Ẩm thực du ký…(Phần 2)

Lần trước kết thúc bài viết với hình ảnh xe bánh mỳ với nồi patê nóng hổi ở Quảng Ngãi, thật ra ổ bánh mỳ hôm đó của đứa cháu đang cố tìm lại chút hương vị ngày xưa, sau mấy năm bôn ba xứ người. Còn tôi thì chưa kịp cảm nhận gì đã hứng lấy vị cay xé lưỡi khi ăn phải trái ớt xanh, nên chẳng buồn ăn thêm! Bánh mỳ bà Được, nghe đâu gắn bó với dân xứ Quảng từ rất lâu, dân quen đến nổi khi mừng bóng đá Việt Nam chiến thắng Seagames, đi ngang mượn luôn cái bảng hiệu đi bão, ngày hôm sau mới đem trả lại!

Bánh mì bà Được

Đôi khi, chúng ta hay lầm tưởng “Ước gì ăn lại được những món của tuổi thơ, ôi sẽ ngon biết bao!” Nhưng thực tế nhiều khi không cứ như mơ, theo năm tháng, ăn bao nhiêu món, đi bao nhiêu nơi, hương vị ngày xưa ít nhiều thay đổi, nên “chẳng thấy ngon như xưa! “ – lời đứa cháu.

Lúc nhỏ, tôi mê món bánh dày kẹp chả, mùi thơm của nếp, của chả, tí muối tiêu và luôn của cả miếng lá chuối tròn tròn phủ ngoài. Tôi nhớ mỗi lần mẹ tôi dẫn ra tiệm giò chả đầu ngõ, phải đòi bằng được, thật ra, lúc được lúc không! Sau này tôi thỉnh thoảng vẫn ăn lại, nhưng hương vị, cảm giác nhạt nhoà đi rất nhiều! Nên khi đứa cháu nói “Không còn ngon nữa!” tôi chẳng ngạc nhiên!

Bánh bèo Quảng Ngãi
Bánh bèo Quảng Ngãi trên đường ra Lý Sơn
Hương vị tuổi thơ chắc gì đi mãi với Andy, cậu bé trong hình

Trong chuyến đi này thật ra còn nhiều món nằm trong đầu, nhưng thời gian cũng như khoảng cách trên đường đi không cho phép, nên đành hẹn một dịp khác! Nào là bánh canh hẹ, mắt cá ngừ đại dương…thậm chí món bánh bèo Quảng ưa thích của tôi cũng không kịp, may mà khách sạn tôi ở, vô tình lại có trong buffet sáng – bánh bèo và bánh gói! Không ngon bằng ở ngoài nhưng ít nhiều cũng làm trong lòng vui nhẹ!

Bánh xèo tôm xứ Quảng

Bánh xèo Quảng Ngãi khác với bánh xèo trong Nam, bánh to mỏng dính, có trứng với đậu xanh, bánh xèo miền Trung nhỏ hơn, dày hơn, giòn hơn, ăn thì cuốn với bánh tráng rau thơm. Bánh xèo tôm, giòn rụm, ăn ngon, còn bánh xèo mực thì cứ như mực đi đằng mực bánh đi đằng bánh, chẳng ăn nhập gì với với nhau! Chắc cuốn với bánh tráng thì may ra đỡ hơn!

Bánh xèo mực làm tôi nhớ đến vụ cơm tấm trong Sài Gòn, xưa chỉ có cơm tấm truyền thống, với bì chả, sườn nướng thì quá sang với tuổi học trò, thay vào thi thoảng có thêm vài miếng lạp xưởng. Giờ thì thôi quá nhiều món ăn kèm với cơm tấm, từ thịt kho, cá kho các kiểu cho đến cả mắm chưng, rau xào các loại!

Bánh xèo mực

Ra Huế, tôi ăn cơm hến để nhớ tô cơm hến ngày xưa bà chị dâu họ gốc Huế làm cho ăn. Chị nói, cơm phải cơm nguội của ngày trước, rau ăn kèm phải thật tươi, hến thì khỏi nói – loại ngon nhất! Lúc đó tô cơm hến với tôi khá lạ, cứ như cơm nguội trộn với rau, nhưng chắc do mùi mắm, mùi hến làm tôi nhớ mãi đến giờ! Cơm hến như bữa sáng của dân Huế, sáng ngay góc đường gần khách sạn, tôi thấy một gánh hàng nhỏ đầy khách bu quanh. Hỏi mới biết bán cơm hến. Sáng trước khi bay về Sài Gòn tôi định mua một hộp mang theo, nhưng không kịp.

Cơm hến ngày nay có lẽ không như tô cơm hến ngày xưa của bà chị, giờ rất ít cơm, rau cũng không nhiều, đủ loại “topping” đời mới! Có cả bún hến, mỳ gói hến! Tôi tò mò kêu thử một tô mỳ hến! Không ngon, lạ cũng không vì chẳng thấy nó giống gì cả! Khẩu vị ngày nay cũng lạ, như một thời trứng muối – đi đâu cũng thấy, đến nổi qua tận Bangkok – có cả cà phê trứng muối, kem trứng muối!

Cơm Hến
Mỳ gói hến

Một buổi sáng đi ra chợ Đông Ba, trong đầu tôi muốn vào chợ ăn thử vài món trong chợ, nhưng vô tình đi ngang gánh bún bò Huế ngay cổng chợ. Hồi ra Tết, ở Huế tôi thấy gánh bún bò này, nhưng ngại chưa muốn thử, một phần vì dịch, một phần vẫn còn tơ tưởng đến tô bún bò quá ngon của mệ Kéo cách đó không xa.

