào mà don theo phần don, vỏ đi phần vỏ thì tôi chịu! Nhưng nhìn nồi hấp don trong bếp của quán, mùi tro cũi, mùi khói ám lâu năm trên tường, tạo nên một mùi thơm đặc trưng của bếp làng quê…tôi lại nhớ gian bếp nhà ngoại!

Nồi hấp don
Don bao giờ cũng được dọn với vài quả vịt lộn

Ốc gạo

Mẹ tôi có thời hay mua những con ốc gạo nhỏ xíu rồi dùng kim băng “lễ” thịt ốc ra chấm mắm cay chua mặn ngọt, bà mê lắm. Tôi không ham tí nào, vì ốc quá nhỏ! Nhưng hôm nay thấy mấy con ốc gạo chính gốc Quảng, tôi không khỏi giật mình – vì nó nhỏ xíu, nếu có to chắc chỉ to hơn hạt bắp! Vậy mà lắm bà, lắm cô mê, nghe đâu họ hay tụm ba tụm bảy ngồi ăn ốc này, giờ này qua giờ khác, có khi cả ngày, rồi tán đủ chuyện từ trong nhà ra ngoài phố! Tôi đoán vị béo đặc biệt của ốc, cái nhiều chuyện cố hữu đã giữ chân họ lại lâu như vậy bên rổ ốc!

Bánh mỳ pa tê xứ Quảng

Hàng bánh mỳ nổi tiếng ở Quảng Ngãi. Với chảo pa tê sền sệt được giữ nóng trên bếp liên tục. Bánh mỳ khá bọng bên trong, giòn, vị pa tê tôi chưa cảm nhận gì đặc biệt ngoài vị béo. Bà bán cho thêm mấy quả ớt xanh dài, nói ăn kèm rất ngon. Tôi cắn miếng đầu chỉ hăng hăng, nhưng miếng thứ hai thì cay xé lưỡi! Thế là không muốn ăn gì luôn!

Chảo pa tê gia truyền

To be continued!

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s