Ở Huế bún bò như xe bánh mỳ ở Sài Gòn, đâu cũng thấy, trên một còn đường có vài hàng bún bò giò gân cua chả, sát nhau là chuyện thường. Gánh bún bò ngay sát cửa chợ Đông Ba không ngon như mệ Kéo, nhưng vị thanh chỉ có điều tôi không thích huyết! Rau sống ăn kèm có cả rau má, sau này tôi chú ý mới thấy trong vài tiệm – lúc nào cũng có dăm cọng rau má lấp ló trong dĩa rau!

Gánh bún bò ngay cửa chợ Đông Ba

Huế có nhiều hàng bánh canh. Lần trước bánh canh Nam Phố, như hớp hồn tôi vì vừa ngon, vừa lạ, giá lại mềm! Bữa tôi đi ngang hàng bánh canh Nam Phố ở Phạm Hồng Thái, hàng lại đóng vì đúng ngày rằm! Ngày sau, đứa cháu ở Huế đưa tôi tới gánh bánh canh chả cua O Bướm ngay đầu đường Trịnh Công Sơn.

Bánh canh chả cua ngon đặc biệt, không như bánh canh cua Sài Gòn, chỉ là gánh hàng ngoài trời với hai nồi bánh canh cùng hai người bán, khách tấp nập, người ăn tại chỗ, kẻ mua về! Nói đến bánh canh tôi lại nhớ đến bánh canh tôm nước cốt dừa, lúc nhỏ tôi có dịp mua trong chợ gần nhà. Sau này vài người bạn hứa nấu cho ăn. Đến giờ tôi vẫn chưa được ăn, còn bạn tôi chắc đổi sang họ Hứa!

Gánh bánh canh chả cua O Bướm
Vài ba miếng da heo chiên giòn
và miếng chả cua to ngang tô

Nói cho vui, chứ thật tình ai đó có nấu, tôi lại ngại nếu lỡ lời sao chẳng thấy giống vị bánh canh ngày xưa của tôi! Tô bánh canh lúc đó màu trắng đục xen màu đỏ của tôm, nước sền sệt, béo ngậy cốt dừa, thoang thoảng mùi thơm hành xanh và cay nồng của tiêu đen! Xưa ăn béo bao nhiêu không ngại, giờ đôi khi phải xem lại!

Cháo lươn xứ Nghệ – tôi chưa ra Nghệ An nên cũng không biết cháo lươn ngoài đó ra sao. Tôi ăn miến lươn ngoài Hà Nội, lươn ngoài đó như được chiên giòn. Tôi thích ăn cháo vào sáng sớm. Nhẹ và ấm bụng nhất là khi trời trở lạnh! Sáng ở Huế mùa hè còn dịu mát, nhưng trưa đến thì thôi! Tôi có ý tìm xe bánh mỳ như ở Sài Gòn, thịt nguội dưa chua, nhưng không thấy! Cuối cùng, tôi làm tô cháo lươn đặc biệt với giá 50 ngàn. Đầy cả lươn! Và tôi hài lòng với món sáng nhẹ nhàng này!

Hình như cháo trắng cho thêm lươn – nhưng ngon
Múc lên mới thấy rất nhiều lươn

Sau buổi trưa muộn đi thăm các lăng, tôi chưa kịp thăm lần trước – Lăng Vua Thiệu Trị, Minh Mạng và Gia Long. Một bữa trưa khá dài và vất vả. Khách thăm lăng chưa đông, chắc do cái nóng hè làm khó… Trên đường về chúng tôi vội ghé quán cơm Âm Phủ nhưng tiệm đã nghĩ bán trưa. Đứa cháu nhanh trí chở lại cũng quán cơm Âm Phủ “chị em” gì đó trong hẻm cách đó không xa.

Cơm Âm Phủ có tích của nó, thực hư như thế nào không biết nhưng nghe nói ngày xưa khi những người thợ làm về khuya, vài hàng quán trong khu lán thợ, lấy các món còn dư buổi sáng chế ra món cơm này. Tí thịt heo quay, tí thịt kho xắt nhỏ, tí tôm sấy, tí chả trứng chiên…tất cả cho lên dĩa cơm trắng kèm rau. Lán thợ về chiều, trong sương mờ với vài ánh đèn leo lét, những bóng đen hắt lên vách lá, một không gian âm u bao trùm…chắc vậy mới ra hai từ “Âm Phủ”

Dĩa cơm Âm Phủ

Mùa Hè miền Trung rất nóng. Cái nóng làm tan chảy mọi ham muốn, may có vài sáng ở xứ biển tôi còn kịp đi bộ quanh bãi tắm. Tới Quy Nhơn, khi mặt trời lên cao là cái nóng bắt đầu. Tới Quãng Ngải còn nóng hơn, xế chiều là muốn ra biển Mỹ Khê hứng gió và ngâm mình trong nước mát. Từ thành phố ra biển, đi về, bằng taxi mất hơn 500 ngàn. Chắc vì vậy nên dù có sông, có núi, có biển xanh và lắm món ngon, khách du lịch ít ai mặn mà với Quảng Ngãi, và thế thì làm sao mà đua với Nha Trang, Đà Nẵng hay thậm chí với đứa em út Quy Nhơn!

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s